Lâm Bình xây dựng và sáng tạo sản phẩm du lịch đặc trưng

Thứ Sáu, ngày 6 tháng 5 năm 2022 - 13:56 Đã xem: 605

Ngày 29/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá III) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/HU về phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với du lịch trên địa bàn huyện; theo đó, việc phát triển nông nghiệp hàng hoá theo hướng sản xuất hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái sẽ thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển.

Khách thăm quan mô hình du lịch Homstay tại huyện Lâm Bình

Nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và sự hưởng ứng của người dân

Lâm Bình là một huyện vùng cao mới thành lập, có đội ngũ cán bộ trẻ với phong cách làm việc năng động, đầy tâm huyết với những ý tưởng mới về hình thành và phát triển ngành kinh tế du lịch. Ngày 29/4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá III) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/HU về phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với du lịch trên địa bàn huyện; theo đó, việc phát triển nông nghiệp hàng hoá theo hướng sản xuất hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái sẽ thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển.

Để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng, cấp uỷ từ huyện đến cơ sở tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và nhiệm vụ phát triển du lịch; chính quyền đã ban hành các kế hoạch, quyết định cụ thể chi tiết để triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình. Nhân dân các địa phương trong huyện Lâm Bình, nổi bật là ở một số thôn bản như Nà Tông, Nặm Đíp, Thượng Minh, Bản Biến,... đã nhiệt tình hưởng ứng chủ trương xây dựng làng bản thành các làng văn hoá. Nghị quyết số 28-NQ/HU của Huyện uỷ đã thực sự đi vào cuộc sống khi nhà nhà, người người trong các thôn bản trong câu chuyện hằng ngày có bàn về các biện pháp để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch.

Sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ gìn giữ cảnh quan môi trường thiên nhiên hoang sơ nơi đây. Nhân dân cũng đã tự giác thực hiện, xây dựng phong cách ứng xử văn minh, thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.

Việc đổi mới mạnh mẽ tư duy được khẳng định bằng các sản phẩm cụ thể, huyện đã ban hành những văn bản chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn, đó là phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, các mũi nhọn kinh tế phù hợp với xu thế. Tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp đã tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp thuỷ sản có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ; phát huy lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Lấy văn hoá làm gốc để tạo ra những sản phẩm du lịch vì vậy du lịch Lâm Bình có bản sắc riêng thu hút được khách du lịch. Trong quý I năm 2022, Lâm Bình đón khoảng 30.000 lượt khách đến huyện để cùng khám phá bản làng văn hoá, khám phá rừng nguyên sinh và “check in” tại những địa điểm lý thú giữa núi rừng trùng điệp và xanh thẳm.

Trong hành trình sáng tạo làm nên thương hiệu du lịch, Lâm Bình đã có những sản phẩm du lịch thể thao độc đáo như “Đua thuyền Kayak”, “Lễ hội khinh khí cầu”... đã thu hút được đông đảo du khách trong nước và cả nước ngoài. Như vậy, mảnh đất thượng lâm bình yên đã thực sự “Vươn mình lớn mạnh” như Slogan của huyện đã đề ra.

Phát triển du lịch cộng đồng với hệ thống homestay rộng khắp

Lâm Bình là địa phương tiên phong trong cả tỉnh về phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, Lâm Bình có khoảng 50 homestay đang mở cửa đón khách du lịch. Để sản phẩm du lịch không bị trùng lắp với các địa phương khác, mỗi homestay gắn với nét độc đáo riêng kết hợp với việc xây dựng những sản phẩm trải nghiệm cho du khách. Đến với khu du lịch Làng văn hoá Nà Tông, du khách có thể lựa chọn hàng chục địa điểm nghỉ ngơi và ăn uống khác nhau. Homestay Hoàng Tuấn được biết đến với đặc trưng là các món hải sản tươi sống của lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang, đến nơi đây, quý khách cũng có thể thư giãn bằng trải nghiệm câu cá thú vị ở sân sau của khu nhà sàn.

Homestay Tài Ngào của anh Chẩu Văn Đệ ở Nà Tông có cảnh quan thiên nhiên phù hợp với các buổi cắm trại hoặc tổ chức hội thảo ngoài trời; các trò chơi dân gian, nghề dệt vải truyền thống của đồng bào các dân tộc được phục dựng để khách du lịch ưa thích tìm hiểu văn hoá dân gian khám phá và trải nghiệm. Hình thức du lịch cộng đồng với giá cả phải chăng phù hợp với đối tượng phân cấp khách du lịch chiếm đa số hiện nay.

Khoảng cách giữa các khu du lịch ở Lâm Bình là điểm khó đang được tháo gỡ dần bằng việc cải tạo, nâng cấp đường giao thông và việc nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng viễn thông; việc đi lại thuận lợi, rút ngắn thời gian di chuyển để dành thời gian cho nghỉ ngơi, thưởng thức sẽ giúp du khách gần xa gắn bó với Lâm Bình hơn.

Với hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo đã được Huyện uỷ đề ra trong Chương trình số 12-CTr/HU, ngày 17/9/2021 như du lịch Farmstay (trải nghiệm làm nông dân), xây dựng khu lưu trú Bungalow (nhà bằng gỗ) Bản Cài xã Thượng Lâm, Khuôn Hà... nhất định trong thời gian tới Lâm Bình sẽ thu hút được đông đảo hơn nữa khách du lịch; Đảng bộ và Nhân dân Lâm Bình với quyết tâm cao sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Nguyễn Thị Mai Lan

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 292 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /