Tuyên Quang lựa chọn thế mạnh để phát triển

Thứ Tư, ngày 30 tháng 12 năm 2020 - 19:37 Đã xem: 412

Tuyên Quang không có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nhưng với khát vọng vươn lên, tỉnh đã xác định được hướng đi phù hợp, trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, diện mạo quê hương cách mạng đã có nhiều đổi thay. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh được phát huy, cuộc sống của người dân đã có nhiều cải thiện.

Sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa - nền tảng của sự phát triển

Trong suốt chặng đường phát triển, Tuyên Quang luôn lấy sản xuất nông nghiệp làm gốc, là tiền đề cho sự phát triển. Đặc biệt, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII xác định sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa là khâu đột phá. Tại các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương thời gian qua đều khẳng định, lựa chọn sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa là khâu đột phá là hướng đi phù hợp, là lợi thế để Tuyên Quang bứt phá.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thái Long (TP Tuyên Quang) được xây dựng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với tỉnh tháng 9 -2018 nhấn mạnh, lấy nông, lâm nghiệp làm gốc là thực hiện lời dạy của cha ông ta làm nền tảng cho sự phát triển. Tuyên Quang là điển hình trong sản xuất nông, lâm nghiệp với những giá trị lớn mang lại cho người dân.

Từ việc xác định hướng đi đúng đã khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4,3%/năm. Ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nâng cao giá trị hàng hóa cho người dân. Tiêu biểu là vùng sản xuất cam trên 8.000 ha, vùng chè 8.000 ha, vùng bưởi trên 4.000 ha, vùng mía trên 3.000 ha, lạc trên 4.000 ha, đặc biệt là vùng rừng trồng sản xuất nguyên liệu gỗ rộng lớn trên 140.000 ha ở tất các huyện, thành phố trong tỉnh, tạo động lực quan trọng để Tuyên Quang phát triển nền kinh tế xanh.

Giá trị sản xuất bình quân của các vùng cây trồng đạt 96 triệu đồng/ha, trong đó một số cây trồng đạt giá trị cao như cam 197 triệu đồng/ha, bưởi 170 triệu đồng/ha, lạc trên 131 triệu đồng/ha… Đời sống, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao nhờ có việc làm ổn định từ chính đồng đất quê hương đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm, bình quân thu nhập toàn tỉnh đạt gần 45 triệu đồng/năm, dự kiến đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Khởi sắc du lịch

Phát triển du lịch là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đã được tỉnh ta vận dụng sáng tạo, cụ thể vào điều kiện thực tiễn của địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Du khách tham quan hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: K.T

Từ mục tiêu đã được xác định, tỉnh ta đã ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch với các loại hình mà tỉnh có lợi thế là du lịch lịch sử, văn hóa, lễ hội, sinh thái và nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh. Tỉnh đã “trải thảm” mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhờ đó du lịch Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc. Từ năm 2016 đến năm 2019, tỉnh ta đã thu hút trên 6,7 triệu lượt khách, tổng thu xã hội về du lịch đạt gần 6.000 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch như Tập đoàn Mường Thanh đầu tư khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang, Tập đoàn VinGroup đầu tư trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà phố, hiện đang thi công xây dựng khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng công cộng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, phấn đấu đưa vào hoạt động trong năm 2021. Tỉnh đã thu hút Tập đoàn FLC đầu tư du lịch tại xã Minh Thanh, Tú Thịnh (Sơn Dương), Tập đoàn Sun Group đầu tư khu nghỉ dưỡng, thương mại quy mô 800 ha tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Hạ tầng du lịch được đầu tư, từng bước hoàn thiện, tạo sức hấp dẫn đối với du khách. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng và đang thi công công trình nhà bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). Hệ thống đường giao thông đến các khu du lịch từng bước được xây dựng, nâng cấp, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là khâu đột phá nhằm thúc đẩy giao thương, du lịch, dịch vụ trong thời gian tới. Tỉnh đã kiểm kê đất đai, tiến hành giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; xây dựng cầu Minh Xuân, xây dựng cầu Xuân Vân (Yên Sơn), cầu Bạch Xa (Hàm Yên), nâng cấp các tuyến đường đến các khu du lịch, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với việc xác định những lợi thế phát triển, Tuyên Quang sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới.

Thành Công

(Theo Báo Tuyên Quang điện tử)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 292 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /