Cách đây gần 4.000 năm, cư dân cổ bước vào giai đoạn hình thành nhà nước sơ khai (nhà nước Văn Lang - Âu Lạc). Qua những di chỉ tìm được có thể phác họa vài nét về tổ chức xã hội và đời sống cư dân cổ trên đất Tuyên Quang.

Trống đồng, tìm thấy năm 2002 ở xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, có niên đại cách đây khoảng 4000 năm
Với các di vật tìm được tại nhiều địa điểm thuộc tỉnh Tuyên Quang, như: Địa điểm làng cổ Bình Ca, làng cổ Bãi Soi, làng cổ Thiện Kế (huyện Sơn Dương); các địa điểm: Đầm Hồng, Ghềnh Ca Nô, Soi Gà (huyện Chiêm Hóa); Minh Hương, Bình Xa (huyện Hàm Yên); thị trấn Na Hang, Thanh Tương (huyện Na Hang); các trống đồng tìm được tại Nhân Lý (huyện Chiêm Hóa), Thiện Kế (huyện Sơn Dương), Xuân Vân (huyện Yên Sơn). Có thể khẳng định cách đây khoảng gần 4.000 năm, cư dân cổ Tuyên Quang bước vào thời đại kim khí và hình thành nhà nước sơ khai.
Trong giai đoạn này đời sống của người Việt cổ trên đất Tuyên Quang dựa chủ yếu vào kinh tế trồng trọt trên nương rẫy, kết hợp với việc mở rộng gieo trồng lúa nước cũng như các cây, củ chịu nước trên bãi bồi ven sông hay trong các thung lũng. Việc chăn nuôi gia súc nhỏ được duy trì ở mức độ nhất định. Cũng như các vùng khác ở miền núi phía Bắc, bên cạnh việc trồng trọt, nền kinh tế tự nhiên dựa trên cơ sở săn bắt, hái lượm vẫn giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt vào những lúc thời tiết không thuận cho sản xuất nông nghiệp.
Việc đánh bắt cá và các loài thủy sinh cũng có vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân cổ Tuyên Quang. Dấu tích của 3 làng cổ: Bình Ca, Bãi Soi, Thiện Kế đều ở sông, suối. Chắc chắn cư dân đã dùng nhiều phương pháp đánh bắt trên các sông, suối quanh khu cư trú của họ. Cư dân thời kỳ này ở Tuyên Quang đã trồng lúa là nguồn lương thực chính, các hoa văn hình bông lúa trên trống đồng Tuyên Quang chứng tỏ đã có cư dân nông nghiệp cổ ở đây.
Sống trên mảnh đất có tiềm năng về khoáng sản, chắc chắn rằng người của thời Hùng Vương ở Tuyên Quang có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác mỏ và luyện kim. Công việc khai mỏ, luyện kim, đúc đồng đòi hỏi phải có trình độ tổ chức và kỹ thuật cao, nhất là đối với những hiện vật phức tạp như đúc trống đồng. Với một trình độ phát triển kỹ thuật và tổ chức như vậy chắc hẳn nghề luyện kim lúc bấy giờ đã trở thành một ngành sản xuất độc lập, tách ra khỏi nông nghiệp. Ngoài nghề luyện kim, các ngành nghề thủ công khác như làm gốm, đồ gỗ, dệt, đan lát, làm đồ trang sức,... cũng khá phát triển.
Bước vào thời đại nhà nước sơ khai, những điểm cư trú của người Tuyên Quang thường cụm lại ở cửa các con ngòi, con suối, nơi đổ ra các sông lớn như sông Lô, sông Gâm, sông Năng và sông Phó Đáy. Với tư liệu hiện có, có thể thấy dấu tích cư trú của cư dân thời Vua Hùng đã hiện diện tại ba làng cổ: Bình Ca, Bãi Soi và Thiện Kế. Chứng tích các làng cổ này với tầng văn hóa rõ rệt cùng với một loạt hiện vật đặc trưng cho cuộc sống hằng ngày của một cư dân định cư lâu dài, cho thấy vùng đất Tuyên Quang đã là nơi có những làng xóm đông đúc. Cuộc sống định cư, quần tụ thành bản làng và dựa vào nền kinh tế nông nghiệp đã tạo ra những tập tục có tính chất cộng đồng. Nhìn chung, lối sống của cư dân cổ Tuyên Quang thời bấy giờ còn thuần hậu, chất phác, đó là một xã hội thanh bình và một xã hội nông nghiệp nguyên sơ, bình lặng.
Qua bộ các di vật, nhất là trống đồng, có thể thấy thời Hùng Vương và An Dương Vương, các tộc người cổ Tuyên Quang đã đoàn kết, cùng chung sức, đồng lòng xây đắp nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc. Họ có những vị thủ lĩnh thực sự sở hữu các trống đồng. Chính các tộc người của Tuyên Quang đã thành lập một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang xưa.
Sự phát triển của nền kinh tế, sự phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp, sự trao đổi sản phẩm và các nguyên liệu giữa các địa phương ngày càng mở rộng dưới thời Hùng Vương đã tạo điều kiện cho việc tăng thêm nguồn của cải xã hội. Ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang, lúc này đã manh nha hình thành tầng lớp quý tộc trong những điều kiện đặc thù của khu vực miền núi. Có thể đã có những thủ lĩnh vùng được sử dụng trống đồng như vùng Thiện Kế, Nhân Lý, Xuân Vân. Những thủ lĩnh đó có thể nằm trong hệ thống chính trị của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc mà sử sách đã nói đến.
Cùng với những thay đổi về vật chất thì đời sống tinh thần cũng ngày càng phong phú hơn. Cho đến nay, những tư liệu về đời sống tinh thần của cư dân cổ Tuyên Quang trong thời đại kim khí thu được chưa nhiều. Nhưng qua những tài liệu khảo cổ học đã có, cũng như qua tài liệu dân tộc học so sánh, có thể khẳng định cư dân Tuyên Quang có chung một văn hóa và trình độ kỹ thuật như cư dân sống ở các vùng miền khác trên đất nước ta. Thời kỳ này, mặc dù đã có sự phân tầng trong xã hội, nhưng chưa diễn ra sâu sắc. Dường như mọi thành viên trong xã hội rất coi trọng lối ứng xử cộng đồng mang tính truyền thống “tắt lửa, tối đèn” có nhau, cùng duy trì và giữ gìn những tập tục, truyền thống tốt đẹp. Những tập tục mà đến tận bây giờ vẫn tồn tại là tục nhuộm răng, ăn trầu và tục xăm mình. Tục lệ ma chay có tầm quan trọng trong cuộc đời con người, người xưa quan niệm cái chết là chấm dứt cuộc sống ở thế giới hiện tại để rồi bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới bên kia, do vậy họ thường chôn theo người chết các đồ thường dùng như rìu, thuổng, dao, giáo…
Vào thời kỳ này, nghệ thuật âm nhạc đã phát triển và có nhiều nhạc cụ khác nhau. Theo phân loại của các nhà nghiên cứu âm nhạc hiện đại: Bộ gõ có trống đồng, trống da, chuông, nhạc, phách; bộ hơi khèn; chuông đồng là loại nhạc cụ tìm được phổ biến trong các địa điểm khảo cổ học thời đại kim khí. Trong sưu tầm đồ đồng Tuyên Quang, ngoài những chiếc trống đồng ra cũng đã tìm thấy chuông đồng. Bên cạnh các loại nhạc khí bằng đồng còn có loại mõ bằng gỗ, tre như một số đồng bào miền núi phía Bắc còn đang sử dụng. Trong đời sống thường ngày của người Tuyên Quang thời kỳ nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc, hoạt động nghệ thuật để lại nhiều dấu tích nhất là nghệ thuật tạo hình bao gồm nghệ thuật tạo hoa văn và nghệ thuật tạo tượng, mà hình người trên cán dao găm Chiêm Hóa có dáng hình toát lên vẻ uy quyền: Tượng đàn ông thì cởi trần đóng khố có dải rủ xuống hai bên với hoa văn xương cá đẹp mắt, tượng đàn bà mặc váy và áo chẽn ngắn với hoa văn hình tròn chấm giữa, gạch ngắn. Họ vấn tóc cao, có mũ vải được khắc họa hoa văn và hình chóp trên đầu.
Qua những tài liệu hiện có về thời đại kim khí tại Tuyên Quang, chúng ta có thể tự hào về mảnh đất thiêng liêng này của Tổ quốc có lịch sử lâu đời. Sự có mặt của những nền văn hóa thời đại kim khí ở Tuyên Quang còn mang một ý nghĩa nữa, đó là với nền văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân Đông Sơn, người Tuyên Quang cổ đã có cơ sở vững chắc để hình thành bản sắc tộc người miền núi, không chựu đồng hóa trong đêm dài Bắc thuộc để rồi khi bước vào thời kỳ độc lập tự chủ sau đó, cư dân Tuyên Quang bừng sức sống mới, góp phần xây đắp văn minh Lý, Trần, Lê, Nguyễn cùng các tộc người ở các vùng miền khác của đất nước trong dòng chảy văn minh chung của nhân loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiền và sơ sử Tuyên Quang, Nxb khoa học xã hội, năm 2009.
Nguyễn Đức