Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân tộc

Thứ Ba, ngày 29 tháng 11 năm 2022 - 15:00 Đã xem: 1379

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 445.488 người dân tộc thiểu số, chiếm 56,76% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT ngày 20/8/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc”, hệ thống Mặt trận của tỉnh đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo. Qua đó, góp phần tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Đánh giá về hiệu quả thực hiện Kết luận số 01, đồng chí Tăng Thị Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh, nhờ đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ trong công tác dân tộc góp phần củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống, thu nhập được cải thiện đáng kể; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững. Đại đa số đồng bào yên tâm, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc được duy trì, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

Toàn tỉnh hiện đang tiến hành lập 15 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, tỉnh được giao chủ trì phối hợp với 10 tỉnh xây dựng hồ sơ và đề nghị tổ chức UNESCO công nhận “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, Then Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh.

Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp, tham mưu tổ chức tốt Lễ hội thành Tuyên gắn với lễ hội của các dân tộc thiểu số; phối hợp tổ chức các lễ hội gắn với truyền thống văn hóa dân tộc. Tiêu biểu là: Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày; lễ hội Đình làng Giếng Tanh, Đình làng Minh Cầm của dân tộc Cao Lan; lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn...

Người Dao Thanh Y thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) gìn giữ trang phục dân tộc.

Hiện nay, 138/138 xã, phường, thị trấn có đội văn nghệ quần chúng; trên 2.600 đội văn nghệ quần chúng ở thôn, xóm, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang; trên 200 câu lạc bộ đàn và hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; trên 70 câu lạc bộ hát Then đàn Tính; 6 câu lạc bộ hát Páo Dung của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan. Toàn tỉnh hiện duy trì 42 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa.

Sau nhiều năm, nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động của Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức chính trị, xã hội, Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh y thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) thành lập và đi vào hoạt động trong tháng 10-2022, thu hút gần 50 thành viên. Ông Đặng Văn Nguyên, thành viên của câu lạc bộ bày tỏ. Câu lạc bộ đi vào hoạt động vừa như “chất keo” làm gắn bó, củng cố khối đoàn kết cộng đồng người Dao, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đẩy mạnh thi đua trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong năm qua, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” với phương châm lấy sức dân để chăm lo đời sống nhân dân, MTTQ đã phối hợp, vận động nhân dân đóng góp nguồn lực hiến đất, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2022, đã có 2.105 nhà được xây mới, sửa chữa với số tiền 102 tỷ đồng, đạt 121,5% kế hoạch năm.

Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và phòng chống rác thải nhựa”, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hiệu quả của 2.135 tổ, 2.460 nhóm tự quản về thu gom phân loại, xử lý rác thải nhựa. Nhân dân đóng góp trên 256 triệu đồng; tham gia trên 49.000 ngày công lao động, thu gom xử lý trên 34 tấn rác thải, xây mới 1.931 hố xử lý rác thải hộ gia đình.
Năm 2022, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp nguồn lực, hiến gần 36.000 m2 đất, đóng góp trên 35 tỷ đồng, làm gần 148 km đường giao thông nông thôn, bê tông nội đồng; trồng 35,2 km đường hoa; làm 140 cột đèn chiếu sáng, góp phần cùng tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới. 

Để tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ trong công tác dân tộc, hệ thống Mặt trận các cấp của tỉnh cùng với các tổ chức thành viên sẽ tăng cường hoạt động hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước.

Theo Bích Hằng/baotuyenquang.com.vn

Xem tin theo ngày:   / /