Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025

Thứ Tư, ngày 30 tháng 12 năm 2020 - 09:50 Đã xem: 433

Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống. Tại kỳ họp chuyên đề ngày 12/11/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025. Thực hiện Đề án này nhằm tập trung phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa. Từ đó, góp phần giảm nghèo thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tạo tiền đề cho tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Các đồng chí chủ tọa kỳ họp

Theo đó, mục tiêu của đề án: Phấn đấu thực hiện bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng, trong đó: đường thôn bê tông hóa ít nhất 620 km, đường nội đồng bê tông hóa ít nhất 460 km; nâng tỷ lệ bê tông hóa đường thôn lên trên 80% và bê tông hóa đường nội đồng lên trên 60%. Xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn; từ năm 2026 – 2030, tiếp tục đầu tư xây dựng các cầu còn lại trên đường giao thông nông thôn theo đề án.

Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Đường thôn, chiều rộng nền đường 5,0m, mặt đường 3,5m;  kết cấu mặt đường bê tông xi măng mác 250, chiều dày 18,0cm; lắp đặt hệ thống cống thoát nước tại các vị trí phù hợp. Đường nội đồng, chiều rộng nền đường 5,0m, mặt đường 3,0m;  kết cấu mặt đường bê tông xi măng mác 250, chiều dày 16,0cm; lắp đặt hệ thống cống thoát nước tại các vị trí phù hợp. Đối với những tuyến đường có vị trí quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết nối vận chuyển hàng hóa, hành khách từ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện đến trung tâm xã, nếu có đủ mặt bằng để mở rộng nền đường thì khuyến khích sử dụng quy mô (nền, mặt đường) lớn hơn khi được sự đồng thuận của nhân dân và trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố.

Đối với cầu trên đường giao thông nông thôn: Thực hiện phương án xây dựng cầu bê tông cốt thép, chiều rộng mặt cầu rộng 4,0m, trong đó: Phần xe chạy rộng 3,5m, lan can hai bên, mỗi bên rộng 0,25m. Đường dẫn 2 đầu cầu kết nối với hệ thống đường đã có được ưu tiên đầu tư cùng với công trình cầu để đảm bảo khi làm xong cầu là đi lại được ngay. Quy mô đường dẫn nền 5,0m, mặt đường 3,5m, kết cấu đường đất hoặc cấp phối sỏi sạn, trong đó căn cứ vào thực tế kết nối với đường hiện có đầu tư mặt đường bê tông xi măng dài tối thiểu 15,0m tính từ đuôi mố mỗi bên, chiều rộng mặt đường 3,5m, chiều dày 18,0cm.

Các đại biểu dự kỳ họp

Phương thức thực hiện:

(1) Đối với đường giao thông nông thôn: Thực hiện theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô có thể đến được; kinh phí thuê máy trộn bê tông: 20 triệu đồng/km đối với đường thôn, 15 triệu đồng/km đối với đường nội đồng (Kinh phí trên đã bao gồm: Cung cấp và vận chuyển máy đến chân công trình; chi phí nhiên liệu để vận hành máy trong quá trình thi công; chi phí nhân công vận hành máy); kinh phí cho công tác quản lý 02 triệu đồng/km. Phần đóng góp của nhân dân: Tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng; đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng.

(2) Đối với cầu trên đường giao thông nông thôn: Nhà nước đầu tư 100% kinh phí đầu tư xây dựng; Nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn, đường kết nối.

Tổng kinh phí Nhà nước thực hiện dự kiến đối với xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 là 788,0 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục đầu tư xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn với kinh phí là 364,25 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước; huy động nguồn lực trong nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác; khuyến khích sự tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân.

Về Quản lý đầu tư: Chủ đầu tư đường giao thông nông thôn, do UBND các huyện, thành phố thực hiện lựa chọn nhà thầu cung ứng xi măng, ống cống.  Cầu trên đường giao thông nông thôn, do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.

Để chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ việc xây dựng đường GTNT và cầu trên đường GTNT trên địa bàn tỉnh. Đề án chỉ rõ một số giải pháp chủ yếu, như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, tổ dân phố trong xây dựng đường GTNT và cầu trên đường GTNT; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình thực hiện đề án; tăng cường công tác tuyên truyền, thông qua nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyên đến các tầng lớp nhân dân, coi trọng tuyên truyền trên báo chí, trên hệ thống loa truyền thanh tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân nắm, hiểu rõ chủ trương, mục đích, hiệu quả và ý nghĩa của đề án và giải pháp thực hiện; đồng thời hiểu rõ trách nhiệm của bản thân, gia đình trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng đường GTNT và cầu trên đường GTNT; từ đó, tạo sự đồng thuận và phong trào sâu rộng xây dựng đường GTNT và cầu trên đường GTNT trong đoàn viên, hội viên và nhân dân.

 Đề án chỉ rõ các cấp thành lập Ban Chỉ đạo, từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố; nêu rõ các cơ quan, đơn vị có liên quan là thành viên Ban chỉ đạo các cấp và nhiệm vụ, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo các cấp.

Việc thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng. Ngoài kết nối hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi an toàn cho người dân đi lại, sinh hoạt nhất là trong mùa mưa lũ, còn giúp xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối liên vùng. Điều này góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

                                         Đỗ Xuân Thể - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 292 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /