Xuân Tân Sửu với "con trâu mới" trong thời đại ngày nay

Thứ Năm, ngày 28 tháng 1 năm 2021 - 14:11 Đã xem: 1609

Hình tượng con trâu trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xa xưa tới nay luôn giữ một vị trí quan trọng. Trong mối liên quan tới con người, dân gian ta có câu “Con Trâu là đầu cơ nghiệp” hay “Tậu trâu - Lấy vợ - Làm nhà” đều để chỉ vai trò hàng đầu của trâu, gắn với sự nghiệp của con người.

Ảnh minh họa

Khi nền nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo, đâu đâu trên khắp cả nước, con trâu cũng gắn liền với cuộc sống của những người nông dân ở vùng quê. Chẳng vậy mà con trâu đã trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước với hình tượng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Hay gần đây hơn, trong lần đầu tiên đăng cai SEA Games, chủ nhà Việt Nam cũng đã lựa chọn Trâu Vàng là linh vật để đại diện cho hình ảnh quốc gia mình. Hiện nay, khi bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra như vũ bão cùng với áp dụng khoa học và công nghệ trên mọi lĩnh vực, thành tựu và bước nhảy vọt phi thường đã khiến hệ quan điểm về nông nghiệp trước đây cũng có sự đổi thay. Trong đó, con trâu cũng một phần chịu ảnh hưởng bởi mọi tác động đó và bắt buộc phải chuyển mình thành một “con trâu mới”.

Về con trâu và mối quan hệ với con người trong bối cảnh cũ, đúng như những gì ca dao, tục ngữ mô tả, “con trâu đi trước cái cày theo sau” chính là phương pháp để xây dựng và duy trì một nền nông nghiệp của nước nhà. Hình ảnh con trâu đích thực chính là con trâu bằng xương bằng thịt, là người bạn cần cù vất vả một nắng hai sương cùng người nông dân để làm nên cơ nghiệp. Con người và con trâu còn có sự gần gũi, có mối quan hệ thân thiết như những người bạn thủy chung, gắn bó. Trong đó không thể thiếu là sự hiền lành, chăm chỉ, thật thà, chất phác. Đồng thời cũng rất mạnh mẽ, khỏe mạnh, vững chãi, và còn dũng mãnh, thiện chiến. Tuy nhiên, trong bối cảnh kể trên, tất cả dường như vẫn chỉ bộc lộ tính chất của giai đoạn đầu phát triển một nền nông nghiệp. Bởi lúc này, triết lý – kinh nghiệm về nông nghiệp tuy thịnh đạt nhưng các thành tựu khoa học và công nghệ đã, đang được áp dụng mạng mẽ trong thực tiễn sản xuất.

Sự thay đổi về thế giới quan của con người về nền nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay được thể hiện trên hai phương diện. Một là, hình ảnh “con trâu mới” trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ là chú trâu - người bạn của dân cày, mà bên cạnh đó phải là một hệ thống hỗ trợ toàn diện, bao gồm từ: hệ thống công cụ, máy móc, thiết bị hiện đại…, lý thuyết về cách thức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tăng sản lượng và năng suất lao động… cho tới biện pháp để kiểm định chất lượng và chào bán sản phẩm tốt nhất. Hai là, các đức tính của người làm sản xuất nông nghiệp dù vẫn giữ nguyên nhưng có sự cải biến ở việc sáng tạo: Người làm sản xuất để thành công cần giữ nguyên những đức tính tốt đẹp từ hình tượng con trâu vàng, như thật thà, chăm chỉ, mạnh mẽ nhưng lại rèn luyện thêm những đức tính mới, ví dụ như: người ta phải đủ dũng khí để đặt câu hỏi về những gì chưa biết hoặc còn hoài nghi; ngoài việc bắt chước giỏi phải giàu ý tưởng để sáng tạo ra cái mới; biết học tập theo cái xưa cũ, nhưng lại phải biết cách cải tiến nó…

Có thể nói, giai đoạn mới hiện nay, chính là thời điểm mà con người đã nắm rõ quy luật vận động của thế giới tự nhiên và thực sự vận hành được thế giới ấy. Biểu hiện là việc bản thân mỗi người đã hoạt động tích cực để năng học hỏi những tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại. Qua đó, khí chất - tinh thần của “con trâu mới” và người nông dân Việt Nam đã được đẩy lên một tầng cao mới. “Con trâu mới” hoạt bát, không bị bó buộc bởi những những rào cản, định kiến lạc hậu; biết tự mình chi phối bản thân chứ không dựa dẫm vào người khác biết tự mình tu dưỡng mà phát triển tri thức, không thoả mãn với khứ và thực tại; không bằng lòng với cái bé nhỏ mà luôn hướng tới thành quả lớn hơn trong tương lai, chỉ tiến tới chứ không thụt lùi, và có đạt được mục tiêu thì cũng sẽ không dừng lại ở đó.

Thời gian qua, năm 2019-2020, với biết bao biến động của kinh tế thế giới và khu vực, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn rạng danh thế giới với các danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” từ gạo ST24 tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 (tổ chức tại Philippines). Các thương hiệu gạo nổi tiếng khác của Việt Nam như Ong biển, Hoa nắng,… với những giá trị vượt trội cũng đang sánh vai nhau đem tự hào về cho đất nước. Nhiều đơn vị hợp tác xã nông nghiệp tại các vùng đất lúa trên cả nước đã bắt tay sản xuất các giống lúa ngon này và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Các tập đoàn kinh tế đang bắt tay để xuất khẩu sớm nhất những lô gạo ngon tới mọi vùng miền trên thế giới. Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực sản xuất các loại gạo đặc sản như: Gạo Minh hương, Tân trào, Kim phú…Từ những tín hiệu vui của thị trường quốc tế và sự đón nhận của người dân cả nước, những đồng lúa trên cả nước thời hậu “ngon nhất thế giới” cũng đang rất cần những chiến lược phát triển để mở rộng tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu. Một quy hoạch phát triển cho hạt gạo ngon Việt Nam và hạt gạo, các sản phẩm đặc sản của tỉnh Tuyên Quang đang rất cần thiết vào lúc này nhất là khi ngành Nông nghiệp chủ trương giảm dần diện tích đất lúa kém hiệu quả, nhưng đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao giá trị hạt gạo và các sản phẩm nông nghiệp.

Điều này chính là một biểu hiện phát triển của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Trong tương lai sắp tới đây, rõ ràng là trình độ và học vấn của người nông dân, của doanh nghiệp làm sản xuất ở Việt Nam sẽ không phải là học vấn suông mà tự nó sẽ tạo ra nền móng cho các phát minh, phát kiến. Tất cả những bài toán mà thực tế đặt ra đều cần có con người lao động trực tiếp và người có học thức chung tay giải quyết. Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại của đất nước sẽ ngày càng thịnh đạt và trở thành "suối nguồn" của hạnh phúc con người. Chính sức mạnh của tri thức hôm nay sẽ cuộn chảy tràn trề nhằm tạo ra kế sách cho ngày mai. Đây chính là ý nghĩa của nền văn minh hiện đại và hướng đi cho “con trâu” của nông nghiệp Việt Nam thời đại mới.

Đỗ Hồng Thanh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Xem tin theo ngày:   / /