Tuyên Quang: chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc trên mạng xã hội

Thứ Hai, ngày 5 tháng 9 năm 2022 - 15:51 Đã xem: 2362

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực…”. Đánh giá đó đã khẳng định công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với tinh thần chủ động và sáng tạo, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác lại các thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu. Theo thống kê, vào thời điểm đó, số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người. Tính đến đầu quý I/2022, theo số liệu thống kê của Digital, Việt Nam có 72,10 triệu thuê bao internet (chiếm 73,2% dân số) và 77 triệu tài khoản mạng xã hội (chiếm 78,1% dân số). Trong đó, mạng xã hội Facebook có khoảng 70 triệu tài khoản, Facebook Messenger có khoảng 54 triệu tài khoản, Youtube có khoảng 62,5 triệu tài khoản, Zalo khoảng 45 triệu tài khoản và có đến 156 triệu thuê bao di động (chiếm 158,6% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet và tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày lên tới 94%.

Tích cực và tiêu cực của mạng xã hội  

Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là “một phần tất yếu” trong cuộc sống của người dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước. Mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người, vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Việt Nam. Các mạng xã hội, nhất là mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, thúc đẩy xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới. Thông qua mạng xã hội, thế giới biết đến Việt Nam hơn như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý, năng động với một kho tàng các giá trị văn hóa phong phú, đầy bản sắc. Ví dụ như tháng 10-2015, Chính phủ đã lập 2 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế - xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Gần đây nhất, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, việc điều hành của Chính phủ, hoạt động của các ban, bộ, ngành thông qua trực tuyến, online, mạng xã hội đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Mạng xã hội cũng đang trở thành công cụ, môi trường “màu mỡ” để tội phạm lợi dụng hoạt động (hiện nay, thường xuyên có khoảng trên 3.000 trang mạng blog, gần 500 trang facebook fanpage, trên 100 trang youtube và gần 10.000 tài khoản mạng xã hội facebook đăng tải hàng trăm ngàn tin, bài có nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước; vu khống, bôi nhọ, xúc phạm các tổ chức, cá nhân các đồng chí lãnh đạo), đây chính là những con sâu, những mầm mống u nhọt mà chúng ta cần tập trung loại bỏ.

Một số kết quả quan trọng trong đấu tranh, phản bác lại các thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, mạng 4G và truyền dẫn cáp quang đã phủ sóng đến 100% các xã. Tổng số thuê bao trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 12/2021 ước đạt trên 721.650 thuê bao; thuê bao internet đạt 106.700 thuê bao; cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tỷ lệ người dân tham gia mạng xã hội cũng gia tăng đáng kể. Bên cạnh các yếu tố tích cực mạng xã hội đem lại, đã xuất hiện một số phần tử bất mãn, cơ hội, lợi dụng mạng xã hội để đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận… tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.          

Tỉnh luôn xác định tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ rất quan trọng. Công việc này được tỉnh triển khai bài bản, hệ thống, nhất quán và đặc biệt là rất quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Điều này thể hiện ở việc tỉnh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo, thống nhất xây dựng Quy chế hoạt động, kế hoạch, chương trình để thực hiện công tác đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm cả trước mắt và đặt cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ một cách thường xuyên, liên tục.

Tỉnh đã xây dựng được một mạng lưới đấu tranh cả trên các loại hình báo chí chính thống cũng như trên mạng xã hội, thể hiện tính toàn diện trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh. Một mặt xây dựng luận cứ để đấu tranh thật sự thuyết phục và hiệu quả, nhất là trên mạng xã hội, với những bài viết ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục để đông đảo tất cả mọi người hiểu sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng. Mặt khác, đấu tranh trực diện với những luận điểm sai trái, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tuyên Quang đã thành lập trang Fanpage "Người Tuyên Quang" trên mạng xã hội Faceboook làm trang thông tin, định hướng dư luận xã hội chính thống trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lan toả thông tin tích cực, định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “phủ xanh thông tin tích cực”. Qua đó, thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thông tin về những tấm gương người tốt, việc tốt, những phong trào hành động cách mạng của các tổ chức chính trị - xã hội, của đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân; các thông tin làm rõ bản chất sự việc, phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các đối tượng cơ hội chính trị, thế lực thù địch đã kịp thời được đăng tải, chia sẻ, lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của dư luận, tạo niềm tin vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Ảnh minh họa: Internet

Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, cần triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, trách nhiệm về cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. 

Đây là giải pháp, đồng thời là yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương và cả hệ thống chính trị cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức rõ cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay là một trong những nhiệm vụ chính trị mang tính cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Đây là cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa tư tưởng vô sản với tư tưởng tư sản, giữa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản với các thế lực thù địch, phản động. Đây đồng thời là cuộc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận, quan điểm của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ những giá trị tư tưởng, lý luận đúng đắn, bảo vệ những thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã dày công xây dựng. 

Hai là, chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên internet, mạng xã hội.

Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu tranh cho các lực lượng.

Thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho cán bộ theo định kỳ, gặp mặt các đồng chí cán bộ nghỉ hưu, nghỉ công tác hàng năm; chủ động trao đổi với các cán bộ có quan điểm chưa thống nhất để cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động.

Ba là, thường xuyên đổi mới phương thức, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, chủ động đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Đây là giải pháp cơ bản nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu thù địch, sai trái của các đối tượng, phần tử xấu trên internet, mạng xã hội. Đa dạng hóa hoạt động đấu tranh theo hướng: thiết lập và sử dụng các tài khoản mạng xã hội, tạo diễn đàn để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền các quan điểm chính thống, định hướng dư luận, phản bác hoặc tiến hành đấu tranh phản bác ngay tại các trang mạng “độc hại”, phản động được đối tượng sử dụng. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học, tính thuyết phục cao. Kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp; giữa xây và chống, trong đó lấy xây là chính; chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả.

Bốn là, tăng cường quản lý, chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách hiệu quả.

Các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ, nghiên cứu sử dụng các giải pháp về công nghệ thông tin để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu, độc trên các trang mạng. Đặc biệt, cần chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ, lọt bí mật của Đảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc phát tán những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Năm là, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong nghiên cứu, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, của Nhà nước khi tham gia mạng xã hội - nhất là Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, các quy định về kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước khi tham gia mạng xã hội; tích cực, chủ động đăng tải, chia sẻ những thông tin trung thực, chính thống lên các nền tảng mạng xã hội, góp thêm tiếng nói và sức nặng cho dòng thông tin chủ lưu của Đảng và Nhà nước, tạo sức mạnh hiệp đồng để áp đảo những luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ và mang tính thù địch, gây rối.

Sáu là, tập trung phát triển thành viên, nhất là trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia cung cấp, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; đồng thời kịp thời ghi nhận, phát hiện những vấn đề, sự việc nổi cộm liên quan đến lĩnh vực, địa bàn để kịp thời kiểm tra xác minh, đề xuất biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng./.

La Hồng Hải

Xem tin theo ngày:   / /