Tuyên truyền báo Đảng những năm đầu cách mạng ở Tuyên Quang

Thứ Hai, ngày 20 tháng 6 năm 2022 - 16:34 Đã xem: 224

Cách đây 97 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do lãnh đạo Nguyễn Ái quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng quan trọng, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

\

Ảnh minh họa (Tư liệu)

Ngày 31/5/1884 thực dân Pháp chính thức đánh chiếm Tuyên Quang, dưới chế độ áp bức, bóc lột tàn nhẫn của thực dân Pháp và phong kiến làm cho đời sống Nhân dân Tuyên Quang vô cùng cực khổ, mâu thuẫn trong lòng xã hội ngày càng sâu sắc. Tại Tuyên Quang, nhiều phong trào đấu tranh của Nhân dân đã bùng nổ, tuy còn lẻ tẻ và mang tính chất tự phát, song nó báo hiệu phong trào đấu tranh mạnh mẽ khi ánh sáng cách mạng rọi tới.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (03/2/1930), phong trào cách mạng đã nhanh chóng được xây dựng trong cả nước. Tháng 6/1937 đồng chí Hoàng Văn Lịch (tức Hai Cao) được điều về hoạt động và chịu trách nhiệm bắt mối, xây dựng cơ sở, tổ chức của Đảng tại Tuyên Quang. Cũng trong thời kỳ này, Mặt trận dân chủ Đông Dương do Đảng Cộng sản Đông Dương đề xướng được thành lập tập hợp đông đảo lực lượng chống chủ nghĩa phát xít, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Các báo chí của Đảng và các tờ báo dân chủ khác phản ánh và cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân lao động được xuất bản công khai.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ cách mạng tại Tuyên Quang, đồng chí Hai Cao đã về Hà Nội liên hệ với các nhà xuất bản, lấy sách báo để tuyên truyền tại Tuyên Quang. Từ đó các tờ báo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương như: Thời thế, Bạn dân, Tin tức, Đời nay... cùng các loại sách về chủ nghĩa Mác - Lênin được tuyên truyền rộng rãi ở Tuyên Quang. Từ cơ sở đại lý sách báo là nhà đồng chí Trần Xuân Hồng ở khu Tam Cờ, sách báo được phân phối cho những thanh niên công nhân mua và đọc. Các đồng chí lãnh đạo cách mạng vừa bán báo, vừa tuyên truyền từng tờ báo, từng quyển sách, có lúc phải đọc 1 số tin tức hay một vài đoạn của bài báo để anh chị em công nhân nhất là các công nhân nhiều tuổi thấy được cái khác, cái mới, cái hơn hẳn của báo Đảng so với các báo phục vụ cho chủ nghĩa thực dân và phong kiến xưa nay vẫn được bán ở Tuyên Quang.

Việc lưu hành rộng rãi sách báo của Đảng và sự vận động tích cực, khéo léo của đồng chí Hai Cao, sách báo Đảng được nhiều người mua, nhiều người đọc, từ đó Nhân dân lao động, nhất là công nhân mỏ than bước đầu nhận thức rõ thân phận nô lệ của người dân mất nước, bước đầu giác ngộ về giai cấp, quyền lợi dân tộc và nhận thức rõ trách nhiệm cần phải tranh đấu để giành lại quyền sống, giải phóng cho mình, cho đất nước mình. Nhờ tích cực tuyên truyền vận động, dưới sự lãnh đạo của Đoàn thanh niên dân chủ anh chị em công nhân mỏ đã đoàn kết lại thành lập hội Ái hữu thợ thuyền đặt trụ sở tại một căn nhà ở phố thuộc khu Xuân Hòa thị xã Tuyên Quang. Tiếp đến lực lượng công nhân đã đưa yêu sách cho chủ mỏ đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt... chủ mỏ phải nhượng bộ và giải quyết được một số yêu sách.

Tháng 9-1939 chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ở Đông Dương bọn phản động thuộc địa ráo riết đàn áp phong trào cách mạng, âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương. Điều kiện hoạt động hợp pháp  không còn nữa, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật để lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Các hoạt động tuyên truyền báo Đảng ở Tuyên Quang cũng phải rút vào hoạt động bí mật, các tờ báo lúc này được thay bằng truyền đơn, các bài thơ ca ngợi cách mạng để chuyển đến anh chị em công nhân đọc.

Thông qua tuyên truyền báo Đảng tại Tuyên Quang những giai đoạn đầu cách mạng đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, giác ngộ cách mạng của công nhân, nông dân, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang ngày càng phát triển mạnh mẽ không những ở mỏ than mà rộng khắp thị xã và sang cả nông thôn. Kết quả của phong trào này dẫn tới sự ra đời của chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Tuyên Quang vào ngày 20/3/1940. Từ đây phong trào cách mạng ở Tuyên Quang đã có Đảng lãnh đạo, các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và nhân dân đã chuyển dần từ đấu tranh cho quyền lợi hàng ngày tiến lên đấu tranh chống đế quốc và phong kiến nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.

Nguyễn Văn Đức

Xem tin theo ngày:   / /