Thực hư vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam

Thứ Năm, ngày 18 tháng 8 năm 2022 - 14:43 Đã xem: 16234

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo với khoảng ¼ dân số theo các tôn giáo. Tín đồ tôn giáo phần lớn là người yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Tất cả các tôn giáo ở Việt Nam đều hướng thiện, chung sống hòa bình, không có xung đột đức tin và chiến tranh tôn giáo. Người Việt Nam được tự do lựa chọn theo hoặc không theo tôn giáo và tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự kỳ thị tôn giáo.

Đêm hội hoa đăng mừng vía đức Phật Di Đà và cầu nguyện cho thế giới hòa bình, Nhân dân an lạc tại chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TPHCM). Ảnh: tinmoi.vn

Bất chấp sự thật đó, gần đây, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và một số trang mạng xã hội đã đưa ra những nhận định sai trái, thiếu khách quan, không có cơ sở khoa học về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam như: ở Việt Nam không có tự do tôn giáo thật sự; Nhà nước Việt Nam gây khó khăn cho việc đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo, đặc biệt với các nhóm tôn giáo vùng dân tộc thiểu số; luật pháp Việt Nam sử dụng điều khoản về an ninh quốc gia, các "tội danh mơ hồ" để "đàn áp, hạn chế” tự do tôn giáo; “ở Việt Nam có các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”...

Để biết rõ ở Việt Nam có tự do tôn giáo thực sự hay không, hãy nhìn vào bức tranh tôn giáo ở Việt Nam để khẳng định: Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Kể từ đó đến nay, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam không phân biệt người theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo, sát cánh bên nhau, nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua bao khó khăn, cùng nhau gìn giữ, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tính đến tháng 12/2021, theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có mặt 16 tôn giáo. Nếu như năm 1985, số lượng tín đồ các tôn giáo khoảng 14 triệu thì đến năm 2021, số lượng tăng lên đến hơn 26,5 triệu. Có 29. 854 cơ sở thờ tự, tăng thêm 5.800 cơ sở so với năm 2008; hơn 60 cơ sở đào tạo của các tổ chức tôn giáo. Nếu không có tự do tôn giáo thực sự, chắc hẳn không thể có số lượng tín đồ, chức sắc đông như vậy, cũng không có các cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo… nhiều đến vậy. Thực tế, thành quả của độc lập tự do, của công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước theo tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ thành công, thành công, đại thành công” là do sự quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam, không phân biệt theo hoặc không theo tôn giáo. Người theo tôn giáo ở Việt Nam không bị hạn chế phát triển quyền tự do cá nhân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Nhà nước Việt Nam có gây khó khăn cho việc đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo, đặc biệt với các nhóm tôn giáo vùng dân tộc thiểu số hay không?

Tại Việt Nam, các cá nhân và tổ chức tôn giáo được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo đều tăng hàng năm. Ngoài các tổ chức của Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Tin lành, Cao đài..., hàng trăm chi hội và điểm nhóm của đạo Tin lành đã được cấp đăng ký hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo với 26.689.748 tín đồ, trong đó có 57.716 chức sắc; 130.167 chức việc. Hầu hết các tôn giáo đều có các ấn phẩm như báo, tạp chí, trang thông tin điện tử để hoạt động. Như vậy, Việt Nam gây khó khăn cho việc đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo ở chỗ nào? Có tôn giáo nào đủ điều kiện mà chưa được công nhận ở Việt Nam? Tất nhiên, đừng nhầm lẫn giữa tôn giáo và tổ chức bất hợp pháp hay tạo cho các tổ chức bất hợp pháp một cái vỏ bọc là tôn giáo để đòi hỏi được pháp luật công nhận là tôn giáo. Bởi vì phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được công nhận là tôn giáo chứ không nên hiểu là Nhà nước “gây khó khăn” cho việc công nhận tổ chức tôn giáo.

Có hay không việc luật pháp Việt Nam sử dụng điều khoản về an ninh quốc gia, các "tội danh mơ hồ" để "đàn áp, hạn chế tự do tôn giáo"?

Có thể khẳng định ngay rằng không có chuyện ở Việt Nam đàn áp, hạn chế tự do tôn giáo, cũng không có tội danh nào là “tội danh mơ hồ” để đàn áp tôn giáo. Ngay trong Bản Hiến pháp đầu tiên, năm 1946 của nước ta, tại Điều 10, ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”; Hiến pháp năm 2013 (Điều 24), đã công nhận: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…”, những điều khoản đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Một số bộ luật quan trọng của Việt Nam: Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 116); Luật Tổ chức chính phủ 2015 (Điều 17); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016; Bộ luật Giáo dục 2019 (Điều 13, 20) đều ghi rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, mọi tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Không có điều khoản nào về an ninh quốc gia, "tội danh mơ hồ" để "đàn áp, hạn chế” tự do tôn giáo. ở Việt Nam cũng không có khái niệm “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” mà chỉ có người vi phạm pháp luật, phải thực hiện cải tạo trong các nhà tù. Bất kỳ công dân Việt Nam nào nếu vi phạm pháp luật, chống đối Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia... thì dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đương nhiên, những tổ chức bất hợp pháp, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, nói xấu Đảng, Nhà nước, tuyên truyền chống phá đất nước thì không có đất để tồn tại ở Việt Nam.

Tại tỉnh Tuyên Quang hiện có mặt 03 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo và Tn Lành. Số lượng các tín đồ tôn giáo tăng lên hàng năm. Năm 2015 có 13.612 tín đồ, chức sắc Phật giáo thì đến tháng 6/2022 có tới hơn 18.000 người; Công giáo có 25.325 tín đồ, chức sắc năm 2015 thì đến tháng 6/2022 có 27.795 người; năm 2015 có 7.788 người theo đạo Tin Lành thì đến tháng 6/2021, có 9.172 tín đồ; có 02 hội thánh và 54 điểm nhóm thuộc 7 hệ phái Tin lành được chấp thuận để thuận tiện cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, tại Tuyên Quang và một số tỉnh miền núi phía Bắc có cộng đồng người Mông sinh sống như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào cai…, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tuyên truyền, kích động, lôi kéo đồng bào Mông ly khai, tự trị với ý đồ lập “nhà nước Mông” do Dương Văn Mình đứng đầu. Với luận điệu nhảm nhí, lừa bịp người dân, lợi dụng nhận thức hạn chế đã yêu cầu người dân nộp tiền, trâu, bò, của cải, thành lập quỹ “Vàng Chứ”, danh nghĩa là giúp dân, nhưng tổ chức này đã sử dụng, chi tiêu cá nhân. Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình không phải là tôn giáo, không có giáo lý của một tôn giáo chính thống mà vay mượn nội dung giáo lý các tôn giáo khác có pha trộn yếu tố mê tín dị đoan, hoạt động dưới vỏ bọc là tổ chức tôn giáo. Nhiều người Mông đã tin và nghe theo tổ chức này, đã dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên, không chịu làm ăn, không cho con đi học… dẫn đến cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Để giúp đồng bào Mông nhận ra sự nhảm nhí, mê tín đó, lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, không tin và nghe theo tổ chức Dương Văn Mình. Đồng thời, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số như xóa đói giảm nghèo, làm nhà mới, xóa nhà tạm, làm đường bê tông, chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới, tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao… tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân. Bộ mặt nông thôn các xã có người Mông theo Dương Văn Mình giờ đã có sự đổi khác, người Mông tin theo Đảng, chăm chỉ làm ăn, nâng cao đời sống, không mê tín dị đoan. Quá trình tuyên truyền vận động, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có 540 hộ với 2.500 nhân khẩu cam kết từ bỏ, không tin theo tổ chức Dương Văn Mình.

Sự khác nhau giữa tôn giáo và tổ chức bất hợp pháp đã quá rõ ràng, vì vậy không thể nhầm lẫn giữa tôn giáo và tổ chức bất hợp pháp. Các tôn giáo đều hướng tới những điều tốt đẹp, được pháp luật thừa nhận và người dân có quyền theo hoặc không theo. Còn đối với tổ chức bất hợp pháp, chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật, khi người dân có đủ hiểu biết, họ sẽ không tin, không nghe theo và tự nguyện rời bỏ các tổ chức này.

Hơn 90 năm qua kể từ khi có Đảng, nhân dân Việt Nam không phân biệt theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua khó khăn, chiến đấu hy sinh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Đất nước thống nhất, toàn thể dân tộc cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội, không có sự phân biệt hay hạn chế tự do tôn giáo của cá nhân. Tín đồ tôn giáo trước hết là công dân Việt Nam, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Trên đất nước này, tôn giáo có đặc trưng riêng, thể hiện nét đẹp của văn hóa, những lễ hội tôn giáo và những điều tốt đẹp của nó có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, ảnh hưởng đến đông đảo cá nhân trong xã hội như Lễ Phật Đản; Lễ Vu Lan báo hiếu, Lễ Chúa giáng sinh... Vì vậy, những kẻ âm mưu gây dựng tổ chức bất hợp pháp hay cố tình đưa ra những luận điệu xuyên tạc vấn đề tôn giáo ở Việt Nam đừng hy vọng, vì dù nhầm lẫn hay cố tình xuyên tạc để thực hiện mưu đồ chống phá Việt Nam cũng sẽ thất bại.

Nguyễn Nhung

 

Bài viết sử dụng tư liệu từ :

- Sổ tay Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (trang 138-139), NXB Lý luận chính trị

- Bài viết: Trăm sự phi lý phía sau “bộ cánh tự do tôn giáo” Hương sen Việt

- Số liệu các tôn giáo của Sở Nội vụ Tuyên Quang

Xem tin theo ngày:   / /