Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam nghĩ tiếp về văn hóa giáo dục và những bài học mà Bác Hồ để lại cho thế hệ tương lai

Thứ Tư, ngày 18 tháng 11 năm 2020 - 14:10 Đã xem: 347

Điểm chung của nền giáo dục tại các quốc gia phát triển hiện nay đó là nội dung cốt lõi giáo dục không nằm ở vấn đề chính sách hay chương trình, mà đã trở thành “văn hóa giáo dục” của nhân dân cả nước. Giáo dục mà mọi người, ai ai cũng muốn được học cả đời, được tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, trở thành những con người có ích và trách nhiệm trong xã hội.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân 

Từ thế kỷ XIX, nền giáo dục Bắc Âu trở thành câu chuyện thành công đầy cảm hứng cho mô hình “ngôi trường nhân dân” dành cho tất cả mọi người. Với khẩu hiệu “Khi tất cả chúng ta làm tốt, tất cả chúng ta đều sẽ tốt hơn”, các nước Bắc Âu đã làm nên điều kỳ diệu từ khi họ chỉ là các nước nghèo khó và rồi bừng dậy trở thành các quốc gia dẫn đầu về năng suất kinh tế, công bằng xã hội, niềm tin xã hội và mức độ hạnh phúc cá nhân. Ở châu Á, chính sách giáo dục toàn dân và phong trào đổi mới của Nhật Bản và Singapore đã biến đổi những quốc gia lạc hậu, đói nghèo triền miên thành cường quốc thịnh vượng hàng đầu thế giới. Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ký kết 18 biên bản ghi nhớ với Phần Lan để học hỏi kinh nghiệm về thành công của giáo dục Bắc Âu. Tới nay, các nội dung và triết lý giáo dục Bắc Âu đang được thí điểm áp dụng ở các cấp học tại Việt Nam. Để vận dụng thành công các nội dung này, chúng ta phải hiểu thế nào là văn hóa giáo dục của toàn dân, cũng là những vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp và nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Điểm mấu chốt trong thành công giáo dục của một quốc gia không phải chỉ trong một sớm một chiều, mà là nhờ sự tôn trọng và coi trọng sâu sắc đối với việc học một cách bền chắc. Đó là sự phấn đấu bình đẳng giữa các cá nhân, cơ quan trong và ngoài nhà nước, nỗ lực chung của xã hội để đặt việc học lên hàng đầu. Lịch sử Phần Lan, Nhật Bản, Singapore… đều ca ngợi trí tuệ hơn sức mạnh. Văn hóa giáo dục cũng luôn gắn kết với tình yêu nước, chính chương trình giảng dạy ở Bắc Âu sau này đã gây dựng cho học sinh niềm tự hào về lịch sử, văn hóa dân gian của họ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục sẽ giúp cho mỗi người dân có kiến thức mới để “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”.  Bác nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Phương pháp nào để thực hiện được triết lý trên? Đó là biến việc học suốt đời thành một nền tảng tự nhiên của xã hội. Trong đó tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn trùng khớp với các tư tưởng tiến bộ nhất hiện nay tại Bắc Âu như: học tập mà chính là vui chơi, việc dạy học cũng vui tươi; phát triển nội lực của học sinh (chứ không đánh giá thành tích ở việc học thuộc, biểu hiện bề ngoài); bảo đảm bình đẳng trong giáo dục; nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa tự do cá nhân và trách nhiệm cộng đồng… Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” [1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án rất sâu sắc nền giáo dục dưới sự đô hộ của thực dân Pháp với chính sách ngu dân dễ trị, Người nhấn mạnh: “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng của giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp…” [1].

Tương tự như những đặc trưng của nền giáo dục Bắc Âu như ít giờ học, ít thi cử, ít môn học, ít quy chế, ít giờ đứng lớp, giáo viên chất lượng. Bác Hồ của chúng ta đã để lại những quan điểm rất rõ ràng. Đối với giáo dục mầm non, nguyên tắc hàng đầu tại các quốc gia tiên tiến nhất đều khẳng định, phải bảo đảm giáo dục cho trẻ nhỏ được vui chơi, khám phá và thỏa sức sáng tạo, kết hợp kiến ​​thức và trải nghiệm. Bác Hồ, trong một bài thơ được đăng tải trên báo Việt Nam độc lập số 106 năm 1941 đã khẳng định: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan...”. Các giáo viên cấp mẫu giáo phải thay mẹ dạy trẻ, phải làm sao cho các cháu được hồn nhiên vui chơi, đừng đánh cắp tuổi hồn nhiên của các cháu. Phải có tình thương của người mẹ thì mới dạy các cháu được. Bác dặn dò với mỗi cấp học những lời ngắn gọn nhưng đầy triết lý: Đối với cấp Tiểu học phải dạy đạo đức là hàng đầu. Trung học (cấp 2-3) phải dạy kiến thức cơ bản, học xong phải đi làm thợ được ngay, rồi mới học lên. Đại học là đào tạo chuyên gia nên phải dạy theo phong cách nghiên cứu. Tuổi trẻ phải có chí lớn, phải có hoài bão. Tuổi trẻ chỉ có một điều ham thôi, là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Tuổi trẻ phải tránh xa, như tránh lửa 3 điều nguy hiểm: Tiền bạc, Quyền lực, Địa vị - Danh vọng [[1]].

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà giáo dục lỗi lạc, câu chuyện về Bác Hồ với thanh - thiếu niên, nhi đồng để lại cho các thế hệ tương lai Việt Nam những bài học vô cùng quý giá. Quan điểm Hồ Chí Minh từ lâu đã chắt lọc những tinh hoa văn hóa, giáo dục các cường quốc hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh mà xu hướng quốc tế đang hướng tới các giá trị châu Á như tinh thần đoàn kết, giá trị đạo đức và lòng yêu nước, Việt Nam phải có được giá trị cốt lõi của mình, làm nền tảng của tinh thần dân tộc. Việc học hỏi các quốc gia tiên tiến, dựa trên cơ sở những yếu tố chúng ta có sẵn là động lực để con người Việt Nam khám phá nội lực của bản thân, làm đà phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Đỗ Hồng Thanh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

                                             

 

1.GS.TS. Hoàng Chí Bo, K chuyn Bác H: "Bác H vi thanh niên - Thanh niên vi Bác H" Tháng 5/2020

 

Xem tin theo ngày:   / /