Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 9 năm 2022 - 14:53 Đã xem: 1258

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã ban hành Chương trình hành động số 23, trong đó đề cập đến mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh (Nguồn: Báo Tuyên Quang)

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số; góp phần quan trọng nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có tổng diện tích tự nhiên 586.790 ha, trong đó 540.232 ha là đất nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII đã đưa ra mục tiêu tổng quát: Cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Tuyên Quang đạt 5,67%; GRDP bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh phía Bắc; chỉ số cải cách hành chính PARINDEX xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả hành chính công PAPI xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố. Đến tháng 8/2022, tỉnh có 54/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 128 sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP[1]; phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, có trên 35.615 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Tỉnh có 2 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đạt được thành tựu như đã nêu là do có sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ tại tỉnh Tuyên Quang đã được quan tâm, đầu tư phát triển theo hướng thiết thực và hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh đã có trên 120 đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng; đặc biệt thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học nghiên cứu, phát triển về cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: Cây cam, chè, bưởi, cây nguyên liệu giấy, cá đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu, chế biến lâm sản... Đến nay, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và một phần được xuất khẩu.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế đã tạo bước đột phá, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về du lịch, nông nghiệp và thu hút đầu tư; nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời bảo đảm việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc.

Tuy nhiên, do là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn hoạt động trong các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình còn hạn chế; bên cạnh đó thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển, doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là loại vừa và nhỏ, tiềm lực hạn chế nên việc hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa thực hiện hiệu quả. Do đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ còn hạn chế.

Tại Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 17/8/2022 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có đề cập đến vấn đề đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang cần phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tập trung nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có đủ năng lực làm chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại chuyển giao vào tỉnh.

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực đáp ứng tiêu chuẩn trong nước, từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh Tuyên Quang phát triển.

Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng, thực hiện các dự án, mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, khai thác, phát huy mối liên kết bền vững trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.

Tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín; đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trên một số lĩnh vực như: nông, lâm nghiệp; công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, các ngành tự động hoá; phát triển công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, công nghệ tái chế, tái sử dụng rác thải đô thị.

Để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chuyên ngành khoa học, công nghệ cho tỉnh là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đời sống cán bộ khoa học, công nghệ từ tỉnh đến cơ sở cần bảo đảm để có thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo, góp phần vào việc giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách cần đồng bộ, tạo nguồn lực thoả đáng cho khoa học, công nghệ để khoa học công nghệ của tỉnh phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

[1] Theo Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, tháng 9 năm 2022

 

Hoàng Mai

Xem tin theo ngày:   / /