Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và khắc phục chất độc hóa học trong chiến tranh

Thứ Ba, ngày 9 tháng 8 năm 2022 - 16:08 Đã xem: 1151

Nhìn lại thảm họa chất độc hóa học trong chiến tranh và khắc phục hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với con người và môi trường ở Việt Nam là trách nhiệm, lương tâm của cộng đồng, xã hội, là vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, chăm sóc của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội giúp đỡ, bảo vệ Nạn nhân chất độc da cam.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam được chọn dựa theo thời điểm chất độc da cam lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam. Hơn 61 năm trước, vào ngày 10/8/1961, phi vụ đầu tiên thử nghiệm chất Dinoxol do không quân Sài Gòn tiến hành tại khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum bằng máy bay trực thăng H34 có gắn thiết bị phun - HIDAL (Helicopter Insecticide Dispersal Apparatus Liquid). Trong ngày thứ năm đen tối đó, Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang”, xuống miền Nam nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu nhất trong lịch sử loài người [1].

Ngày 10/8/1961 là ngày ghi dấu tội ác hoành hành, sự dối trá lên ngôi, đánh dấu một chương cực kỳ bi thảm trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1971, chỉ trong vòng 10 năm, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn để lại hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 61 năm qua.

Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, chỉ phần tỷ gram dioxin có thể lập tức gây chết người, cần 85 gram/dioxin (bằng một thìa súp) có thể giết chết 8 triệu người dân của một thành phố và các Viện sỹ Hàn lâm Khoa học, viện Hàn lâm Y học Hoa Kỳ đã thừa nhận nhiều loại bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Cụ thể đó là các bệnh: AL amyloidosis, Bệnh bạch cầu, Hodgkin’s và Non-Hodgkin’s Lymphoma, Bệnh tim thiếu máu cục bộ, Bệnh đái tháo đường Type II, Bệnh Parkinson, Ung thư đường hô hấp, Ung thư tuyến tiền liệt, Sarcoma mô mềm, Bệnh đa u tủy…

 Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Ngày 15-10-1980, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 288-TTg, Về thành lập Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam. Ngày 5-7-2002, Bộ Chính trị ra Thông báo số 69-TB/TW, Về việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin. Ngày 5-7-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg, Về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-12-2003, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV, “Về thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam”. Theo đó, ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam được thành lập. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Đến nay, tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đã được thành lập ở Trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố, trên 600 huyện, quận, thị xã và trên 6.700 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên. Sau khi thành lập, hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin các cấp đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên.

Theo thống kê của Trung ương Hội, từ năm 2004 đến tháng 3-2021, các địa phương trong cả nước đã vận động giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân với tổng số tiền hơn 2.650 tỷ đồng; trong đó đã chi xây dựng, sửa chữa gần 6.750 nhà tình nghĩa, trợ cấp 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ, tết, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất... được 3.860.250 suất; xây dựng và duy trì hoạt động của 26 trung tâm bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam trực thuộc Trung ương và các tỉnh [2].

Từ khi thành lập, quan hệ đối ngoại của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam không ngừng được mở rộng. Hằng năm, Trung ương Hội và các hội thành viên đã tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế đến từ 5 châu lục. Hội duy trì liên lạc thường xuyên với khoảng 30 tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới. Hội thường xuyên phối hợp hoạt động với các nhà khoa học của các nước, như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga... trong nghiên cứu khoa học về bệnh tật liên quan đến chất độc đi-ô-xin.

Tới nay, hàng triệu người ở Việt Nam và các quốc gia khác vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Ghi nhớ ngày này nhằm thúc đẩy các cộng đồng đa dạng cùng nhau hỗ trợ tất cả những người tiếp tục chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Nhận thức và ghi nhớ bài học lịch sử, không chỉ đối với những người bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về chất độc da cam, mà còn để ngăn ngừa những sai lầm trong tương lai.

 

1. 60 năm thảm họa chất độc màu da cam (10/8/1961 - 10/8/2021) - Nỗi đau vẫn luôn còn, Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, 10/8/2021.

2. Nguyễn Văn Rinh, Đẩy nhanh khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, 9/8/2021.

Đỗ Hồng Thanh

Xem tin theo ngày:   / /