Thắng lợi vụ xuân Gia cố trụ đỡ của nền kinh tế

Thứ Ba, ngày 21 tháng 6 năm 2022 - 16:24 Đã xem: 304

Vụ xuân năm nay được đánh dấu là năm có nhiều bất thuận nhất do giá vật tư nông nghiệp leo thang kỷ lục, thời tiết diễn biến vô cùng khó lường. Vượt qua thách thức, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo, nhanh chóng có biện pháp ứng phó đảm bảo ổn định sản xuất. Đánh giá sơ bộ, sản xuất vụ xuân đã thắng lợi trên cả 3 phương diện: Năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Kết quả đó góp phần củng cố trụ đỡ của nền kinh tế thêm bền vững.

Linh hoạt trong sản xuất

Vụ xuân năm nay, bà Nguyễn Thị Vượng, xóm 8, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) thay đổi phương thức canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Bà Vượng phấn khởi cho biết, thay đổi hướng canh tác năng suất lúa dù có thấp hơn vụ trước 10 - 15 kg nhưng đổi lại giá trị đã tăng lên đáng kể. 2 giống lúa Thái Bình, Nhật, bà Vượng vừa thu hoạch bán ra thị trường có giá từ 12.000 -12.500 đồng/kg, cao hơn 2 nghìn đồng so với năm trước; chất lượng gạo trắng, cơm đậm, thị trường rất ưa chuộng. Bà Vượng khoe, giá trị tăng cao song chi phí đầu tư lại giảm đến 25 - 30%, bởi gia đình tận dụng hết phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi ủ hoai làm phân bón cho lúa. Riêng thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ sâu, bệnh hại cũng từ các loại cây gia vị như: gừng, tỏi, ớt, sả. Một số sâu, bệnh nguy hiểm bà mới sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật có chế phẩm sinh học. Do đó, dù giá vật tư, phân bón tăng rất cao song bà Vượng vẫn bảo đảm sản xuất với chi phí đầu tư thấp nhất.

Người dân thôn Làng Mòi, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) phấn chấn trong niềm vui được mùa lúa mới. Anh Lương Văn Lạc khẳng định, chuyển hướng canh tác theo hướng hữu cơ 3 sào lúa xuân của gia đình vừa thu hoạch, phơi khô, quạt sạch đạt 2 tạ/sào là điều không thể ngờ. Theo anh Lạc, giá phân bón lên quá cao, người nông dân như anh phải tính toán để thích ứng, thay vì bỏ tiền mua các loại phân bón (phân tổng hợp NPK bón lót, phân U-rê bón thúc) và thuốc bảo vệ thực vật như những vụ trước, anh quay trở lại canh tác theo lối truyền thống, tăng sử dụng phân hữu cơ, phân xanh trong quá trình chăm sóc. Sản xuất theo hướng hữu cơ, lúa cứng cây, bảo vệ được thiên địch có lợi, giảm chi phí đầu tư. Đặc biệt giá thóc đang dao động từ 12.000 -12.500 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.

Người dân xã Hoàng Khai (Yên Sơn) ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa xuân.

Theo những người nông dân như bà Vượng, anh Lạc trong bối cảnh giá vật tư phân bón tăng kỷ lục như hiện nay, sản xuất lúa gạo vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng, giá trị song với chi phí thấp nhất là thắng lợi rất lớn của bà con.

Không những lúa, các loại cây lương thực khác như: Ngô, đậu đỗ cũng ghi nhận được giá nhất từ trước đến nay. Hiện tại, ngô hạt thương phẩm tăng 4.000 đồng/kg so với năm 2021; ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc tăng 500 nghìn đồng/tấn. Mặc dù thời gian vừa qua, mưa lớn gây lũ làm ảnh hưởng đến một số diện tích cây màu của bà con nông dân.

Đối với một số cây công nghiệp, cây ăn quả... người nông dân cũng hưởng niềm vui được mùa, được giá. Anh Vũ Hải Bảy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) không nghĩ lại thu được sản lượng chè lớn như vậy. Tính đến hết giữa tháng 6, đồi chè của gia đình anh Hải cho thu hái trên 14 tấn chè búp tươi, doanh thu đạt gần 100 triệu đồng, tăng trên 20% so với cùng thời điểm. Dự tính từ nay đến tháng 9, sản lượng chè thu được sẽ tăng gần gấp đôi bởi đây mới là thời điểm chính vụ. Theo anh Hải, năm nay mưa nhiều, chè phát triển tốt, cho búp đều.

Ứng biến kịp thời

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại có thể kết luận, vụ xuân 2022 đã thắng lợi toàn diện. Về diện tích, toàn tỉnh gieo cấy là 18.785 ha, đạt 101,7% so với kế hoạch, trong đó, lúa chất lượng là 5.540 ha, tăng 231 ha so với vụ xuân trước, chiếm 29,5% tổng diện tích lúa xuân toàn tỉnh; năng suất ước đạt 59,4 ha, sản lượng ước đạt 111.600 tấn.

Cây ngô, gieo trồng 8.026 ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất ước đạt 46,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 37.052 tấn.

Cây lạc, gieo trồng 3.330 ha, đạt 99,1%; năng suất lúa bình quân ước đạt 60,2 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ xuân năm trước.

Những con số trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh không chỉ đáp ứng cao về an ninh lương thực mà còn dôi dư để phát triển ngành chăn nuôi, phục vụ công nghiệp chế biến.

Bà con nông dân xóm 2, xã Kim Phú (Tp Tuyên Quang) phơi thóc cất trữ.

Sản xuất vụ xuân thắng lợi đó là do công tác chỉ đạo sản xuất được tỉnh, ngành tập trung triển khai hiệu quả. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp là động lực khuyến khích, thúc đẩy sản xuất phát triển; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện. Đối với ngành Nông nghiệp và PTNT, nhận định những khó khăn, ngay từ cuối năm 2021, ngành đã xây dựng cơ cấu giống cây trồng phù hợp, đặc biệt ưu tiên, khuyến cáo sử dụng các giống lúa phù hợp với thực tế sản xuất, nhu cầu của thị trường, những giống có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận. 31 giống lúa với những ưu điểm vượt trội đã được đưa vào gieo cấy trong vụ xuân để phù hợp với từng đồng đất, tập quán canh tác từng vùng, tiểu vùng. Ngành cũng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tức là tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng, giảm phụ thuộc vào các loại phân hóa học, từ đó giảm chi phí ban đầu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các ngành liên quan, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất hình thành chuỗi từ cung ứng đến tiêu thụ. Đã có 8 chuỗi liên kết sản xuất được thiết lập, nổi bật là chuỗi liên kết sản xuất ngô sinh khối, chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao... Điều này đã giảm được tác động sản xuất không theo kế hoạch, gây ra tình trạng thừa, thiếu, giảm giá trị sản phẩm.

Kinh tế đang trên đà phục hồi sau tác động của dịch bệnh Covid-19, sản xuất vụ xuân thắng lợi đã gia cố để trụ đỡ của kinh tế tỉnh thêm bền vững. Từ đó tác động trở lại thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác phát triển.     

 Theo Đoàn Thư/baotuyenquang.com.vn

Xem tin theo ngày:   / /