Tên gọi và địa giới hành chính cấp tỉnh của Tuyên Quang qua các thời kỳ lịch sử

Thứ Bảy, ngày 8 tháng 10 năm 2022 - 11:08 Đã xem: 15545

Qua các di vật khảo cổ học, bước đầu có thể khẳng định vùng đất Tuyên Quang được hình thành từ rất sớm. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Tuyên Quang có các tên gọi khác nhau và địa giới hành chính cũng có nhiều thay đổi để phù hợp từng giai đoạn phát triển.

Một nét Thành Tuyên

Theo truyền thuyết và các sử liệu cũ, thời Hùng Vương và Âu Lạc, cả nước được chia thành 15 bộ Lạc Việt, lúc bấy giờ Tuyên Quang thuộc bộ Vũ Định. Thời kỳ Bắc thuộc, theo sách Cương mục thì thời kì nhà Tần thuộc quận Nam Hải, thời kỳ nhà Hán thuộc quận Giao Chỉ, thời kì nhà Đường thuộc Giao Châu.

Tên gọi Tuyên Quang xuất hiện sớm nhất trong cổ thư ở nước ta là trong sách "An Nam chí lược" của Lê Tắc, soạn trong khoảng thời gian từ năm 1285, ở Quyển I phần Quận ấp, mục Núi sông đã chép: "Quy Hóa giang thủy tự Vân Nam; Tuyên Quang giang thủy tự Đặc Ma đạo, Đà giang thủy tự Chàng Long, nhân danh yên" (có nghĩa: nước sông Quy Hóa từ Vân Nam chảy về, nước sông Tuyên Quang từ đạo Đặc Ma chảy về, nước sông Đà từ nguồn Chàng Long chảy về, nhân đó mà gọi tên như vậy).

Vào thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), Tuyên Quang có tên hành chính là Lộ. Bài minh văn khắc trên quả chuông ở Bạch Hạc Thông Thánh quán (Việt Trì, Phú Thọ), đúc năm Đại Khánh thứ 8, thời vua Trần Minh Tông (năm 1321) nói về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của quân dân nhà Trần như sau: "Cuối đông năm Giáp Thân (1284), giặc Bắc đến xâm lược. Bấy giờ Khai Quốc Vương Trần Nhật Duật trấn thủ ở các lộ Tuyên Quang cắt tóc thề nguyền với thần linh đem hết tấm lòng trung để báo ơn vua...". Cũng theo Lê Quý Đôn, đến cuối thời Trần, Tuyên Quang còn có tên là Trấn: Triều đình nhà Trần đặt 3 trấn Tuyên Quang, Quy Hóa và Đà Giang, cử chức Phiêu kỵ Đại tướng quân để thống lĩnh.

Tuy nhiên, từ thời Trần trở về trước nền hành chính của Tuyên Quang chưa ổn định. Bấy giờ, Tuyên Quang là vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số, họ lấy Châu làm lãnh thổ của riêng mình, ít phụ thuộc hoặc phụ thuộc lỏng lẻo vào triều đình phong kiến trung ương, như: Châu Đô Kim (nay là Hàm Yên), Châu Vị Long (nay là Chiêm Hóa)... do đó, các vị vua triều Lý-Trần đều sử dụng chính sách "viễn nhu" để bảo đảm an ninh biên cương và giữ khối đoàn kết dân tộc.

Khi giặc Minh đô hộ nước ta đã đặt nền hành chính Tuyên Quang vào Phủ gọi là Phủ Tuyên Quang sau đó đổi là châu Tuyên Hóa. Phủ Tuyên Quang lúc này có 9 huyện là: Đương Đạo, Văn Yên, Bình Nguyên, Để Giang, Thu Vật, Đại Man, Khoáng, Dương, Ất. Đứng đầu phủ là tri phủ, đứng đầu huyện là tri huyện.       

Thời Lê sơ (thế kỷ XV-XVI), để tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với các miền biên viễn, năm 1466, Lê Thánh Tông chia nước ta thành 12 đạo, Tuyên Quang trở thành một Đạo thừa tuyên gồm một phủ (Yên Bình), một huyện (Phúc Yên) và 5 châu: Thu Vật, Lục Yên, Đại Man, Bình Nguyên, Bảo Lạc. Đứng đầu Đạo thừa tuyên là Đô ty, dưới là Thừa ty. Đến năm Hồng Đức 21 (1490), Đạo Thừa Tuyên đổi tên là xứ Tuyên Quang, tên phủ, huyện không thay đổi.

Khi Gia Quốc Công Vũ Văn Mật có công phò Lê đánh Mạc được giao giữ đất Đại Đồng. Thời kỳ này Tuyên Quang hợp với Hưng Hóa (Phú Thọ và Vĩnh Phúc) gọi là dinh An Tây (có tài liệu gọi là dinh An Bắc). Dòng họ Vũ thế tập 5 đời tổng cộng 142 năm kể từ Vũ Văn Mật (1527)  đến Vũ Công Đắc (1669). Năm Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), nhà Lê bỏ quyền thế tập của dòng họ Vũ, chia vùng nay thành 2 trấn: Tuyên Quang và Hưng Hóa, đặt lưu quan cai trị như trước.

Đầu triều Nguyễn (thế kỷ XIX), Gia Long năm thứ nhất (1802) đặt xứ Tuyên Quang, tên gọi các đơn vị hành chính xứ Tuyên Quang cơ bản vẫn giữ như thời Lê. Tháng 11/1831, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính trong cả nước, chia định địa hạt từ Quảng trị trở ra thành 18 tỉnh, Tuyên Quang trở thành một tỉnh dưới quyền kiểm soát của Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên. Khi được chia định, địa giới Tuyên Quang bao gồm 01 phủ (Yên Bình), 01 huyện (Hàm Yên), 05 châu: Vị Xuyên, Đại Man, Lục Yên, Bảo Lạc và Thu Vật. Cương vực địa lý tỉnh Tuyên Quang thời điểm này được các sử gia chép lại như sau: phía Bắc giáp Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), phía Nam giáp phủ Đoan Hùng, phía Tây giáp tỉnh Hưng Hóa, phía đông giáp tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên. Toàn bộ vùng đất Tuyên Quang lúc bấy giờ chính là các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Nà Hang (Na Hang), Lâm Bình, thành phố Tuyên Quang của tỉnh Tuyên Quang; huyện Yên Bình, huyện Lục Yên của tỉnh Yên Bái; huyện Bảo Lạc, huyện Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng và toàn bộ tỉnh Hà Giang ngày nay.

Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), tách phủ Yên Bình thành 2 phủ là Yên Bình và Yên Ninh, đến tháng 02/1843 lại đổi thành phủ Tường Yên. Phủ Tường Yên gồm các châu Đại Man, Bảo Lạc và huyện Vị Xuyên. Cuối thế kỉ XIX, Tuyên Quang là một tỉnh, gồm 02 phủ (Yên Bình, Tường Yên); 05 huyện (Hàm Yên, Vĩnh Tuy, Vĩnh Điện, Để Định, Vị Xuyên); 03 châu (Lục Yên, Thu Châu, Chiêm Hóa); 43 tổng; 250 xã, thôn. Cuối thế kỷ XIX, tỉnh Tuyên Quang có  02 phủ (Yên Bình, Tương Yên), 03 châu (Thu Châu, Lục Yên, Chiêm Hóa); 05 huyện (Hàm Yên, Vĩnh Tuy, Vĩnh Điện, Để Định, Vị Xuyên); 43 tổng; 255 xã, phố, phường, vạn, trại.

 Thời Pháp thuộc, tổ chức hành chính tỉnh Tuyên Quang có nhiều biến đổi. Ngày 20/8/1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập 4 đạo quan binh ở Bắc kỳ, đã phân chia địa giới tỉnh Tuyên Quang vào các đạo Quan binh 2 và đạo Quan binh 3. Ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập lại tỉnh Tuyên Quang, địa bàn gồm: 01 Phủ (Yên Bình), 02 huyện (Hàm Yên, Sơn Dương) và châu Chiêm Hóa tách ra từ tiểu quân khu Tuyên Quang (đạo quan binh 3). Địa bàn tỉnh Tuyên Quang tái lập ngày 11/4/1900 hẹp hơn nhiều so với địa bàn trấn, xứ, tỉnh Tuyên Quang các đời Trần-Lê-Nguyễn và rộng hơn địa bàn tỉnh Tuyên Quang ngày nay. Ngày 29/8/1916, Thống xứ Bắc Kỳ ra nghị định kể từ ngày 01/01/1917 thành lập tại tỉnh Tuyên Quang 1 huyện mới là huyện Yên Sơn. Đến năm 1944, tỉnh Tuyên Quang được kiện toàn gồm 02 phủ (Yên Bình, Yên Sơn); 03 châu (Chiêm Hóa, Sơn Dương, Hàm Yên); 38 tổng; 270 xã. Ngày 15/11/1944 Thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định tách châu Chiêm Hóa làm 2 vùng riêng biệt là Chiêm Hóa và Nà Hang (Na Hang). Đến cuối năm 1944 tỉnh Tuyên Quang gồm 2 phủ (Yên Sơn, Yên Bình); 04 châu (Chiêm Hóa, Nà Hang (Na Hang), Sơn Dương và Hàm Yên); 38 tổng và 270 xã.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang có nhiều sự thay đổi về đơn vị hành chính: Tháng 01/1950 tỉnh Tuyên Quang có 6 huyện, 132 xã gồm: Chiêm Hóa, Hàm Yên, Nà Hang (Na Hang), Sơn Dương, Yên Bình, Yên Sơn. Từ 01/7/1956 Tuyên Quang thuộc Khu Việt Bắc, huyện Yên Bình sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Tỉnh Tuyên Quang còn thị xã Tuyên Quang (tháng 5/1946 thị xã Tuyên Quang được thành lập, tháng 5/1948 thì giải thể, đến tháng 2/1955 tái lập lại) và 5 huyện: Chiêm Hóa, Hàm Yên, Nà Hang (Na Hang), Sơn Dương, Yên Sơn. Nghị quyết Quốc hội khóa V, kỳ họp thứ 2 ngày 27/12/1975 với nội dung bỏ cấp khu, hợp tỉnh đã hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang thành tỉnh Hà Tuyên. Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ngày 12/8/1991 chia Hà Tuyên thành 2 tỉnh lấy tên là Tuyên Quang và Hà Giang. Tỉnh Tuyên Quang gồm 6 đơn vị hành chính là thị xã Tuyên Quang, 05 huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Nà Hang (Na Hang), Sơn Dương, Yên Sơn. Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 02/7/2010 của Chính phủ thành lập thành phố Tuyên Quang. Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 28/11/2011 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nà Hang (Na Hang) và huyện Chiêm Hóa để thành lập huyện Lâm Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Đến nay tỉnh Tuyên Quang có 01 thành phố (Tuyên Quang) và 6 huyện (Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Lâm Bình, Na Hang); 138 xã, phường, thị trấn.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Địa chí tỉnh Tuyên Quang, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2014.

 2. Kỷ yếu Hội thảo khoa học xác định thời điểm thành lập tỉnh Tuyên Quang, Nxb Khoa học xã hội, năm 2012.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Xem tin theo ngày:   / /