Tân Trào - Trung tâm căn cứ địa, Thủ đô khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thứ Năm, ngày 21 tháng 9 năm 2023 - 08:00 Đã xem: 7106

Tháng 5/1945 trước những diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế có lợi cho cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ đây Tân Trào trở thành trung tâm căn cứ địa - Thủ đô khu giải phóng trong cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Lán Nà Nưa - Nơi Bác Hồ ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương - Nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi nhanh gọn là kết quả của nhiều nguyên nhân, nhiều điều kiện, trong đó, nguyên nhân hàng đầu là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những quyết định đúng đắn, sáng suốt, phản ánh tầm tư duy kiệt xuất và sự nhạy bén cách mạng của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là vấn đề xây dựng và phát triển căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị các điều kiện về vật chất, về lực lượng cho một cuộc cách mạng đang cận kề. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cho rằng, trong các cuộc cách mạng, để giành được thắng lợi nhất thiết phải có căn cứ địa cách mạng, phải có hậu phương, Người khẳng định: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương”, đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng càng lâu dài, ác liệt thì vai trò của căn cứ địa, hậu phương càng trở nên quan trọng.

Sở dĩ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Tân Trào làm trung tâm căn cứ địa của cách mạng Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa là căn cứ vào các yêu cầu khách quan, khoa học cần có đối với một căn cứ địa cách mạng:

Thứ nhất, Tân Trào là nơi có địa thế chiến lược để tiến có thể đánh, lui có thể giữ

Khu căn cứ cách mạng Tân Trào là vùng đất rộng, rừng núi đại ngàn, có địa giới tiếp giáp với các xã thuộc 6 huyện, 3 tỉnh giữa lòng Việt Bắc. Phía Bắc giáp xã Linh Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) và 2 xã Nghĩa Tá, Bình Trung (Chợ Đồn, Bắc Kạn);  phía Đông giáp các xã thuộc 2 huyện Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên); phía Nam giáp các xã Phú Thịnh, Hợp Thành (Sơn Dương, Tuyên Quang); phía Tây giáp các xã Tân Tiến, Kiến Thiết, Tiến Bộ, Thái Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang). Do đặc điểm của địa hình, đồi núi trong khu căn cứ chiếm 90% diện tích toàn vùng, được che phủ bởi một lớp thảm thực vật nhiệt đới đa dạng, phong phú về chủng loại, có nhiều gỗ quý như: đinh, lim, sến, táu, nghiến, trai, lát... và bạt ngàn tre, nứa, song, mây, vầu... tạo thành bức màn che phủ đường đi lối lại và nhà ở bên trong, rất tiện lợi cho việc khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ xây dựng lán trại, nhà ở, kho tàng, hầm hào, công sự. Những ngọn núi phía Bắc như: Khuổi Đốc (575m), Làng Quan (722m), làng Chạp (501m), Khao Hòa (395m) cùng những ngọn núi cao ở phía Đông Nam như: núi Hồng, núi Thia, núi Là Lừa. Những dãy núi ở phía Tây Nam như: núi Bòng, núi Nản Đeng (núi Đỏ), núi Phủ Màng... Vây quanh từng thôn, xóm, bản, làng còn có những ngọn núi thấp hơn, nhiều hình, muôn vẻ, những dãy núi đá dựng vách đứng như những bức tường thành kiên cố, có nhiều hang động có sức chứa từ vài chục người đến hàng trăm người rất thuận lợi cho việc chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng và cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm... trong thời kỳ chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền và chiến tranh giải phóng nhằm bảo toàn lực lượng, đảm bảo cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến.

Về giao thông, cách trung tâm khu căn cứ về phía Nam 12km có đường quốc lộ 37, đường này xuất phát từ Bờ Đậu (Thái Nguyên) qua Đèo Khế sang huyện lỵ Sơn Dương về thành phố Tuyên Quang sang Yên Bái. Một đường khác đi từ huyện lỵ Sơn Dương qua đèo Khuôn Do về Lập Thạch gặp Quốc lộ 2 ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Đây là 2 con đường bộ lớn nhất góp phần giao lưu kinh tế - xã hội, nó còn tạo sức cơ động lực lượng trong tác chiến khi có chiến tranh.

Trước đây, đường vào khu căn cứ cách mạng Tân Trào chỉ có một con đường bộ độc đạo liên xã từ huyện lỵ Sơn Dương vào qua nhiều chỗ vòng, tránh, vượt dốc, vượt đèo, đặc biệt là phải qua đèo Chắn, cao, hiểm trở, nhiều đoạn chạy ven theo các chân núi, cạnh sông, suối, khe sâu, vực thẳm, một bên là núi cao, vách đứng, rừng rậm.

Trong nội địa khu căn cứ có một hệ thống giao thông đường mòn xuyên rừng, chằng chịt, dọc ngang nối liền các làng xã, thôn, bản với nhau từ những con đường mòn xuyên núi, vượt đèo, lội suối, cắt rừng, ta có thể đi khắp mọi hướng như: Từ Tân Trào ngược hướng Bắc qua Bắc Kạn lên Cao Bằng hoặc đi sang các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang) ra biên giới Việt - Trung thuận tiện. Phía Đông, vượt các dãy núi Khao Niều, Bản Lá, Khau Nhì, núi Hồng, Khau Lán tới các huyện Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên) và xuôi về Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Xuống phía Nam dọc theo chân núi Hồng, Tam Đảo về Lập Thạch (Vĩnh Phúc) sang Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy (Phú Thọ) xuống Hà Nội hoặc lên Hòa Bình và về các tỉnh đồng bằng thuận lợi. Từ Tân Trào đi về hướng Tây, qua thành phố Tuyên Quang, sang Yên Bái đến các  tỉnh Tây Bắc dễ dàng.

Hệ thống giao thông kể trên chính là đường dây liên lạc của các đoàn quân cách mạng Nam tiến, Bắc tiến trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Giao thông khu vực tuy có khó khăn, hiểm trở song cũng khá cơ động, linh hoạt. Do vậy Tân Trào thực sự là vùng đất “Địa lợi”, tiến có thể đánh, lui có thể giữ.

Thứ hai, nhân dân Tân Trào có truyền thống đấu tranh cách mạng, nơi có cơ sở cách mạng sớm, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ.

Trải qua quá trình lịch sử đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên, chống lại áp bức cường quyền của chế độ thống trị trong nước và nạn ngoại xâm, nhân dân khu căn cứ cách mạng Tân Trào đã kề vai sát cánh cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang xây dựng nên truyền thống đấu tranh của dân tộc mình, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, tự lực, tự cường, cần cù và dũng cảm, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, quyết tâm giành độc lập, tự do ... là đức tính, truyền thống quý báu mang bản sắc của các dân tộc trong khu căn cứ cách mạng Tân trào.

Ngày 31/5/1884 thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang. Con, em của nhân dân các dân tộc Tân Trào tham gia trận phục kích tại Hòa Mục (xã Thái Long, huyện Yên Sơn) gây cho địch thiệt hại nặng nề. Dưới chế độ áp bức của thực dân, phong kiến, những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhân dân các dân tộc vùng Tân Trào đã liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống lại chế độ thống trị hà khắc của thực dân Pháp và tay sai như: chống thu thuế thân vượt suất đinh, thuế điền, thuế thổ trạch (năm 1935)...

Đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương - Nơi diễn ra Đại hội Quốc dân Tân Trào (8/1945). Nguồn: Báo Nhân Dân

Sau khi Chi bộ Mỏ Than ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ sở cách mạng, các phong trào quần chúng đã được xây dựng ở khắp nơi trên đất Tuyên Quang, tác động sâu sắc đến khu vực Tân Trào. Các buổi lễ ăn thề thiêng liêng của đồng bào các dân tộc đã được chuyển hóa thành những buổi tuyên truyền, vận động đấu tranh cách mạng; các cuộc đấu tranh chống thuế, chống nhổ lúa trồng thầu dầu... được tổ chức chặt chẽ và coi như những cuộc tập dượt cho quần chúng cách mạng.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, lực lượng Cứu quốc quân ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi sự tổ chức và chỉ huy chặt chẽ, tháng 02/1944, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt lên kiểm tra tình hình vùng Tân Trào - Núi Hồng. Căn cứ vào sự phát triển của cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thay mặt Trung ương Đảng quyết định chia chiến khu Hoàng Hoa Thám thành hai Phân khu: Phân khu Quang Trung (Phân khu A), Phân khu Nguyn Hu (Phân khu B). Sau khi Phân khu Nguyn Hu hình thành, ngày 25/02/1944, Đội Cu quc quân III được thành lp để phát trin lc lượng vũ trang, kp thi đáp ng yêu cu ca phong trào cách mng ở Tuyên Quang đang phát triển mnh m. Đồng thời tích cực xây dựng vùng Tân Trào thành căn cứ trung tâm của Phân khu B.

Tại Khu căn cứ Tân Trào, lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân được củng cố, tập dượt chuẩn bị khởi nghĩa. Lực lượng chính trị đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Lực lượng vũ trang ra đời và trưởng thành nhanh chóng. Mặt trận Việt Minh đón chờ thời cơ thuận lợi để đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên. Đây là một trong những nhân tố để Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, Tân Trào là nơi có điều kiện thuận lợi để tự cấp, tự túc lương thực, chuẩn bị và đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho lực lượng cách mạng.

Cư dân nơi đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí... Mỗi dân tộc tuy có phong tục tập quán riêng, nhưng họ sống không tách biệt, mà thường xen cư, hình thành từng bản, làng trong các thung lũng, hoặc sống phân tán trên các triền núi, nơi có nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Dân cư phân bố không đồng đều và cũng thưa dần từ Nam đến Bắc. Đồng bào trong khu căn cứ sống chủ yếu bằng các nguồn lợi từ rừng, trồng cây lương thực như: lúa, ngô, sắn... và chăn nuôi gia súc, đáp ứng cơ bản lương thực, thực phẩm cho nhân dân và nhu cầu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ cách mạng.

Làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương - Nơi diễn ra những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Như vậy, là với vị trí chiến lược hiểm yếu, Tân Trào có đầy đủ các yếu tố cần thiết của một căn cứ chiến lược, cơ động, vững chắc, có thể đảm bảo an toàn cho cơ quan đầu não của Đảng và các lực lượng cánh mạng trở thành “mái nhà an toàn” cho các lực lượng kháng chiến, đồng thời, đảm bảo được những nhu cầu tự cấp, tự túc về kinh tế và hậu cần.

Có thể thấy, là địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Tân Trào (Tuyên Quang) được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, lựa chọn làm trung tâm căn cứ địa cách mạng để chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lòng dân Tuyên Quang nói chung và Tân Trào nói riêng luôn sắt son theo Đảng, theo cách mạng, nhân dân Tân Trào đã đoàn kết cùng nhân dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, bảo vệ an toàn lãnh tụ và Trung ương Đảng, là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.73.

2. Lịch sử Khu Căn cứ cách mạng Tân Trào (1941-1954), Nxb. Quân đội Nhân dân, năm 2006.

3. Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám và cách mạng Tháng Tám với công cuộc đổi mới đất nước (Kỷ yếu Hội thảo), Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2015.

Xem tin theo ngày:   / /