Tuyên Quang-Những kết quả trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Thứ Tư, ngày 5 tháng 10 năm 2022 - 16:31 Đã xem: 2770

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” (Chỉ thị số 19-CT/TW), nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị. Trong 10 năm, tỉnh tổ chức 26 hội nghị truyền thông, tư vấn; đăng, phát gần 4.000 tin, bài trên báo chí, cổng/trang thông tin điện tử; biên soạn, phát hành trên 120.000 tờ gấp tuyên truyền chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ban chỉ đạo các cấp được kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thành viên Ban chỉ đạo, ủy ban nhân dân huyện, thành, phố đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy nghề hằng năm, rà soát danh mục nghề đào tạo. Công tác đào tạo nghề hướng đến phương châm “Chỉ tổ chức đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”; đào tạo nghề đã gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở dạy nghề đã chuyển dần từ dạy nghề theo năng lực sẵn có sang dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương.

Tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được tăng cường, củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đến nay, tổng số giáo viên thực hiện công tác dạy nghề của tỉnh là 462 người(tăng 53 người so với năm 2012); đã có 450 cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ dạy nghề, thực hành nghề; 46 người sản xuất giỏi, có trình độ cao tham gia dạy nghề... Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề được quan tâm đầu tư. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm và từng giai đoạn, phối hợp với các xã, thôn, bản để tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn có chuyển biến tích cực, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 39.589 lao động nông thôn có nhu cầu học nghề, trong đó đã tổ chức dạy nghề cho 35.838 người. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức được đào tạo vào phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước thay đổi tư duy của lao động nông thôn và giảm nghèo bền vững. Một số lao động có việc làm mới ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, được chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong nông thôn, thực hiện xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình dạy nghề, ứng dụng hiệu quả sau đào tạo đã được xây dựng và hoạt động ngày càng hiệu quả.

Từ những kết quả đạt được, tỉnh rút ra 6 bài học: (1) Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. (2) Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải xuất phát từ cơ sở, từ chính nhu cầu học nghề. (3) Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành phải được phân công cụ thể, chặt chẽ. (4) Làm tốt công tác liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và hợp tác về giáo dục nghề nghiệp. (5) Lồng ghép các chương trình, đề án, dự án... của Trung ương và địa phương với các nguồn lực trong xã hội để tham gia thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. (6) Chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả; thực hiện các chính sách hỗ trợ đúng, đủ, kịp thời, công khai và minh bạch.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn. công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế. Nghề đào tạo chưa phong phú với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài nước và nhu cầu của xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, lạc hậu. Một số cơ sở được đầu tư trang thiết bị đào tạo nhưng chưa phát huy hết hiệu suất, công dụng...

Thời gian tới,Tuyên Quangxác định sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.Thực hiện dạy nghề theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; gắn dạy nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững; góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm... Từ phương hướng trên, cấp ủy, chính quyền tỉnh tập trung triển khai một số giải pháp:

Một là,tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo làm công tác dạy nghề và cán bộ quản lý trên địa bàn.

Ba là, xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với ưu tiên phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác rà soát, xác định nhu cầu đào tạo; gắn việc rà soát, xác định danh mục ngành, nghề đào tạo với làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho người lao động.

Năm là, thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng tham gia học nghề và gắn với thực tiễn, nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và xã hội.

Sáu là, quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ gia đình nông thôn phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Hải Thủy

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 292 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /