Tự phê bình và phê bình

Thứ Sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2022 - 13:58 Đã xem: 862

Cách đây 75 năm, ngày 07 tháng 10 năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc".

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Cuốn sách là một tác phẩm có giá trị rất lớn, trong đó tự phê bình và phê bình là nội dung xuyên suốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tự phê bình và phê bình là “trị bệnh cứu người”, "mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt” vì sự tiến bộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và vững mạnh của Đảng ta.

Mục đích của phê bình để giúp nhau sửa chữa, cùng nhau tiến bộ; để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Người nêu những căn bệnh mà mỗi cán bộ, đảng viên phải khắc phục, sửa chữa (chủ quan, hẹp hòi, ba hoa…). Bác chỉ rõ, khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình thì giống như uống thuốc. Nếu sợ phê bình thì cũng khác nào là có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Như vậy thì bệnh tình lại càng nặng thêm. Do vậy, đối với đảng viên, cán bộ mà “nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”. Khuyết điểm có nhiều thứ, cũng như bệnh có nhiều loại nhưng theo Bác thì có ba chứng bệnh rất nguy hiểm, đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Trong ba bệnh nguy hiểm này thì căn bệnh thứ ba, thói ba hoa, được Bác tách riêng và đặt ở phần sau cùng của tác phẩm với “đơn thuốc” chữa thói ba hoa. Còn hai căn bệnh do khiếm khuyết về tư tưởng và khiếm khuyết về quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng được Bác thẳng thắn chỉ rõ như một yêu cầu cấp bách trong Sửa đổi lối làm việc. Bác khẳng định: “bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ hẹp hòi… mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt hàng ngày. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Để phê bình và tự phê bình đạt được kết quả mong muốn, điều có ý nghĩa then chốt là phải “phê bình cho đúng”.Người chỉ ra cách phê bình: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm… Chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”. Người xác định đối tượng cần phê bình là công việc chứ không phải phê người. Những việc làm sai trái, những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, khuyết điểm dù đó là của cá nhân hay của tổ chức, dù đó là đảng viên bình thường hay là cán bộ cấp cao đều phải được phê bình một cách kiên quyết và “phải lập tức sửa chữa. Theo Bác, có thái độ đúng với những khuyết điểm, thiếu sót và tìm ra phương pháp phê bình thích hợp là điểm có ý nghĩa mấu chốt trong nâng cao hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Người cũng nghiêm khắc lên án thái độ, cách xử lý không đúng đắn trước những khuyết điểm, thiếu sót của tổ chức đảng hay cán bộ, đảng viên. Khi có người mắc phải sai lầm, khuyết điểm, thái độ đúng của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng là không “đao to búa lớn”, vội vàng chụp mũ cho họ là “cơ hội chủ nghĩa” rồi đi đến cảnh cáo “khai trừ” một cách áp đặt. Muốn cho họ thành tâm sửa chữa, phải tiến hành giải thích rõ ràng, làm cho họ tự nhận thấy sai sót của mình để vui lòng sửa chữa. Để làm được điều đó, “phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”.

 Đối với tổ chức Đảng, Bác nhấn mạnh “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” . Điều đó là hết sức cần thiết nhưng như thế không có nghĩa là không giải quyết bằng con đường tổ chức. Người chỉ ra lỗi lầm cũng có “việc nhỏ, việc to”, nếu không dùng biện pháp xử phạt thì kỷ luật của Đảng cũng trở nên lỏng lẻo, và điều đó cũng là sự mở đường cho bọn cố ý dễ dàng phá hoại Đảng ta. Do vậy, để tự phê bình và phê bình được tăng thêm hiệu quả thì phải kết hợp chặt chẽ với biện pháp tổ chức, soi xét kỹ lưỡng từng trường hợp để có hình thức xử lý thích hợp.

Thời gian qua công tác tự phê bình và phê bình còn một số hạn chế. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm nguyên tắc của Đảng, mất đoàn kết nội bộ, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để chủ nghĩa cá nhân thực dụng, ích kỷ, vụ lợi phát triển. Khi tự phê bình và phê bình, có đảng viên còn thiếu tự giác, thiếu thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm, đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan…

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Ban chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã xác định: kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhóm nhiệm vụ giải pháp đầu tiên được xác định là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình,… thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý".

Tự phê bình và phê bình được nêu trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" vẫn luôn là kim chỉ nam để từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập và làm theo. Thực hành đúng việc tự phê bình và phê bình là trách nhiệm của tất cả cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh./.

* Chú thích: Các nội dung trong ngoặc kép được trích trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Ban chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

N.T.B.H

 

Xem tin theo ngày:   / /