Thực hiện giảm nghèo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên quê hương cách mạng Tuyên Quang

Thứ Sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2021 - 15:57 Đã xem: 370

Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Hướng thoát nghèo bền vững từ mô hình kinh tế trang trại của anh Hoàng Minh Tuấn thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Nguồn ảnh: Ban Tuyên giáo huyện ủy Chiêm Hóa.

Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân. Ngay từ những ngày đầu lập Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi lo cơm ăn, áo mặc cho dân là điều vô cùng quan trọng; Người coi công việc xóa đói, giảm nghèo quan trọng và cấp bách như là diệt giặc. Học tập và làm theo tâm nguyện của Người, trong gần một thế kỷ qua, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no, hạnh phúc:

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, hậu quả của nạn đói năm 1945 để lại hết sức nặng nề, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, tạo điều kiện, khuyến khích đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cải thiện đời sống; đồng thời, mở các cuộc lạc quyên, trưng thu lương thực thừa của địa chủ, nhà giàu để cứu đói cho dân, tổ chức ngày “đồng tâm nhịn ăn”, lập hũ gạo cứu đói. Với chủ trương đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”, vận động nhân dân làm thủy lợi, mở rộng diện tích lúa và hoa màu, tìm mọi biện pháp hỗ trợ về tài chính... nạn đói được khắc phục dần, sản xuất nông nghiệp được khôi phục từng bước, nhân dân phấn khởi sẵn sàng đóng góp sức người sức của cho kháng chiến, hoàn thành nhiệm vụ của hậu phương trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ sau năm 1954, trong bối cảnh ruộng đất bị bỏ hoang do tác động của chiến tranh, sản lượng lương thực thấp kém do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh dẫn đến mất mùa, nạn đói chưa được khắc phục triệt để, Đảng bộ tỉnh đã phát động phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm nhằm mục tiêu phòng đói, chống đói, cải thiện dân sinh; đẩy mạnh tăng năng suất lúa, hoa màu, tổ chức tốt việc cứu đói, kết hợp vận động sản xuất với vận động chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; phục hồi sản xuất, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp… Kinh tế của tỉnh từng bước ổn định, đời sống của nhân dân có bước được cải thiện rõ rệt.

 Năm 1961, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người đã đến thăm Trung đoàn 246, Nông trường Sông Lô, Trường Thiếu nhi vùng cao; nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III (vòng 2), đại biểu các gia đình ân nhân cách mạng, đại biểu các huyện; nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc và về thăm Tân Trào. Ngày 20/3/1961, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tổ chức mít tinh chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, Người chỉ rõ: “Để phát triển sản xuất nông nghiệp phải chú ý củng cố hợp tác xã vững mạnh, làm tốt công tác cải tiến kỹ thuật, phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện… Đảng bộ tỉnh phải chú ý phát triển văn hóa, y tế, đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa, xóa nạn mù chữ, xây dựng thêm các trạm y tế; đồng thời phải tích cực giúp đỡ, nâng cao hơn nữa đời sống mọi mặt của đồng bào rẻo cao…”; "Tất cả cán bộ đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân dân; đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; đều phải theo đúng chính sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng". Sự quan tâm sâu sắc, tình cảm lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên mạnh mẽ tinh thần cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Những chỉ dẫn của Người đã trở thành quyết tâm của toàn Đảng bộ.

Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người viết: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Từ sau năm 1969, thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày đất nước thống nhất, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

 Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ năm 1986, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, các chương trình kiên cố hóa kênh mương, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; công tác bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đảng bộ tỉnh xác định giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Trên cơ sở sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn Đảng bộ, trong những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được kết quả tích cực.

Trong hơn 10 năm trở lại đây (2008-2020), tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế và giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác giảm nghèo đến năm 2020. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành các quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo, phân bổ, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, gắn với xây dựng nông thôn mới…

Với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế, xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực: Toàn tỉnh đã cho 227.325 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi, dư nợ cho vay đạt trên 4.420 tỷ đồng; gần 450.000 lượt người nghèo, cận nghèo được hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; trên 3.350 lượt lao động nghèo được hỗ trợ học nghề; trên 17.400 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở ến tháng 8 năm 2004, tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà dột nát cho các hộ nghèo). Năm 2015, tỉnh thoát khỏi tình trạng kém phát triển; hết năm 2020, cơ bản đạt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, có 47 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ giảm hộ nghèo hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020) của tỉnh đã giảm được 18,78% (từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 9,03% cuối năm 2020); tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội XVI Ðảng bộ tỉnh, trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân ở các xã thuộc Chương trình 135 và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 6%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội giao. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, đảm bảo 100% người nghèo, cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về y tế khác cho người nghèo, cận nghèo; triển khai thực hiện có hiệu quả và kịp thời các chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, thuộc hộ cận nghèo, học sinh sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...

Thời gian tới để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp, như: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ tỉnh đến cơ sở; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy tính chủ động, tham gia tích cực của nhân dân về thực hiện giảm nghèo; biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng; huy động nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo; tăng cường lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chung tay của cộng đồng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đào Việt Dũng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Xem tin theo ngày:   / /