Đổi mới, sáng tạo, đưa Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá khu vực miền núi phía Bắc

Thứ Ba, ngày 6 tháng 10 năm 2020 - 16:32 Đã xem: 1063

Tuyên Quang hôm nay đang vững bước trên con đường phát triển.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương… thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ bản đạt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đường phố Tuyên Quang rực đỏ, cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Một nhiệm kỳ nhiều “dấu ấn”

Nhiệm kỳ vừa qua, với việc thực hiện tốt các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm; thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 44,57 triệu đồng (tăng 1,55 lần so với năm 2015). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng...

Một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh Tuyên Quang trong nhiệm kỳ qua là nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4,3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Tỉnh bước đầu khai thác, phát huy hiệu quả một số tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung hướng tới sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm và gắn với nhu cầu thị trường, nhất là một số sản phẩm chủ lực như: cam 8.000 ha, bưởi trên 4.000 ha, lạc trên 4.000 ha, chè trên 8.000 ha và trên 140.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ nguyên liệu… Giá trị sản xuất bình quân đạt 96 triệu đồng/ha đất trồng trọt, tăng 1,4 lần so với năm 2015.

Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

Kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển khá nhanh và vững chắc. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong 5 năm đạt trên 4 triệu m3, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy của tỉnh; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng trồng và sản lượng khai thác đứng đầu cả nước. Đặc biệt, để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, phấn đấu trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước, tỉnh Tuyên Quang còn đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Với trên 27.700 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, Tuyên Quang hiện là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng thuận ủng hộ  với tổng kinh phí huy động là trên 9.500 tỷ đồng, trong đó kinh phí do doanh nghiệp, nhân dân đóng góp gần 1.000 tỷ đồng, với nhiều cách làm sáng tạo, đã đạt được kết quả tích cực. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, số tiêu chí bình quân đạt 15 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Trong 5 năm, tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa 1.004 km kênh mương, xây dựng 934 nhà văn hóa, xã, thôn, tổ dân phố, bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng. 

Ngành du lịch của tỉnh Tuyên Quang đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã hình thành, phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch lễ hội; du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng… Các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được chú trọng. Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức hằng năm với quy mô lớn đã trở thành sản phẩm du lịch riêng có của Tuyên Quang. Từ năm 2016-2019, tỉnh thu hút trên 6,7 triệu lượt khách (năm 2019 đạt trên 1,9 triệu lượt khách), tăng trưởng bình quân là 9,6%; doanh thu xã hội về du lịch đạt 5.925 tỷ đồng (năm 2019 đạt 1.750 tỷ đồng), tăng bình quân 12%. 

Đặc biệt, với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang đã tăng 16 bậc so với năm 2015, xếp thứ 32 cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 33 bậc so với năm 2015, xếp thứ 16 cả nước. Qua đó, thu hút được một số doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào tỉnh như: Công ty Cổ phần Woodlands, Tập đoàn Dệt may Việt Nam… Tính đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 1.823 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 18.660 tỷ đồng; 298 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn trên 42.700 tỷ đồng, trong đó có 12 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 14 dự án với tổng số vốn đăng ký 199,2 triệu USD.

Ngoài ra, với việc huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở Tuyên Quang có nhiều khởi sắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt trên 41.700 tỷ đồng. Tỉnh đã hoàn thành đầu tư xây dựng cầu Bình Ca, cầu Tình Húc và một số công trình, dự án quan trọng. Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đang tích cực triển khai thực hiện. Các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đô thị và nông thôn… được quan tâm đầu tư, xây dựng.

Năm 2020, Tuyên Quang có 98% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; 98,8% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Hạ tầng thương mai, dịch vụ, nhất là hệ thống các chợ, trung tâm thương mại… được đầu tư xây dựng, bước đầu phát huy hiệu quả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 36.180 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2015. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 135 triệu USD, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện có hiệu quả chính sách lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm, tỉnh tạo việc làm cho trên 114.000 lao động, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45% năm 2015 lên 60% năm 2020. Các giải pháp giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 5%/năm. Toàn tỉnh hiện còn 11,8% hộ nghèo. Cùng với đó, công tác giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, con người, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường… cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng.

Động lực cho phát triển toàn diện, bền vững

Những thành tựu Tuyên Quang đạt được trong 5 năm qua đã tạo ra những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo động lực để tỉnh phát triển toàn diện, bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Tuyên Quang vẫn còn nhiều hạn chế: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô kinh tế còn nhỏ. Một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra như tốc độ tăng trưởng GRDP, tổng sản phẩm bình quân đầu người. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị gia tăng chưa nhiều; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Các ngành dịch vụ mới, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, nghiên cứu khoa học… chưa thực sự phát triển.

Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán/TTXVN

 

Trước ngày diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho biết: Với tinh thần: “Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên và sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; chủ động nắm bắt thời cơ, thuận lợi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển bền vững; khai thác tiềm năng, nguồn lực; tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động tích cực hội nhập quốc tế… Tỉnh đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, 3 khâu đột phá gồm: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng dựng nông thôn mới; Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

5 nhiệm vụ trọng tâm là: Thu hút đầu tư, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên thực hiện các khâu đột phá; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường; Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 63 triệu đồng; có 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút 2,6 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.300 tỷ đồng (trong đó thu nội địa 4.000 tỷ đồng); tỷ lệ đô thị hóa trên 27%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 - 2,5%/năm…

Bài và ảnh: Vũ Quang Đán (TTXVN)

Theo Báo Tin tức:  https://baotintuc.vn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 292 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /