Tuyên Quang - Vùng đất hội tụ đa sắc màu văn hóa

Thứ Năm, ngày 25 tháng 8 năm 2022 - 23:32 Đã xem: 17224

Thư tịch cổ đã chép về Tuyên Quang xưa: “Đây là xứ sơn kỳ thủy tú, vạn vật tốt tươi, mặt người tươi đẹp, ruộng nhiều lúa chín, đất nở đầy hoa, chim kêu vượn hót, thuốc quý tiềm tàng, sơn hào vô tận, không thứ gì là không có..., xem như nơi đây có nguồn thiêng hội tụ, vui nước an dân, hợp đức thánh nhân”. Chính thiên nhiêu ưu đãi và chiều sâu lịch sử đã tạo cho Tuyên Quang – vùng đất hội tụ đa sắc màu văn hóa.

Lung linh đêm rằm Trung thu (Ảnh: Quang Minh)

Nhìn trên bản đồ dân tộc, Tuyên Quang như chiếc cầu nối giữa miền núi phía Bắc với trung du và đồng bằng, giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Địa hình Tuyên Quang đa dạng, núi non xen kẽ với sông ngòi dày đặc trong đó lớn nhất là sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, lượng phù sa bồi đắp do hệ thống sông suối tạo nên cùng núi non trùng điệp đã sớm tạo cho vùng đất này thuận lợi cho nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi..., Do những thuận lợi ấy, từ lâu Tuyên Quang đã là một tỉnh có nhiều dân tộc cư trú.

Trong sách “Kiến Văn Tiểu Lục”, Lê Quý Đôn (1723-1782) nhà bác học thời phong kiến đã chép: Tuyên Quang có các giống người như: giống người Nùng, giống người Răng Vàng, giống người Hóa Thường, giống người Tạo, giống người Ngô Ngàn, bảy chủng tộc người Mán trong đó có Sơn Trang, Sơn Tử, Cao Lan, Sơn Man, Sơn Bán, Sơn Miêu... Những giống người này, ngày nay một số không còn ở đất Tuyên Quang hoặc đã thay đổi tên gọi khác.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 8 dân tộc số dân đông hơn cả là Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Nùng, Hoa, Mông, Sán Dìu. Qua việc tìm hiểu gia phả và các nhân chứng cho thấy thời gian cư trú và sinh sống của mỗi dân tộc trên đất Tuyên Quang có sự khác nhau, nhưng có lẽ dân tộc Tày là dân tộc cư trú lâu nhất trên đất Tuyên Quang; các dân tộc khác đến Tuyên Quang vào khoảng vài trăm năm đến vài chục năm. Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi dân tộc có tiếng nói, phong tục tập quán riêng. Tiếng nói của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang được xếp vào bốn nhóm hình là: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường có dân tộc Kinh, dân tộc Mường; nhóm ngôn ngữ Tày - Thái có các dân tộc Tày, Cao Lan, Nùng; nhóm ngôn ngữ Mông - Dao có các dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn...; Nhóm ngôn ngữ Hán có các dân tộc Sán Dìu, Hoa.

Trải qua quá trình chinh phục thiên nhiên, với đức tính cần cù, dũng cảm và trí thông minh, đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang đã khắc lên trên các sườn núi đồi lớp lớp các vòng ruộng bậc thang, biến những khu đầm lầy, gò bãi hoang vu thành những khu dân cư trù phú với cánh đồng ngô, lúa... xanh tốt, những khu ruộng, ao hồ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và những khu phố thị đông vui, sầm uất. Từ trong lao động với tình yêu quê hương tha thiết, tâm hồn nhạy cảm, đồng bào các dân tộc đã sáng tạo lên kho tàng văn hóa phong phú và đặc sắc của mình. Các lễ hội truyền thống theo mùa, đường nét hoa văn duyên dáng trên trang phục thể hiện sinh động đời sống văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc. Những câu truyện cổ tích, những tục ngữ ca dao về kinh nghiệm sản xuất, về triết lý cuộc sống, thấm đậm chất nhân văn là những bằng chứng phản ánh khát vọng về cuộc sống yêu lao động, yêu tự do của con người nơi đây.

Trong đời sống sinh hoạt, đồng bào các dân tộc có nhiều món ăn truyền thống mang tính văn hóa ẩm thực như: Mắm cá ruộng, món thịt ướp, món cơm lam, bánh trứng kiến của đồng bào Tày; các loại bánh trôi, banh chay, bánh dày, bánh mật... của đồng bảo Kinh; món thịt mỡ muối, thịt bò khô, thịt trâu khô, cá thính của đồng bào dân tộc Sán Dìu; mèn mén của dân tộc Mông... Kiến trúc về nhà truyền thống của mỗi dân tộc cũng rất đặc sắc và phong phú, biểu hiện quan niệm về vũ trụ, về thiên nhiên và con người, về tập quán và quan niệm cuộc sống của mỗi dân tộc. Dân tộc Kinh từ dưới xuôi lên xây dựng kinh tế, cư trú xen kẽ với các đồng bào các dân tộc thiểu số có nhà ở mang nét kiến trúc nhà nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhà ở của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan có kiến trúc nhà sàn, tuy nhiên nhà sàn của mỗi dân tộc, mỗi ngành cũng có những nét khác nhau.

Đặc biệt, ở mỗi dân tộc có kho tàng văn nghệ dân gian độc đáo như: Dân tộc Tày có điệu hát Quan Làng (hát đưa dâu về nhà chồng), hát Cọi, Sli, Lượn, Phong slư (hát đối giao duyên nam nữ), hát Then, hát Pụt (hát nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo) và các điệu múa Then, múa Sinh tiền, múa Nón, múa Gieo hạt, múa Quạt...; Dân tộc Cao Lan có điệu hát Sình Ca (hát đối đáp giao duyên nam nữ), các điệu múa múa Chim gâu, múa Xúc tép, múa Khai đèn, múa Cờ...; Dân tộc Dao có điệu hát Páo dung (hát đối đáp giao duyên nam nữ), các điệu múa cầu mùa, múa bắt ba ba, múa Màng; Dân tộc Sán Dìu có điệu hát Soọng cô (hát đối đáp giao duyên nam nữ); Dân tộc Mông có điệu hát Mồ côi, tiếng hát làm dâu, múa Khèn. Mỗi dân tộc có những bộ nhạc cụ độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa và trình độ âm nhạc cao có khả năng truyền cảm hiệu quả như: đàn Tính, quả nhạc của dân tộc Tày; Khèn, kèn lá, sáo trúc của dân tộc Mông; bộ gõ của dân tộc Dao, Cao Lan...

Trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của các dân tộc có nét chung là đều thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất, Thành Hoàng làng, người có công mở đất, mở nghề và chống ngoại xâm bảo vệ xóm làng... thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nội dung tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang được thể hiện thông qua đền Cảnh Xanh, đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La, chùa Hang, chùa Phật Lâm, chùa Phúc Lâm, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, các chuông bia, thần phả, ngọc phả... Ngoài ra, mỗi dân tộc cũng có những nét văn hóa riêng trong ứng xử gia đình và xã hội.

 Những giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo cho Tuyên Quang lung linh, huyền ảo, đa sắc màu văn hóa, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành đã tích cực khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội truyền thống; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương. Nhờ đó, nhiều di sản văn hóa của các dân tộc nơi đây đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Lồng Tông, hát Then của dân tộc Tày; Lễ Cấp Sắc, hát Páo Dung của dân tộc Dao; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan; Hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; Lễ hội Đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ; Tri thức dân gian nghệ thuật trang trí  trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Đại Phan của người Sán Dìu…đặc biệt, nghi lễ thực hành "Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuyên Quang cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng nhiều di tích được xếp hạng quốc gia như: thành Tuyên Quang, Đền Hạ,… Đặc biệt, với trí tuệ sáng tạo và đôi tay khéo léo con người xứ Tuyên làm nên một lễ hội đặc sắc là lễ hội Thành Tuyên - điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, quảng bá con người, quê hương Xứ Tuyên đến bạn bè, du khách gần xa được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.  Hiện toàn tỉnh có 2.600 tổ, đội văn nghệ; trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... được duy trì hoạt động thường xuyên. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Với khát vọng xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” là một trong ba khâu đột phá, trong đó gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc là một trong những giải pháp quan trọng. Với chủ trương của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền và cả hệ thống chính trị, chắc chắn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ ngày càng được phát huy góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đưa Tuyên Quang phát triển giàu mạnh, tiến bộ, hạnh phúc.

Nguyễn Văn Đức

Xem tin theo ngày:   / /