Nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

Thứ Ba, ngày 30 tháng 8 năm 2022 - 20:09 Đã xem: 4264

Lý luận, phê bình là một thành tố hữu cơ trong đời sống văn học, nghệ thuật; có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật. Lý luận, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật bao giờ cũng đồng hành, tác động tương hỗ lẫn nhau để làm nên tiến trình văn học, nghệ thuật của một dân tộc.

Lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật với chủ đề "Tính hấp dẫn của tác phẩm văn học, nghệ thuật" đã khai mạc tại Hà Nội diễn ra sáng 28-31/10/2021.

VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Sáng tạo văn học, nghệ thuật đi trước, phê bình văn học, nghệ thuật hình thành sau. Mặc dù đi sau sáng tác nhưng phê bình lại mang tính định hướng. Phê bình tuy không phải là ngọn đèn soi đường cho sáng tác nhưng nó là đèn tín hiệu báo nguy giúp chúng ta tránh những sai trái, những thiếu sót, khiếm khuyết trong sáng tác. Nếu chúng ta làm tốt công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thì sẽ có hiệu quả tích cực đối với hoạt động sáng tác và nhận thức của những người thụ hưởng (khán giả, độc giả, thính giả …), góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mĩ và văn hóa cho công chúng. Những bài viết có chất lượng về lý luận, phê bình không chỉ giúp công chúng hiểu sâu hơn về tác giả, tác phẩm trong bối cảnh xã hội, tâm lý và tình cảm... mà còn giúp họ biết được về trường phái, về xu hướng chuyển động của bộ môn thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật mà họ quan tâm.

Ở một góc nhìn khách quan, người sáng tác cũng có thể hiểu rõ hơn công chúng của mình thông qua những người làm lý luận, phê bình. Như vậy, có thể nói, lý luận phê bình tác động đến sáng tác. Sáng tác là cơ sở để lý luận, phê bình tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, hoạt động lý luận, phê bình không thể thiếu để song hành cùng sáng tác.

THỰC TRẠNG CỦA CÔNG TÁC LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG THỜI GIAN QUA

Trong sự nghiệp đổi mới suốt 36 năm qua, dưới tác động của tư tưởng đổi mới, văn học, nghệ thuật đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác lý luận, phê bình. Điều này được ghi nhận trong Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Công tác lý luận văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Tư tưởng văn học, nghệ thuật truyền thống của cha ông đã được quan tâm nghiên cứu. Các thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ XX được đánh giá lại thỏa đáng. Một số phương pháp nghiên cứu văn học, nghệ thuật phi truyền thống được vận dụng, bước đầu đem lại kết quả tốt. Phê bình văn học trong thời kỳ đổi mới có tác động tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo.”.

Bên cạnh những thành tựu, những hạn chế của công tác lý luận văn học, nghệ thuật hiện nay cũng được chỉ rõ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW: “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mĩ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm; văn hóa phê bình bị hạ thấp...”. Nghị quyết số 33/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triện bền vững đất nước” cũng đánh giá: “Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học toàn quốc về chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học nghệ thuật hiện nay” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 5/12/2019 đã nhận định: “...Nhìn vào thực trạng công tác phê bình văn học nghệ thuật thời gian qua, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: So với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang có vẻ trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Trong những bất cập và hạn chế từ lâu chưa được giải quyết thì thực tiễn lại đang xuất hiện những vấn đề mới, phức tạp, khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, múa, điện ảnh, mĩ thuật, nhiếp ảnh... diễn ra từ nhiều năm qua đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả... Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng xuất hiện trong đời sống văn học, nghệ thuật, nhiều khi phê bình còn lúng túng, thiếu nhạy bén chính trị và nghệ thuật, chưa phản ánh kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải. Những biễu hiện đó khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ”.

Trên cơ sở những đánh giá của Đảng trong các nghị quyết và các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, có thể thấy, dù đã đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước đã gần 40 năm nhưng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước sự thiếu hụt trầm trọng - thiếu nền tảng khoa học vững chắc, thiếu tính hệ thống, thiếu một chuẩn mực dẫn đến thiếu các khuynh hướng, trường phái phê bình đúng nghĩa, thiếu tính chiến đấu, thiếu tri âm, tri kỷ giữa sáng tác và phê bình...

Về nguyên nhân của thực trạng trên, qua tìm hiểu, có một số ý kiến cho rằng vấn đề đầu tư cho sáng tạo văn học, nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình chưa được quan tâm đúng mức vì có thực mới vực được đạo như ông cha ta đã nói. Thực trạng phân bổ kinh phí còn phân tán, lãng phí, cào bằng... nên hiệu quả đầu tư còn thấp; hay gần đây là việc giải ngân hỗ trợ rất chậm - khi Thủ tướng ký quyết định đã hơn một năm mà tiền hỗ trợ chưa về đến các hội – cũng là nỗi trăn trở của nhiều văn nghệ sĩ, nhiều nhà lý luận, phê bình. Về vấn đề kinh phí hỗ trợ cho sáng tạo văn học, nghệ thuật trên thực tế cũng có nhiều ý kiến rất đáng suy ngẫm. Đúng là “Tiền bạc không đùa với khách thơ” nhưng nếu chỉ có tiền bạc thì không làm nên tác phẩm. Nhìn xa và rộng về quá khứ có thể thấy rõ điều này. Những tác phẩm nổi tiếng của Lý Bạch, Đỗ Phủ từng viết trong khó khăn, nghèo túng; Balzac viết bộ Tấn trò đời trong tình cảnh triền miên bị thúc nợ. Dostoevsky viết trong sự thiếu thốn và bức bí sau những năm tháng bị tù đày dưới chế độ Nga hoàng nhưng tác phẩm của ông vẫn đủ để giới phê bình thế hệ sau nâng ông lên tầm “người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ XX”. Ở nước ta, thế kỷ XVIII, trong nghèo khó và bất an đã xuất hiện đại thi hào Nguyễn Du; trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ diễn ra ác liệt, gian khổ nhưng nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao đã ra đời, nhiều nhà lý luận, phê bình xuất hiện và để lại ấn tượng sâu sắc, như: Nguyễn Hải Triều, Hoài Thanh, Hoài Chân, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức, Phong Lê, Phương Lựu, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Hạnh, Mai Quốc Liên, Đặng Anh Đào, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn... (văn học); Nguyễn Đình Quang, Tất Thắng... (sân khấu), Nguyễn Quân, Nguyễn Đỗ Bảo... (mĩ thuật)... Như vậy, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng, đời sống kinh tế tuy hết sức quan trọng nhưng cũng không phải là yếu tố quyết định đối với những tác phẩm đỉnh cao về nội dung và nghệ thuật mà phụ thuộc nhiều vào tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ, tức là chủ thể sáng tạo, nói như G. Márquez: “Quyết định sự lớn/ bé của nghệ thuật là tài năng và sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật”. Tác phẩm văn học, nghệ thuật, trong đó có lý luận, phê bình, có giá trị cao là sự kết hợp giữa khát vọng và tài năng, giữa lý tưởng lớn và tài năng nghệ thuật lớn.

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng lý luận, phê bình hiện nay, còn phải kể đến những khó khăn về đội ngũ - khi số lượng các cây bút lý luận phê bình văn học nghệ thuật dám dấn thân vào công việc nhọc nhằn này chưa nhiều, trong khi các cây bút đã khẳng định được uy tín, vị thế trong giới lại thưa vắng dần vì sức khỏe và tuổi tác, lùi dần về “hậu trường” để nghiên cứu, khảo cứu, viết lịch sử văn hóa - văn nghệ, viết chân dung... Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là trong quá trình lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, chúng ta chưa chú trọng đến mối quan hệ có tính tương hỗ giữa lý luận-phê bình-sáng tác trong phối hợp hoạt động nhằm tạo ra sự đồng bộ, phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Quan sát thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật, chúng ta dễ nhận ra chỉ các hội văn học, nghệ thuật Trung ương và hội văn học, nghệ thuật ở hai địa phương lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số tình thành khác có Ban Lý luận, phê bình nên có ưu thế để tổ chức các hoạt động lý luận, phê bình. Còn hội văn học, nghệ thuật ở các địa phương khác, việc thành lập Ban Lý luận, phê bình vẫn chỉ là mong muốn vì thành viên của các hội hầu như không có hoặc có rất ít người làm lý luận, phê bình. Ở các hội có Ban Lý luận, phê bình, hoạt động của Ban này vẫn tập trung vào công tác nghiên cứu lý luận, phê bình và sản phẩm của họ được công bố trên một số báo, tạp chí khoa học chuyên ngành.

Nhìn chung, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về những hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương hiện nay không phải không gặp những khó khăn, hạn chế nhất định, hiện vẫn chỉ mới dừng lại ở nội dung nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, nhận thức của nghệ sĩ, phát hiện những vấn đề mới trong sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn... nên giá trị định hướng hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học nghệ thuật chưa cao; hình thức tổ chức vẫn theo cách làm truyền thống, còn nặng về phong trào, dường như vẫn thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa tạo nên những cuộc trao đổi cởi mở, chưa mở rộng và chưa dẫn dắt được công chúng thưởng thức văn học, nghệ thuật. Thực trạng đó cho thấy đã đến lúc cần đặt vấn đề đổi mới phương thức phối hợp nhằm nâng cao chất lượng của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới.

Quang cảnh hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

MỘT SỐ GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ

Nhằm nâng cao chất lượng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trong tình hình mới, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, các cơ quan chức năng cần tổ chức các hội thảo khoa học để trao đổi, thống nhất quy chế phối hợp trong việc chỉ đạo, định hướng, quản lý, tổ chức hoạt động và xử lý các vấn đề nhạy cảm, quan trọng, phức tạp trong đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay.

Hai là, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi đơn vị xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, phù hợp. Quy chế này vừa đảm bảo nguyên tắc “động” và “mở”, vừa bao gồm định hướng theo quan hệ dọc - quan hệ trên-dưới (Ví dụ: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam); quan hệ ngang - quan hệ trong - ngoài; đồng cấp... (Ví dụ: Ban Sáng tác phối hợp với Ban Lý luận, phê bình; Hội Kiến trúc phối hợp với Hội Mỹ thuật...); chú trọng việc tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy năng lực đội ngũ văn nghệ sĩ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội theo hướng chuyên nghiệp hóa và tạo hành lang pháp lý cho văn học, nghệ thuật phát triển. Chẳng hạn: Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... để xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ.

Ba là, mỗi đơn vị đưa quy chế phối hợp vào kế hoạch công tác, chương trình hành động hằng năm, hằng quý cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của đơn vị, đảm bảo nguyên tắc có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nội dung các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Bốn là, các bộ, ngành chức năng tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Trước mắt, cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; khôi phục và đổi mới cơ chế đào tạo ngành lý luận phê bình; đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại. Tăng cường liên kết đào tạo, cử sinh viên và giảng viên tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài. Rà soát quy hoạch lại nguồn lực, tạo điều kiện nhiều hơn cho đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật về chính sách đãi ngộ, ưu tiên bố trí, sắp xếp việc làm đối với số học viên tốt nghiệp loại khá, giỏi sau khi ra trường.

Năm là, các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương thông qua Ban Lý luận, phê bình có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để tạo điều kiện cho các cây bút lý luận, phê bình vượt qua những rào cản, nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, phản ánh hiện thực sáng tác của hội mình và tránh tình trạng không đồng đều như hiện nay. Mặt khác, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, ngoài trau dồi bản lĩnh, cần phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, không ngừng tích lũy kiến thức và gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn.

Sáu là, về hoạt động lý luận phê bình, Ban Tuyên giáo Trung ương giữ vai trò định hướng, chỉ đạo; đề nghị có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam... nhằm nhanh chóng khắc phục xu hướng đề cao quá mức chức năng giải trí, coi nhẹ chức năng giáo dục. Nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những nội dung tốt trong một số trào lưu lý luận nước ngoài; uốn nắn, phê phán những khuynh hướng giải thiêng các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của dân tộc, của cách mạng.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng thưởng mức A cho tác giả Hữu Thỉnh

Bảy là, ngày 10/9/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ra Quyết định số 81-QĐ/TW thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, đến nay, Hội đồng đã hoạt động được gần 20 năm và có những đóng góp quan trọng trong việc tư vấn giúp phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà,  nhất là trong lĩnh vực lý luận, phê bình. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng được thành lập từ giữa khóa VIII (năm 2014) đến nay. Đề nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa hai cơ quan (Hội đồng và Liên hiệp) để phối hợp, trao đổi, tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

Tám là, ngày 8/6/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 52/CT/TW về “Đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật” đến nay đã được 31 năm. Trước tình hình công tác lý luận, phê bình còn nhiều hạn chế, “chưa theo kịp sáng tác”, cần ban hành chỉ thị mới về đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới. 

 Chín là, kiến nghị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan xem xét việc đưa các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đạt chất lượng cao được nhận tặng thưởng của Ban Bí thư hằng năm do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức xét chọn và tổ chức trao tặng thưởng được tham dự các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật để cổ vũ, khuyến khích, động viên các tác giả viết lý luận, phê bình./.

Theo TS. Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương,

Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương/tuyengiao.vn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 115 | Trang: 1 trên tổng số 12 trang  
Xem tin theo ngày:   / /