Nhân dân Nam bộ nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu
Đầu tháng 9/1858, thực dân Pháp nổ súng tiến công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với họa xâm lăng từ một nước phương Tây, hoàn toàn chiếm ưu thế về tiềm lực kinh tế, quân sự, nhất là về vũ khí, công nghệ quân sự. Với truyền thống yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất, đông đảo Nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đã anh dũng chiến đấu [1].
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo Nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi. 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào. 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân. 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Từ tháng 4/1945, cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân. 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Sau đó, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm nhiều địa bàn quan trọng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. 12/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phải, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc.”.
Trước hành động ngang ngược của kẻ thù, Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Bộ đã tiến hành họp khẩn cấp để bàn việc thực hiện chủ trương kháng chiến của Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên, tiến ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới, Ngày Nam Bộ kháng chiến.
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác với thực dân Pháp. Các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, điện, nước bị cắt, chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Đông đảo quần chúng Nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần độc lập hay là chết, quyết tâm thực hiện lời thề: thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Theo sát tình hình, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời, sát sao đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngay trong ngày 23/9/1945, sau khi nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ và cử một phái đoàn của Trung ương vào Nam Bộ để cùng Xứ ủy chỉ đạo cuộc kháng chiến. Ngày 26/9/1945, qua Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào Nam Bộ bức thông điệp thể hiện niềm tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Đáp lại lời kêu gọi của Người, quân và dân Nam Bộ sục sôi ý chí chiến đấu, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với kẻ thù xâm lược. Quân và dân Sài Gòn đã thực hiện chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”, hình thành 4 mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng Nhân dân canh gác các ngả đường. Quân và dân ta đã thực hiện các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Từ đó, làm cho thực dân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn, thiếu quân, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm.
Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã gây chấn động cả nước, thanh niên miền Bắc và miền Trung tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc, phong trào Nam tiến xuất hiện khắp nơi. Đến tháng 10/1945, cuộc kháng chiến lan rộng khắp Nam Bộ và mở ra đến các tỉnh Nam Trung Bộ. Đâu đâu, giặc Pháp cũng vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và dân ta. Ngày 25/10/1945, Xứ ủy Nam Bộ họp hội nghị mở rộng, quyết định đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa kháng chiến và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh. Phải khẳng định rằng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam Bộ có ý nghĩa rất to lớn, đã ngăn chặn một bước xâm lược của thực dân Pháp, giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời, tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta. Để ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc” [2].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, ra sức xây dựng, củng cố thực lực, quân và dân ta không ngừng phát triển thế tiến công, càng đánh càng mạnh, giành những thắng lợi to lớn. Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), làm nên thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
77 năm qua đi nhưng tinh thần chiến đấu quật cường của ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tinh thần kháng chiến dũng cảm, xả thân của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.
Ngày Nam Bộ kháng chiến là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc mà cuộc kháng chiến Nam Bộ đã khắc ghi những nét son chói lọi vào lịch sử. Mong ước các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau vẫn thấm đượm tinh thần ấy, tự hào đi đôi với trách nhiệm, sẽ giỏi giang hơn thế hệ cha anh, nguyện phấn đấu học tập vươn lên, sống có ích cho gia đình, xã hội./.
Đỗ Hồng Thanh
1. Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Hai cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, trang tin điện tử TP. Hồ Chí Minh, 31/8/2021.
2. Đỗ Thoa, Mãi xứng đáng là Thành đồng Tổ quốc, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trên mạng internet, Ban Tuyên giáo Trung ương, 23/09/2021.