Một số mô hình, điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2015-2020

Thứ Năm, ngày 29 tháng 4 năm 2021 - 17:00 Đã xem: 14541

Trong 5 năm qua (2015-2020), việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Tuyên Quang ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng. Thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương của Bác, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình, mô hình sáng tạo, hiệu quả trên nhiều ngành, lĩnh vực đã và đang tạo ra sức lan tỏa rộng rãi, góp phần cổ vũ, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực, phấn đấu đóng góp trong xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Bằng khen cho đại diện tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW

Để đạt được những kết quả nêu trên, trước hết phải kể đến hiệu quả tích cực của công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị, để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác, tự giác học tập làm theo, trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày. Cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chuyên đề hằng năm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã làm tốt công tác định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị bằng các hình thức đa dạng, sinh động. Thực hiện đăng tải nội dung Chỉ thị, các chuyên đề trên báo điện tử, Cổng thông tin điện tử tỉnh phục vụ việc nghiên cứu, học tập trong nhân dân. Tính đến tháng 3/2021, đã cập nhật, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang 892 tin, bài, ảnh, sách, vi deo tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong đó có 14 bài viết về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… thu hút 74.340 lượt người truy cập, tìm kiếm thông tin; Đăng tải trên 300 bài viết tuyên truyền về "Gương người tốt, việc tốt", "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng", học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có 26 bài viết về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên fanpage "Người Tuyên Quang". Biên tập Bản tin thông báo nội bộ, các tài liệu phục vụ quán triệt, học tập, tuyên truyền Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, nội dung các chuyên đề hằng năm và những lời dạy, bài nói về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những câu chuyện về Bác Hồ, những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác tuyên truyền [1]. Chủ trì, phát động tổ chức Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Giai đoạn 2016- 2020) [2]; biên tập và phát hành cuốn sách "Như mạch nguồn chảy mãi" tập hợp các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí xuất sắc về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuốn sách "Gương người tốt, việc làm hay" trong thực hiện nghị quyết của Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

Năm 2019, tổ chức Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan toả sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn xã hội, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi học và làm theo Bác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020. Năm 2020, tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về “Bác Hồ với Tuyên Quang, Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến", thu hút 108.438 lượt cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia. Năm 2021, tổ chức Hội thảo "Tuyên Quang - 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ 1961-2021" nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Tuyên Quang, qua đó góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân…

Công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực thi đua học tập, lao động sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Học tập và làm theo Bác đã có sức lan tỏa rộng rãi và được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với đóng góp công sức để xây dựng quê hương. Giai đoạn 2016-2020, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã hiến trên 113.000m2 đất để xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Thôn Mãn Sơn, huyện Sơn Dương, đời sống nhân dân dù còn nhiều vất vả (có 08 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo), nhưng đã có 64 hộ hiến đất với diện tích 24.500 m2 và tài sản trên đất trị giá trên 1 tỷ đồng để làm đường giao thông; đồng chí Đặng Văn The, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đã vận động gia đình và nhân dân trong thôn hiến 3.400m2 đất lúa một vụ, đóng góp 51 triệu đồng làm sân thể thao của thôn, đóng góp 200 ngày công, gần 20 triệu đồng mở 2 tuyến đường nội đồng với chiều dài trên 1km đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; ông Nguyễn Văn Tuyên, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn đã hiến hơn 1.600m² đất canh tác của gia đình để xây dựng điểm trường mầm non; ông Triệu Văn Lan, thôn Làng Trà, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn hiến khu đất trên 1.000m2 của gia đình để làm sân thể thao của xã… Việc hiến đất xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Tuyên Quang.

Các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống diễn ra sôi nổi, xuất hiện nhiều mô hình với cách làm hay, hiệu quả, điển hình như: Mô hình trang trại tổng hợp của anh Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 5, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn với 500 gốc bưởi da xanh chất lượng cao, chăn nuôi 500 con lợn/lứa cho thu nhập gần 3 tỷ đồng/ năm; mô hình Homestay Tài Ngào của Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm, huyện Lâm Bình những tháng cao điểm đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm ổn định cho trên 10 thanh niên địa phương với thu nhập bình quân 4 đến 5 triệu đồng/người/ tháng đang mở ra hướng đi mới bền vững cho thanh niên của huyện vùng cao; mô hình nuôi ong của hộ bà Bùi Thị Nụ, thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang, nuôi 800 đàn ong, thu 20 tấn mật trị giá trên 800 triệu/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động; mô hình trang trại hộ gia đình ông Trình Ngọc Huynh, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên thu trên 1,5 tỷ/năm; ông Vũ Trung Kiên, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên thu 2,2 tỷ/năm; ông Nông Văn Sự, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên 847 triệu đồng/năm. 

Trong công tác xây dựng Đảng, xuất hiện nhiều gương bí thư chi bộ tiêu biểu trong lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, giảm nghèo, tiêu biểu như anh Sùng A Lầu, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang. Năm 2006, nhận thấy diện tích đất ruộng ở thôn còn ít, bà con chủ yếu phát triển cây nông nghiệp bằng giống địa phương năng xuất thấp, rất nhiều hộ gia đình không đủ lương thực để ăn, anh đã tập trung khai phá chuyển đổi khoảng gần 1.000m2 đất màu đồi của gia đình thành đất ruộng, khơi nguồn, bắt nước từ các khe núi để trồng lúa nước. Đây cũng là bước mở đầu để bà con Lũng Vài làm theo, với cách làm này, diện tích lúa nước của Lũng Vài đã tăng thêm 15ha. Với kiến thức có được từ công tác khuyến nông, anh đã đưa giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất, ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, lương thực sản xuất ra không chỉ đủ ăn và chăn nuôi mà còn để bán. Anh cũng là người đầu tiên đã trồng ngô lai vụ hè thu mang lại hiệu quả, điều mà trước đây chưa từng có ở Lũng Vài. Từ những hiệu quả nhìn tận mắt, bà con trong thôn đã làm theo, đến nay toàn bộ 15ha đất ruộng và 40ha đất đồi đều được trồng bằng các giống lúa, ngô lai cho năng suất, chất lượng cao. Nhờ đổi mới cách nghĩ, nếp làm, người dân Lũng Vài đã cơ bản thoát khỏi khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. 

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế xuất hiện nhiều gương điển hình trong học tập và làm theo Bác, tiêu biểu như: Cô giáo Trần Thị Nga, giáo viên Trường THPT Sơn Dương đã cùng học sinh nghiên cứu, hoàn thành 15 dự án kỹ thuật, đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, hội thi về sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia; tấm gương sáng của thầy giáo Đặng Đàm Trọng, giáo viên Trường Tiểu học Yên Lâm I, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên đã vận động quyên góp sức người, sức của xây "cầu ước mơ" tại xóm Gốc Chanh, thôn Thài Khao, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, giúp bà con nhân dân và các em học sinh đi lại đỡ nguy hiểm, vất vả trong mùa mưa lũ; gương học sinh khắc phục khó khăn, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập của em Hoàng Ngọc Anh, lớp 12 chuyên Sinh học, Trường THPT Tuyên Quang nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, đạt 01 giải Ba, 01 giải Nhì học sinh giỏi môn sinh cấp tỉnh và 01 giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn sinh học; tấm gương sáng của bác sỹ Nguyễn Hưng Đạo, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa đã mạnh dạn áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh, phẫu thuật, đưa các phẫu thuật trước đây chỉ thực hiện được ở bệnh viện tuyến tỉnh về triển khai tại bệnh viện tuyến huyện, chỉ đạo lập tài khoản Facebook của bệnh viện tạo diễn đàn nơi người bệnh hỏi, bác sỹ tư vấn, trả lời, nơi giao tiếp trực tiếp, giải đáp những vướng mắc giữa người bệnh và cán bộ, bác sỹ trong bệnh viện… đã thực sự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ở tuyến cơ sở, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa không phải vất vả, tốn kém khi phải chuyển về tuyến tỉnh.     
Học và làm theo Bác về tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, dù khó khăn, vất vả tới đâu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó là ông Lê Hồng Binh, nhân viên tuần rừng chốt kiểm lâm Lũng Vai thuộc Trạm kiểm lâm Bắc Vãng (huyện Na Hang). Ông là nhân viên tuần rừng cao tuổi nhất (68 tuổi); bản thân ông từng giữ chức vụ Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung. Năm 2008 ông được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước. Tuy nhiên, ông tiếp tục đề nghị và được Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang hợp đồng làm nhân viên tuần rừng. Mặc dù tuổi cao, nhưng ông Binh luôn xung phong đi tuần ở những tuyến xa và khó khăn nhất. Những cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng trẻ ở đây đều coi ông là điểm tựa, là tấm gương để noi theo. Dù những tuyến đi tuần rừng của ông không có đèn, phải dò dẫm trong đêm tối nhưng ông bảo chính lời dạy của Bác luôn dẫn đường và soi sáng cho ông hoàn thành tốt nhiệm vụ canh gác, bảo vệ rừng. Vì thế mà rừng ở Lũng Vai, Bắc Vãng ít xảy ra các vụ việc vi phạm, góp phần duy trì tỷ lệ che phủ rừng cao, bảo tồn thiên nhiên và các loài sinh vật quý hiếm tại diện tích rừng đặc dụng của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Học Bác, trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng xuất nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu, như: Mô hình “Vọng gác thanh niên”, “ca tuần tra thanh niên” của Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh, đã canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng của tỉnh, lực lượng tác chiến đặc biệt duy trì 02 tuyến tuần tra với trên 700 ca và gần 7.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Cán bộ, chiến chiến sỹ phòng Cảnh sát hình sự với thành tích điều tra, khám phá, làm rõ tổng số 235 vụ án, trong đó nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã xác lập 09 chuyên án, trong đó đã đấu tranh thành công 08 Chuyên án, trinh sát, phát hiện, điều tra, triệt phá trên 188 vụ với 239 đối tượng có hành vi phạm tội về mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, đấu tranh không để phát sinh, hình thành điểm, tụ điểm, tuyến, địa bàn phức tạp về ma túy… những kết quả đó đã góp phần làm trong sạch địa bàn, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong công tác thiện nguyện, xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân với những việc làm ý nghĩa vì cuộc sống cộng đồng. Một trong số đó là gương điển hình của ông Nguyễn Văn Tỵ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ quốc tế, Ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Đội trưởng Đội cấp cứu Chữ thập đỏ Sông Lô Tuyên Quang trong suốt hơn 30 năm qua đã không quản ngại khó khăn tổ chức tìm kiếm, cứu nạn hàng trăm nạn nhân các vụ đuối nước, đảm bảo an toàn các hoạt động trên sông của tỉnh; trong 5 năm qua đã tham gia tổ chức 60 lớp tập huấn cho 400 tình nguyện viên về phòng chống giảm nhẹ thiên tai và cứu đuối. Tấm gương của Ông Trần Công Thành, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang. Ông đã cùng với cán bộ, hội viên vận động ủng hộ tặng quà tết cho hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam với 1.320 suất quà trị giá trên 2,5 tỷ đồng; duy trì 05 địa chỉ nhân đạo hằng năm, vận động ủng hộ tài sản, hiện vật trị giá 10 triệu đồng/năm; xây dựng và sửa chữa 23 ngôi nhà cho đối tượng khó khăn, hộ nghèo, gặp hỏa hoạn; cùng với nhân dân và đội ngũ tình nguyện viên, vận động được 10 tấn gạo, 12.000 lít nước khoáng, 6.000 hộp sữa, 3.500 thùng mỳ tôm, gói 1.500 chiếc bánh trưng, 500 bao quần áo và hơn 20.000 nhu yếu phẩm khác... trị giá hơn 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai; cá nhân ông đã 8 lần hiến máu tình nguyện; vận động được trên 250 hội viên tham gia hiến máu tình nguyện. Hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn của 30 tình nguyện viên Chữ Thập đỏ Phổ Hiền, thành phố Tuyên Quang đã duy trì “Nồi cháo tình thương” kéo dài 14 năm (từ 2007 đến nay) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm phục hồi chức năng Hương Sen cho bệnh nhân nghèo cùng thân nhân…

Học Bác về tinh thần và ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, đó là tấm gương của anh Hoàng Văn Lịch, thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa. Năm 16 tuổi, anh bị liệt cả hai chân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố lâm bệnh nặng, anh phải bỏ học để mưu sinh. Anh tự tập đi bằng đôi bàn tay, tự làm những việc sinh hoạt hằng ngày và còn tự học thêm nhiều nghề để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 4 em nhỏ, như: Đan cót, cắt tóc, vẽ tranh, xăm hình nghệ thuật, trạm khắc gỗ, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, anh Lịch đã tự xây dựng được ngôi nhà của riêng mình với giá trị trên 100 triệu đồng, ngoài ra anh còn sẵn sàng giúp đỡ, đào tạo nghề miễn phí cho những bạn trẻ trong vùng mong muốn có nghề lập nghiệp… và còn rất nhiều gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, dù đã được các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương, khen thưởng hay đang âm thầm cống hiến, hy sinh, song đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Với những thành tích đã đạt được, trong những năm qua đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp biểu dương, khen thưởng [3]. Đó là các tập thể, cá nhân có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt bậc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, đóng góp tích cực cho cộng đồng, cho sự phát triển của tỉnh nhà. Mỗi tập thể, cá nhân có những cách học tập và làm theo gương Bác một cách khác nhau nhưng tựu chung lại đều hướng đến chân, thiện, mỹ. Đó là tinh thần tự lực cánh sinh không đầu hàng số phận; sự năng động, sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là thái độ sống yêu thương người như bản thân; là tinh thần nguyện cống hiến hết mình cho quê hương.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương điển hình tiêu biểu, góp phần tuyên truyền, giáo dục và khơi dậy lòng tự hào, tính tích cực trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân như tâm nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp".

Đào Việt Dũng


 

Xem tin theo ngày:   / /