Học tập tình thương yêu, chia sẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Ba, ngày 27 tháng 10 năm 2020 - 16:15 Đã xem: 194

Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Người thấu hiểu những vất vả khó khăn của người dân, cảm thông sâu sắc, chia sẻ với dân. Người luôn nhắc nhở cán bộ và nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”... đặc biệt trong những lúc hoạn nạn để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã sáng lập, đồng thời là Chủ tịch danh dự của Hội Hồng Thập tự - tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam (Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam). Theo Người, công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ những người yếu thế,  khó khăn trong xã hội là hoạt động cấp thiết, cần được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Người khởi xướng nhiều phong trào nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người dân cả về vật chất và tinh thần để vượt qua nạn đói kém và bệnh tật, cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Người cho rằng thiên tai, bệnh dịch cũng là những thứ giặc nguy hiểm cần phải phòng, chống để tránh gây ra nạn đói và giảm tổn thất cho nhân dân. Tháng 1/1946, Người đã trực tiếp đi kiểm tra việc đắp đê chống lụt, hàn đê vỡ ở Hưng Nhân, Hưng Yên, Thái Bình... khen ngợi tinh thần làm việc hăng say của lực lượng dân công trong việc đắp đê phòng lũ. Tháng 5/1946, Người ký sắc lệnh số 70-SL về việc thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê (tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai). Hàng năm, Người đều nhắc nhở phải cảnh giác, đề phòng lụt lội, trồng và bảo vệ rừng, đồng thời chỉ đạo làm hệ thống kênh mương thủy lợi phòng khi hạn hán, lũ lụt.

Học tập và làm theo Bác, suốt 75 năm qua, trên khắp đất nước Việt Nam, nhiều phong trào nhân đạo, thể hiện sự yêu thương, đùm bọc, sẻ chia lúc hoạn nạn đã được thực hiện: Các phong trào “lá lành đùm lá rách”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Nối vòng tay nhân ái”, “Chung tay vì cộng đồng”... đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Năm 2020, khi những khó khăn do đại dịch Covid - 19 gây ra chưa được khắc phục triệt để và nguy cơ về đại dịch vẫn còn hiện hữu thì chúng ta lại phải đương đầu với những tổn thất do bão lũ gây ra ở miền Trung. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân đã được triển khai. Đất nước còn nghèo, nhưng gói “an sinh xã hội” lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng đã hỗ trợ những người yếu thế, khó khăn. Người dân Việt Nam đã không tiếc công sức, của cải để tham gia chống dịch và khắc phục thiệt hại do bão lũ, sạt lở đất gây ra. Từ cụ già, em nhỏ, người nông dân, buôn bán nhỏ đến những doanh nhân thành đạt, văn nghệ sĩ, trí thức... đã ủng hộ, giúp đỡ, sẻ chia, cùng cả nước khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh. Những y, bác sĩ, những chiến sĩ “bộ đội cụ Hồ” đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh cả tính mạng vì dân... Phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bằng nhiều hình thức khác nhau đều thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tình thương yêu đùm bọc của cộng đồng với bà con vùng lũ.

Tháng 10 này, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai b bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cũng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp...tham gia ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt. Sau 6 ngày ủng hộ, đến 17 giờ ngày 23/10 đã tiếp nhận gần 2,5 tỷ đồng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân. Phong trào quyên góp, ủng hộ vẫn đang được tiếp tục. Những chiếc bánh chưng nghĩa tình của bà con tiểu thương chợ Phan Thiết, những chuyến xe rau, củ, quả, mì tôm, những thùng quần áo cũ và mới... hướng về miền Trung ruột thịt, gửi gắm cả tình đồng bào của người dân Tuyên Quang đối với bà con vùng lũ.

Chia sẻ, giúp đỡ đồng bào miền Trung những ngày này đang là hoạt động được hưởng ứng trên khắp đất nước. Đó cũng là việc làm thiết thực nhất lan tỏa yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

                                                                                 Nguyễn Nhung                                                                         Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


 

 

Xem tin theo ngày:   / /