Tuyên Quang: Chú trọng làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hoá

Thứ Hai, ngày 19 tháng 9 năm 2022 - 14:00 Đã xem: 1436

Tuyên Quang “Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến” đã trở thành địa danh thân thiết và thiêng liêng trong lịch sử dân tộc, khắc ghi những mốc son chói lọi, những trang sử hào hùng của Đảng, của cách mạng Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang và đồng bào cả nước.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Với 658 di tích, trong đó 03 Khu di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu di tích quốc gia đặc biệt địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; 182 di tích quốc gia, 259 di tích cấp tỉnh, các di tích còn lại đã được cắm mốc xác định địa điểm. Tuyên Quang là một bảo tàng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng công tác bảo tồn và phát giá trị di tích lịch sử văn hoá, nổi bật là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2025; hoàn thành Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng; cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào đưa vào sử dụng; Bảo tàng Tân Trào và Phòng Chiếu phim. Triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2050…

Nhằm xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng của cả nước gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: Xây dựng phim tư liệu tái hiện lịch sử “Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến”, đáp ứng nhu cầu khách tham quan, học tập tại Bảo tàng Tân Trào và Phòng chiếu; tổ chức các sự kiện tạo điểm nhấn đối với du khách. Kết quả 8 tháng năm 2022 khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đón 4.368 đoàn khách dâng hương, báo công; 438.455 lượt khách tham quan khu di tích.

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với nhiều nét văn hoá đặc sắc, tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc. Đến nay tỉnh có 12 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nhiều lễ hội được phục dựng và tổ chức thường niên, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự, tiêu biểu như Lễ hội Thành Tuyên - đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Tuyên Quang. Năm 2022, tiến hành phục dựng 01 lễ hội (Lễ hội đình Động Sơn, gắn với xây dựng Làng văn hoá dân tộc Cao Lan, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn). Các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hoá được duy trì và phát triển, hiện toàn tỉnh có 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính (dân tộc Tày); 30 câu lạc bộ hát Sình ca (dân tộc Cao Lan); 15 câu lạc bộ hát Páo dung (dân tộc Dao); 05 câu lạc bộ hát Soọng cô (dân tộc Sán Dìu)…

Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án số 06 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng di sản văn hóa các dân tộc có nguy cơ mai một; phát huy vai trò các chủ thể trong bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc. Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong tỉnh, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Góp phần làm giảm chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, các dân tộc trong tỉnh; gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc; tạo nền tảng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh./.

N.T.B.H

 

Xem tin theo ngày:   / /