Làng Ngòi - Đá Bàn. Nguồn ảnh: Internet
Với ý đồ thôn tính Đông Dương lần thứ hai, tháng 3/1946 thực dân Pháp chia làm 3 cánh quân tiến đánh Lào. Các đơn vị Lào Ítxala dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng thân Xuphanuvông - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ lâm thời đã cùng với các lực lượng Việt kiều sát cánh chống kẻ thù có vũ khí hiện đại. Nhưng để bảo vệ ngai vàng, Quốc vương Lào Xixavang Vông đã bắt tay hợp tác với Pháp. Ngày 10/3/1946, Pháp chiếm thị xã Xavẳnnạkhệt; ngày 24/4/1946, thủ đô Viêngchăn rơi vào tay thực dân Pháp; ngày 13/5/1946, Luổng Phabang thất thủ. Trước tình thế khó khăn, Xứ ủy Ai Lào quyết định rút chính quyền và các đơn vị vũ trang khởi nghĩa ra khỏi các thành phố để bảo toàn lực lượng cách mạng. Phần lớn các lực lượng cách mạng lui về hoạt động trên một số địa bàn dọc vùng biên giới Lào - Việt.
Tháng 11/1949 nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông đã rời căn cứ kháng chiến Sầm Nưa, vượt Trường Sơn sang Việt Nam qua Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình. Cuối tháng 12/1949 từ Ô Chợ Dừa (Hà Nội), Hoàng thân Xuphanuvông lên căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang). Để tạo thuận lợi cho đoàn cán bộ cách mạng Lào hoạt động trong thời gian ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện về cơ sở vật chất. Sau khi cân nhắc mọi điều kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã quyết định chọn xã Mỹ Bằng là nơi xây dựng đại bản doanh cho đoàn cán bộ cách mạng Lào. Nằm ở ngã ba đường nơi giáp ranh của ba tỉnh Tuyên Quang - Yên Bái - Phú Thọ, cửa ngõ phía Tây Bắc của Tuyên Quang, nối liền giữa Tây Bắc và Việt Bắc, xã Mỹ Bằng có vị trí chiến lược cách mạng quan trọng. Từ đây có thể dễ dàng cơ động theo đường bộ đi thị xã Tuyên Quang, đến an toàn khu Sơn Dương, Chiêm Hóa - nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ. Nhân dân nơi đây sớm có truyền thống cách mạng, yêu nước. Từ năm 1943, cơ sở Việt Minh đầu tiên đã được thành lập trên địa bàn xã. Năm 1944, trụ sở Việt Minh được đặt ở động Bạch Xà trên sườn núi Là. Từ cuối tháng 8/1945 đến tháng 6/1949 chính quyền và chi bộ Đảng nơi đây đã được thành lập để lãnh đạo mọi hoạt động của xã.
Tháng 6/1950 Hoàng thân Xuphanuvông cùng đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Siphănđon, Phu Ma và các đồng chí cán bộ, bộ đội cách mạng Lào đã theo đường Hiên đến ở và làm việc tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng. Các đồng chí lãnh đạo ở khu gò Tre, đồi Tơ. Quân và dân Tuyên Quang đã bố trí khu nhà ở của đoàn cán bộ cách mạng Lào như sau:
Khu nhà ở của Hoàng thân Xuphanuvông và người em chú Phu Ma có chiều dài 7m, rộng 4m, gần khu nhà có hội trường chiều dài 15m, rộng 6m và có hệ thống bếp ăn cùng hệ thống giao thông hào sâu 2m, hầm sâu 3m, rộng 2,5m, trong hầm có bàn ghế bằng tre, nứa, chân chôn xuống đất, nóc hầm lát gỗ tròn, đường kính 20cm, hệ thống hào đào quanh nhà Hoàng thân, nối với hội trường, nhà ăn.
Khu ở của đồng chí Cayxỏn Phômvihản có 3 gian, cột gỗ, vách nứa, mái lợp nứa. Nơi ở của đồng chí Cayxỏn Phômvihản cách khu Hoàng thân Xuphanuvông khoảng 200m, nối với nhau bởi tràn ruộng.
Bảo vệ đoàn cán bộ cách mạng Lào có khoảng hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc đại đội Chămpa Sắc của Lào và một tiểu đội bộ đội Việt Nam phối hợp với dân quân, du kích xã Mỹ Bằng được bố trí làm theo kiểu lán trại dã chiến của bộ đội Việt Nam.
Toàn bộ nguyên vật liệu được khai thác tại đại phương, các ngôi nhà được làm trong khu rừng già, dưới tán cây to để đảm bảo an toàn bí mật.
Tại đây, từ ngày 13 đến 15/8/1950, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Ítxala, tới dự Đại hội có hơn 100 đại biểu thay mặt cho nhân dân các bộ tộc Lào. Đại hội được tổ chức trong bối cảnh phong trào cách mạng Lào đã phát triển lớn mạnh, đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo thống nhất, đề ra được đường lối và chính sách, cương lĩnh kháng chiến đúng đắn nhằm mở rộng khối đại đoàn kết các bộ tộc. Đại hội đã bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Lào đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào tự do, Thao Singkapau Chounnamali làm Phó chủ tịch Mặt trận, Phaya Phoumi Vôngvichít làm thư ký Mặt trận. Thông qua chương trình và điều lệ của Mặt trận, ra tuyên ngôn của Đại hội gửi nhân dân Lào và nhân dân thế giới. Tuyên ngôn kêu gọi các bộ tộc Lào, các lực lượng kháng chiến và các đảng phái chính trị có xu hướng tiến bộ ở Lào đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai, đề ra các chủ trương, chính sách về xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, xây dựng chính quyền và căn cứ địa cách mạng, đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến đấu lâu dài nhằm giải phóng đất nước.
Sau khi Đại hội thành công tốt đẹp, để đảm bảo bí mật, an toàn, đoàn cán bộ Lào đã chuyển vào khe núi Nhọn, dưới chân núi Là thuộc thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng vào cuối năm 1950. Đây là một sườn núi nhỏ, có một hang đá lớn và rộng, thông hai đầu, đầu cửa hang dưới rộng hơn được che chắn bởi những phiến đá lớn, càng lên cửa hang càng hẹp dần và thông với khu rừng già, bên trên hang có cây cổ thụ lớn buông rễ phủ xuống hang tạo sự an toàn, bí mật. Trước của hang đá là dòng suối nước trong vắt rất thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Lán trước cửa hang đá dài 4m, rộng 3m, sàn lát gỗ gác lên phiến đá trước hang theo kiểu nhà sàn ken bằng nứa cây, vách bằng phên nứa nong đôi, mái lợp bằng lá đa, phía trước có phên nứa để che mưa nắng, ban ngày được chống lên để lấy ánh sáng, ban đêm sập phên nứa xuống tạo thành cửa.
Trong thời gian hoạt động ở Mỹ Bằng, Hoàng thân Xuphanuvông cùng các cán bộ cách mạng thường xuyên đi thăm hỏi bà con ở xung quanh khu vực doanh trại. Đoàn đã tổ chức ăn tết nguyên đán cổ truyền của Việt Nam cùng Nhân dân thôn Đá Bàn rất vui vẻ (xuân Tân Mão 1951) và đi chúc tết Nhân dân địa phương, mừng tuổi các cháu thiếu nhi ở quanh thôn Đá Bàn. Bà con người Dao Quần trắng ở Đá Bàn rất quý mến Hoàng thân Xuphanuvông và đoàn cán bộ cách mạng Lào. Họ thường xuyên giúp đỡ các vật dụng cần thiết và tặng gạo, bắp, muối... Khi săn bắn được thú rừng hoặc những ngày tết, giỗ chạp đồng bào thường mang rượu, thịt, bún, bánh...biếu, coi Hoàng thân Xuphanuvông và cán bộ như anh em ruột thịt.
Cuối tháng 12/1950, từ Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam đến Đá Bàn để hội đàm với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào về việc xây dựng Đảng Mác-Lênin chân chính ở Lào nhằm đáp ứng sự phát triển lớn mạnh của phong trào đấu tranh cách mạng Lào. Bác đi thăm Hoàng thân, cùng đi có hai cán bộ (gồm có Đinh Đăng Định - cán bộ chụp ảnh và một đồng chí bảo vệ).
Từ Tuyên Quang - Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Neo Lào Ítxala đã chỉ đạo, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia vào các đoàn thể yêu nước: "Hội thanh niên Lào yêu nước", "Hội người Mẹo chống Pháp". Chỉ trong vòng một năm, Mặt trận đã phát triển thêm hàng vạn hội viên, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường thêm vững chắc, mạnh mẽ, làm hậu thuẫn cho Chính phủ kháng chiến Lào. Mặt trận không ngừng được mở rộng, trở thành một lực lượng chính trị to lớn trên cơ sở đoàn kết nhân dân các bộ tộc, các tầng lớp, các lực lượng yêu nước, liên minh với các lực lượng trung lập yêu nước. Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Mặt trận đã tranh thủ được sự ủng hộ của Nhân dân các dân tộc thiểu số Lào Thơng và Lào Xủng ở các vùng nông thôn và núi rừng hẻo lánh. Căn cứ cách mạng mở rộng dần, nhất là ở các vùng Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Lào. Cục diện chiến tranh đã thay đổi cơ bản có lợi cho cách mạng Lào so với tình hình trước năm 1950.
Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của ba nước Lào - Việt Nam - Cămpuchia bước sang giai đoạn mới có những yêu cầu mới, đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách để đưa cách mạng tiến lên. Nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức thiết đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951. Đại hội đã quyết sách nhiều vấn đề lớn, trong đó có việc thành lập ở mỗi nước Lào - Việt Nam - Campuchia một đảng để lãnh đạo cách mạng; thống nhất vấn đề xây dựng Mặt trận thống nhất Việt - Miên – Lào.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt, ngày 11/3/1951, hội nghị liên minh Nhân dân ba nước đã được tổ chức, hội nghị đã thổi luồng gió mới vào phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ba nước Đông Dương. Đây là sự kiện được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao, Người đã khẳng định "Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sự đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thực sự".
Để trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Lào trong giai đoạn phát triển cách mạng mới, sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu Mặt trận toàn quốc Neo Lào Ítxala; tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu và góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào, đoàn cán bộ cách mạng Lào đã rời Mỹ Bằng, Tuyên Quang về nước vào giữa năm 1951. Khi đoàn cán bộ cách mạng Lào về nước, 15 du kích xã Mỹ Bằng đã đưa đoàn đến Nghệ An. Đội du kích có nhiệm vụ gánh đồ dùng, vũ khí, tư trang cho Hoàng thân Xuphanuvông và đồng chí Cayxỏn Phômvihản theo lộ trình từ nhà ông Bàn Kim Thắng đi Nhữ Hán đến Đoan Hùng - Hòa Bình - Nho Quan (Ninh Bình) - Thanh Hóa - Nghệ An. Sau khoảng hai tháng, khi đến địa điểm cuối cùng, đội du kích hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về địa phương.
Di tích Cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn là trang sử hào hùng minh chứng cho mối tình hữu nghị đoàn kết keo sơn của nhân dân hai nước Việt - Lào. Nhận xét về quan hệ chặt chẽ và đặc biệt giữa cách mạng Lào với cách mạng Việt Nam, đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Tổng Bí thư nhân dân Cách mạng Lào đã nhận định trong bài diễn văn chào mừng đại biểu và Chính phủ Việt Nam: Tình hữu nghị Việt - Lào là một viên ngọn quý, một di sản vô giá. Đó là tình hữu nghị, tình đoàn kết anh em giúp đỡ lần nhau trên tinh thần hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa, đồng cam cộng khổ, động viên nhau cùng chiến đấu thắng lợi, là một trong những nhân tố đảm bảo mọi sự thắng lợi của cách mạng Lào.
Nguyễn Văn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lý lịch di tích cách Lào của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.