Một số vấn đề xung quanh sách giáo khoa lớp 1 “Bộ Cánh Diều”

Thứ Ba, ngày 3 tháng 11 năm 2020 - 10:53 Đã xem: 1362

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Luật Giáo dục năm 2019, những năm qua ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó biên soạn sách giáo khoa mới là một nội dung quan trọng.

Trường Tiểu học Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tổ chức “Tuần làm quen” cho học sinh lớp 1. Ảnh: Báo Tuyên Quang Online

Trước đây, các trường chỉ có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thì nay các trường có thể lựa chọn một trong nhiều bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản để phục vụ công tác dạy và học. Tuy nhiên, sau hơn một tháng triển khai thực hiện dạy học theo sách giáo khoa lớp 1 mới đã xuất hiện một số nội dung gây tranh luận, tạo nhiều dư luận, gây lo lắng trong cha mẹ học sinh.
Dư luận các tầng lớp nhân dân bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước một số hạn chế trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều (Nhà xuất bản Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). Nhiều nội dung trong sách sử dụng ngôn ngữ địa phương, không mang tính phổ thông, gây khó hiểu cho học sinh, thậm chí giáo viên cũng thấy rất khó để giải thích cho học sinh hiểu được nghĩa của câu. Chẳng hạn, nhóm biên soạn thay vì viết "nhai" thì dùng những từ như "nhá" (nhá cỏ, nhá dưa), gà con viết thành "gà nhiếp". Một số bài tập đọc thiếu tính giáo dục, thậm chí cổ xúy bạo lực, nội dung thiếu tính giáo dục. 
Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, học sinh và nhân dân, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ liên quan tới chương trình, sách giáo khoa; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với sách giáo khoa mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới. Hội đồng quốc gia thẩm định môn Tiếng Việt lớp 1 đã thông báo về việc thống nhất chỉnh sửa những nội dung chưa phù hợp như phản ánh của dư luận xã hội đối với Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều. Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” (trang 115); bài “Hai con ngựa” (trang 157), bài “Lừa, thỏ và cọp” (trang 163); thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”. Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”. Nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa. 
Dư luận mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường vai trò, trách nhiệm cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa; đẩy mạnh việc dạy thực nghiệm và tập huấn cho giáo viên dạy sách giáo khoa mới; sớm đăng tải bộ sách giáo khoa mới trên thông tin đại chúng để lấy ý kiến góp ý của đông đảo người dân và phụ huynh. Hội đồng thẩm định và tác giả bộ Cánh Diều cần chỉnh sửa, thay thế các nội dung, bài viết chưa phù hợp. Sách chỉ nên dùng ngữ liệu là những câu chuyện đẹp, ngôn từ đẹp, có tính giáo dục, định hướng, giáo dục lối sống, kỹ năng và có thể lấy từ chính những câu chuyện có thật trong cuộc sống hằng ngày để giáo dục học sinh.
Nhằm góp phần ổn định tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ huynh, học sinh, cần tập trung: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương gắn với tuyên truyền các giải pháp của ngành Giáo dục trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra. Tuyên truyền sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các biện pháp khắc phục một số bất cập, hạn chế trong các bộ sách giáo khoa lớp 1 đang được sử dụng ở các trường học. Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác thông tin, kịp thời giải đáp những băn khoăn, lo lắng của nhân dân về những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa. Kịp thời phát hiện, lên án, đấu tranh với các thông tin xuyên tạc, các luận điệu sai trái, lợi dụng vấn đề sách giáo khoa để kích động, gây diễn biến tư tưởng trong quần chúng nhân dân.
                                                                                                                             

                                                                                                                                             Đỗ Đức Vỵ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Xem tin theo ngày:   / /