Tuyên Quang vùng đất cổ

Thứ Năm, ngày 18 tháng 8 năm 2022 - 07:43 Đã xem: 3917

Nằm ở vị trí vùng đệm giữa các tỉnh miền núi và trung du đồng bằng, địa hình Tuyên Quang có đặc điểm núi đồi chiếm ưu thế, nhưng bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông ngòi dày đặc, trong đó lớn nhất là sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Xen kẽ hệ thống sông suối và núi đồi có những thung lũng, cánh đồng rộng rãi khá bằng phẳng được bồi đắp bởi phù sa, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi, đó cũng chính là cơ sở để Tuyên Quang sớm trở thành vùng đất hội tụ và sinh sống của cư dân cổ trong dòng chảy lịch sử phát triển của dân tộc.

Cọc Vài Phạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ảnh: Internet

Tuyên Quang là một trong những tỉnh có hoạt động khảo cổ từ rất sớm. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số học giả người Pháp đã đến khu vực thị xã Tuyên Quang và vùng ngoại thị xã để khảo cổ học. Năm 1920, học giả H. Mansuy đã công bố phát hiện địa điểm tiền sử thuộc Bình Ca, xã Vĩnh Lợi (huyện Sơn Dương) và tìm thấy một số di vật thời đồ đá mới cách đây hàng nghìn năm. Đến những năm 1994, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008 thông qua hoạt động của Viện khảo cổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cùng những di chỉ phát hiện rải rác trên địa bàn tỉnh đã giúp chúng ta nhận thức đầy đủ, sâu, kỹ hơn về bức tranh tiền sử Tuyên Quang và Việt Nam. Dấu tích xa xưa nhất của con người trên đất Tuyên Quang được biết đến là những chiếc răng của người khôn ngoan được tìm thấy ở hang Đá Đen (xã Yên Phú, Hàm Yên) có niên đại ít nhất cách đây khoảng 100.000 năm, qua nghiên cứu có thể xác định người cổ ở Tuyên Quang giai đoạn này sống trong hang thuộc các triền núi đá vôi. Bước sang thời kỳ hậu kỳ đá cũ, mặc dù mới phát hiện được 1 di tích đá cũ ở Hàm Yên, qua nghiên cứu cho thấy cách đây khoảng 20.000 năm, cư dân cổ ở Tuyên Quang sinh sống dọc sông Lô, ngoài sống trong các hang động đã mở rộng cư trú trên thềm sông, suối, tận dụng được điều kiện kiếm sống cả trên rừng và dưới nước. Đến giai đoạn hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, cư dân cổ đã phân bố đều trên khắp các địa hình của tỉnh, họ đã vươn ra ngoài trời mà vết tích văn hóa giai đoạn này còn thấy dọc đôi bờ sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy. Đến thời kỳ kim khí, cư dân cổ Tuyên Qung cùng cư dân cả nước bước vào giai đoạn Nhà nước sơ khai. Trên địa bàn tỉnh đã nhiều di tích khảo cổ học với hàng loạt các đồ kim khí được tìm thấy tại Ngọc Hội, Nhân Lý (huyện Chiêm Hóa), huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương. Phần lớn các di vật này mang đặc điểm của thời kỳ đồ đồng Đông Sơn. Tuyên Quang cũng là vùng đất đóng góp 4 chiếc trống đồng vào bản danh sách trống đồng Đông Sơn cổ tại Việt Nam. 1 chiếc được tìm thấy ở xã Nhân Lý (huyện Chiêm Hóa); 1 chiếc ở xã Thiện Kế (huyện Sơn Dương) và 2 chiếc ở xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn). Điều đặc biệt là những chiếc trống đồng đều được tìm thấy trong lòng đất điều đó khẳng định cư dân cổ ở Tuyên Quang thực sự đều là chủ nhân của những chiếc trống đồng Đông Sơn.

Thời kỳ kim khí, cư dân cổ Tuyên Quang đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, hình ảnh hoa văn hình bông lúa trên các trống đồng đã chứng minh rõ điều đó. Bên cạnh nền kinh tế sản xuất, nền kinh tế tự nhiên dựa vào săn bắn và hái lượm vẫn giữ vai trò quan trọng đời sống hàng ngày. Trong bộ sưu tập đồ đồng tìm được ở Tuyên Quang có nhiều vũ khí dùng để săn bắn, hình tượng chó săn hươu tìm được ở các chiếc rừu đồng đã thể hiện việc săn bắn rất được coi trọng. Dấu tích cư trú của cư dân thời vua Hùng cũng đã xuất hiện ở 3 làng cổ: Bình Xa, Bãi Soi và Thiện Kế. Chứng tích ở 3 vùng này chứng minh đã xuất hiện các làng xóm tập chung dân cư đông đúc cách đây từ 4.000 năm, cuộc sống định cư thành bản làng và dựa vào nền kinh tế nông nghiệp đã tạo ra những tập tục có tính chất cộng đồng. Qua bộ di vật Đông Sơn có thể thấy, thời kỳ Hùng Vương và An Dương Vương cư dân cổ Tuyên Quang đã cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nhà nước sơ khai Văn Lang và Âu Lạc, chính các tộc người của Tuyên Quang đã thành lập 1 trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang xưa.

Như vậy, bằng những phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học trong những thập kỷ gần đây ở Tuyên Quang, bức tranh thời tiền, sơ sử nơi đây đã dần được nhận diện với những giá trị văn hóa cơ bản: Tuyên Quang là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời, có sự phát triển văn hóa liên tục, có mối quan hệ rộng mở ở khu vực xung quanh, tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài làm giàu thêm bản sắc văn hóa Tuyên Quang, đồng thời đã đóng góp vào văn hóa tiền sử Việt Nam và khu vực.

Nguyễn Văn Đức

Xem tin theo ngày:   / /