Tân Trào-Nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam

Thứ Hai, ngày 22 tháng 4 năm 2024 - 13:49 Đã xem: 1034

Tháng 5/1945 trước những diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế có lợi cho cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ đây Tân Trào trở thành trung tâm căn cứ địa - Thủ đô khu giải phóng trong cách mạng Tháng Tám năm 194, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quyết định vận mệnh của dân tộc.

Đình Tân Trào-Nơi diễn ra Quốc dân Đại hội trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

Bước sang năm 1945, tình hình thế giới và trong nước diễn biến mau chóng theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đêm 09/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Pháp chống trả yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Nắm sát diễn biến tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định chuyển địa bàn đứng chân từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Xuất phát từ Pác Bó ngày 04/5/1945 đến chiều ngày 21/5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ của Đảng đến Tân Trào. Tại Tân Trào, Người cùng Trung ương Đảng chỉ đạo gấp rút chuẩn bị lực lượng và tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Đầu tháng 6/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên và một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, chọn Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng. Tại Tân Trào, Người cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng luôn theo sát tình hình trong nước và thế giới. Ngày 08/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, chỉ trong vòng một tuần đã đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật, các nước đồng minh cũng đồng loạt tấn công vào các vị trí phòng thủ của Nhật. Phát xít Nhật thất bại trên các mặt trận. Thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền của cách mạng Việt Nam đã đến. Lãnh tụ Hồ Chí Minh xác định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập!”(1). Từ ngày 14 đến 15/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị khẳng định “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”(2) và đưa ra quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 16 đến 17/8/1945, hơn 60 đại biểu toàn quốc đại diện các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, dân tộc, tôn giáo tham dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào. Đại hội biểu thị ý chí, quyết tâm sắt đá giành độc lập của toàn thể nhân dân Việt Nam; cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quy định Quốc kỳ, Quốc ca. 

Làng văn hóa Tân Lập, Khu du lịch Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Trước đình Tân Trào, sáng ngày 17/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên trong Ủy ban giải phóng dân tộc làm lễ tuyên thệ. Người hô vang lời thề giành độc lập dân tộc: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước. Xin thề!”(3). Ngày 18/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”(4). Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam triệu người như một nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, không từ bỏ dã tâm xâm lược, thực dân Pháp ngày càng mở rộng chiến tranh trên đất nước Việt Nam. Trước tình hình đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” nêu rõ mục đích cuộc kháng chiến của ta là giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc và vùng căn cứ được xây dựng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với các địa phương khác trong chiến khu Việt Bắc, Tân Trào một lần nữa trở thành trung tâm của căn cứ địa, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tân Trào là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, các cơ quan Trung ương như: Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, cơ quan thi đua ái quốc trung ương, cơ quan Nông vận, cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Địa, Nhà xuất bản Sự Thật, tòa soạn báo Cứu Quốc… Tại Tân Trào đã diễn ra nhiều hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương để đề ra các chủ trương, quyết sách đưa cách mạng phát triển giành thắng lợi. Tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết đề cập những nội dung đạo đức cách mạng (Chủ nghĩa cá nhân; Bệnh tự kiêu, tự ái; Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay; Đảng ta; Bệnh khẩu hiệu; Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng; Dân vận; Rút kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm; Phải chữa cái bệnh cấp bậc; Tự phê bình; Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu…). Người đã ký nhiều sắc lệnh, như: Sắc lệnh thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật; Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho một số tập thể, cá nhân; Sắc lệnh thành lập “Quỹ tham gia kháng chiến”; Sắc lệnh quy định mức giảm địa tô và thành lập Hội đồng giảm tô ở các tỉnh; Sắc lệnh về việc thành lập ngạch Thanh tra lao động và Kiểm soát lao động; Sắc lệnh ấn định cấp bậc, phù hiệu, cấp hiệu và quân phục cho quân đội; Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ; Sắc lệnh thành lập Nha Vận tải và Vụ Kiến trúc trong Bộ Giao thông công chính; Sắc lệnh quy định việc phát hành các loại giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Sắc lệnh thành lập và quy định nhiệm vụ của tổ chức Ngân hàng Quốc gia Việt Nam… Trong thời gian này, Người trả lời điện phỏng vấn của các nhà báo, hãng thông tấn các nước: Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc. Chủ trì Hội nghị Trung ương mở rộng để thảo luận các đề án chính trị, chính quyền, kinh tế..., chuẩn bị cho Đại hội lần thứ II của Đảng; chủ trì họp Hội đồng Chính phủ thảo luận các vấn đề tình hình thế giới, trong nước và ra nghị quyết về công tác ngoại giao, giáo dục, cải tổ bộ máy tư pháp, giao thông công chính, nội vụ...; chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, kiểm điểm công tác năm 1951, bàn kế hoạch năm 1952, nghe báo cáo tình hình quân sự và quyết định một số vấn đề quan trọng khác; chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, cho ý kiến về phương hướng công tác năm 1953, vấn đề ngân sách, tổng kết kiểm thảo lề lối lãnh đạo, làm việc với các bộ… Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động của các cơ quan Trung ương gắn với hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng được thực hiện tích cực, khẩn trương để phục vụ nhiệm vụ kháng chiến: Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện tổng hợp báo cáo theo quy định, theo dõi tình hình hoạt động của cơ sở, phụ trách những đoàn công tác của Trung ương đến các Khu ủy, Tỉnh ủy, cung cấp kịp thời thông tin cho Bộ Chính trị, giúp Trung ương nắm chắc tình hình thực tế ở địa phương để chỉ đạo. Ban Đảng vụ Trung ương (nay là Ban Tổ chức Trung ương) tập trung chuẩn bị báo cáo, nhân sự cho Đại hội lần thứ II của Đảng. Ban Tuyên huấn Trung ương tích cực tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, biên tập bản tin cổ động bộ đội, nhân dân thi đua sản xuất, đánh giặc lập công, xây dựng chính quyền nhân dân. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã mở các khoá học để đào tạo, chỉnh huấn cán bộ. Ban thi đua ái quốc phát động phong trào thi đua nhằm mục đích "Tích cực cầm cự và chuẩn bị phản công", diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm...

Vinh dự và tự hào là trung tâm căn cứ địa trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng xây dựng, bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Việt Minh và các bộ, ban, ngành Trung ương đóng tại đây, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.   

Nguyễn Văn Đức

           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 2, tr.267.

(2). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 424.

(3). Tân Trào toàn cảnh, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000, tr.111.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.596.

 

Xem tin theo ngày:   / /