Người cao tuổi là vốn quý vô giá của Nước nhà

Thứ Hai, ngày 31 tháng 10 năm 2022 - 10:11 Đã xem: 1275

Vai trò của Người cao tuổi tiếp tục được phát huy, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, gìn giữ, phát triển các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức lễ hội, tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ gìn an ninh trật tự. Đồng thời, phong trào Người cao tuổi làm kinh tế giỏi được đẩy mạnh, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Người cao tuổi có bề dày kinh nghiệm, sáng tạo trong lao động, lưu giữ văn hóa truyền thống và là tấm gương sáng về việc thiện. Những thành tích của các cụ phụ lão trong các phong trào: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Phong trào xây dựng đời sống mới, thi đua lao động sản xuất và gương mẫu, động viên con cháu tham gia chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người cao tuổi là lớp người tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu nhất trong cuộc sống. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sỹ đi đến đâu phải ân cần, thân mật, trò chuyện và học hỏi kinh nghiệm của người già về sản xuất, phòng chống thiên tai, nắm tình hình và phương pháp cách mạng. Đối với các lĩnh vực sáng tạo, văn học, nghệ thuật, bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc, nhiều nghệ nhân, văn nghệ sỹ, nhà văn hóa là Người cao tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích Người cao tuổi  phát huy, sáng tạo, lưu giữ, truyền thụ, chuyển giao cho thế hệ trẻ nối tiếp những tinh hoa văn hóa của dân tộc [1].

Cả nước hiện có 11,4 triệu Người cao tuổi, chiếm gần 12% tổng số dân. Bình quân mỗi năm tổ chức Hội kết nạp thêm 43.000 hội viên mới. Tổng số hội viên có 9,7 triệu người. Hàng năm, trên 1,9 triệu lượt Người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe. Khoảng 3 triệu Người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Gần 4 triệu Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ. Có trên 95% Người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên.

Hội Người cao tuổi đã chủ động, tích cực tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam; Cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác Hội, về pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi. Nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành như: Quyết định số 1336/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025, Đề án chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030, Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam, Chương trình quốc gia về Người cao tuổi; chế độ bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế… tạo điều kiện để công tác chăm sóc, phát huy vai trò Người cao tuổi ngày càng được đẩy mạnh [2].

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về Người cao tuổi, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của Người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu, Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc Người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ Người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa.

Quán triệt tinh thần các chủ trương của Đảng về Người cao tuổi, Quốc hội đã ban hành Luật Người cao tuổi (2009). Chính phủ đã ban hành các Chương trình hành động về Người cao tuổi. Ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030. Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về mức trợ giúp xã hội, trong đó có Người cao tuổi. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua yêu nước đến tận cơ sở và hội viên. Nhiều phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả thiết thực, sức lan tỏa rộng lớn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao, góp phần tôn vinh Người cao tuổi trong sự nghiệp phát triển đất nước. Ở các địa phương trong cả nước, Hội tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành một số quy định cụ thể hỗ trợ Người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi không có lương hưu, bảo hiểm xã hội. Bố trí ngân sách địa phương, hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi có độ tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi...

Tại tỉnh Tuyên Quang, Người cao tuổi phát huy vai trò Tuổi cao - Gương sáng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, uy tín, tích cực tham gia hiệu quả vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tội phạm, công tác xã hội ở địa bàn cơ sở. Hiện nay, Hội người cao tuổi của tỉnh có 01 Ban đại diện cấp tỉnh, 07 Ban đại diện cấp huyện, 138 Hội cơ sở cấp xã với tổng số 1.739 Chi hội tại các thôn, tổ dân phố của 83.696 hội viên/94.133 người cao tuổi. Toàn tỉnh có trên 7.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội. Với 954 Người cao tuổi làm bí thư, phó bí thư, trưởng thôn, phó thôn, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố; 316 Người cao tuổi làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, đoàn thể cấp xã; 715 trưởng ban, phó trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản; 632 chi hội trưởng, chi hội phó các đoàn thể xã hội… Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục phát huy vai trò của Người cao tuổi và tổ chức Hội trong giai đoạn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể và Hội Người cao tuổi các cấp tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát triển số lượng đi đôi với chất lượng, tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia phong trào thi đua Tuổi cao - Gương sáng. Đặc biệt, Người cao tuổi phát huy những kinh nghiệm quý báu để tham gia các hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 

1. Võ Đình Liên, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Người cao tuổi, Báo điện tử Đảng Cộng sản Vệt Nam, 01/10/2022.

2. Nhật Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong công tác chăm sóc người cao tuổi, Báo điện tử Chính phủ, 14/01/2022.

Đỗ Hồng Thanh

 

 

 

Xem tin theo ngày:   / /