Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp

Thứ Tư, ngày 20 tháng 7 năm 2022 - 16:47 Đã xem: 711

Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình sản xuất, cung ứng hàng hóa và xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19, thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu vốn, lưu thông hàng hóa khó khăn, chi phí vận chuyển và thuê kho bãi tăng... Do vậy, 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng chậm so với kế hoạch.

Nhiều yếu tố “cản đường”

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19; xung đột Nga và Ucraina và những bất ổn về thị trường, giá cả, tạo lực cản lớn đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn.

Ông Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chè Sông Lô cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn về cả nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân là do giá phân bón tăng cao đột biến nên người dân không chú trọng đầu tư chăm sóc chè được tốt, dẫn tới năng suất thấp, sản lượng công ty thu mua được ít. Mặt khác giá xăng dầu tăng cao làm chi phí vận chuyển đường bộ và vận tải biển tăng cao. Thị trường tiêu thụ của công ty tập trung nhiều ở thị trường Nga, Ucraina, các nước Trung Đông, Trung Á và Nam Á nên cuộc xung đột Nga và Ucraina làm sản lượng tiêu thụ của công ty giảm. Một nguyên nhân nữa là do lạm phát, suy thoái kinh tế làm cho chi phí giá thành sản phẩm tăng cao nên người dân trong nước và thế giới tự cắt giảm tiêu dùng. Để khắc phục những khó khăn, công ty đang mở rộng kết nối sang thị trường các nước Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran… Phấn đấu từ nay đến cuối năm công ty hoàn thành tiêu thụ 3.500 tấn chè theo kế hoạch đề ra.

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chế biến gỗ.

Theo Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) ước đạt 8.274,3 tỷ đồng. Giá trị này nếu so sánh với cùng kỳ năm 2021 có tăng 19,7% nhưng so với kế hoạch năm 2022 mới đạt  47,2% kế hoạch đề ra. Một số sản phẩm công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh đạt thấp như: bột giấy, giấy in viết, chè, bột barit, đường kính... Các doanh nghiệp chủ yếu gặp khó khăn đều do thị trường tiêu thụ giảm, chi phí nguyên liệu tăng và vận chuyển hàng hóa không thuận lợi.

Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nguyên nhân là do sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Giá các mặt hàng chiến lược thiết yếu (xăng dầu, khí đốt, lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao. Một số mặt hàng chạm mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Qua phân tích, đánh giá giá trị và sản lượng sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của Sở Công Thương, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng chậm. Một số sản phẩm sản xuất của một số công ty đạt thấp như: sản lượng bột Felspat của Công ty cổ phần PRIME Hào Phú (Sơn Dương) đạt 42,6%; sản lượng bột Felspat của Công ty TNHH Sơn Lâm CĐP (Hàm Yên) đạt 20%; sản phẩm bột Barit của Công ty 27/7 đạt 46%, Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Mỹ - VMI đạt 16%; sản phẩm chế biến chè của các công ty chè đạt 25% - 29% kế hoạch năm…

Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.    

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, thời gian tới, Sở Công Thương đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh với đối tác có nhu cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, kịp thời thông tin biến động của thị trường, tìm kiếm cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm của tỉnh.

Sở Công Thương khích lệ và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong toàn ngành đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Sở phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục, vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 như giãn nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất…

Sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để đề xuất các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ, định hướng chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên liệu, vật tư, sản xuất, nhất là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho các lĩnh vực may mặc, da giày. Cùng với đó, chủ động tham mưu với tỉnh nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có liên quan tới việc triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại; tích cực trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai nhằm tăng năng lực sản xuất cho toàn ngành, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh trong năm 2022. 

Theo Hải Hương/baotuyenquang.com.vn

Xem tin theo ngày:   / /