Chủ động phòng, chống thiên tai

Thứ Tư, ngày 12 tháng 10 năm 2022 - 15:49 Đã xem: 1938

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Quốc gia, các tháng 9, 10 và 11 dương lịch là các tháng có số lượng các cơn bão đổ bộ vào đất liền thuộc địa phận Việt Nam nhiều nhất. Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, với vị trí địa lý đặc thù, địa hình phức tạp, thiên nhiên đã dành cho đất nước ta nhiều ưu đãi, song những thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét…cũng thường xuyên đe dọa, không những gây tổn thất về kinh tế, cơ sở vật chất, giảm tăng trưởng kinh tế, mà còn trực tiếp cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, đẩy người dân vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thậm chí phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói thiên tai cũng là kẻ thù của người dân, vì: “Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm”. Vì vậy, chỉ đạo việc phòng, chống thiên tai là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.

Phòng, chống thiên tai là cuộc chiến đấu bền bỉ, liên tục và luôn luôn phải thường trực, sẵn sàng, vì vậy trong sự bộn bề gian nan của cuộc kháng chiến trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn nhắc nhở về việc chống lũ, chống hạn, không được chủ quan. Người luôn chú trọng việc phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, thường xuyên khuyến khích phong trào đắp đê, xây kè, chống hạn và dành thời gian đi kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, sửa chữa các công trình thủy nông, đê điều, tham gia động viên tát nước chống hạn, chống úng với bà con nông dân và cán bộ các địa phương. Nói vậy và làm vậy, trong ngày 10/01/1946, về thăm thị xã Hưng Yên, Người nói: “Chúng tôi xuống đây có hai việc: Trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê... Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ, mà là của tất cả mọi quốc dân..., cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp vào việc đắp đê…Chỉ có cách đó là có thể ngăn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa”. Còn nhớ, chiều ngày 28/4/1946, Bác Hồ đã cùng phái đoàn đi kiểm tra đê Đìa (Hưng Nhân - nay thuộc xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Lễ đón Bác được địa phương tổ chức ngay trên mặt đê vừa đắp. Sau khi xem toàn bộ đoạn đê mới, Bác nhắc nhở nhân dân làm kỹ hơn nữa, hai đầu giáp nhau làm theo kiểu bậc thang rồi đầm cho kỹ để phòng khi đất khô bờ đê sẽ bị nứt. Bác thăm hỏi các gia đình: Ở đầu nguồn nước có ai bị nước cuốn không, hiện nay đã có nhà ở chưa... Sau đó, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL, thành lập tại Bắc Bộ “Ủy ban Trung ương hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều”, đồng thời giao cho Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ đứng đầu và tổ chức, thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước đối với một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu liên quan đến thủy lợi và trị thủy của một quốc gia nông nghiệp. Và không chỉ có vậy, trong các bài viết “Gửi đồng bào các tỉnh có đê” (15/6/1950); “Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê” (02/6/1952); “Ra sức giữ đê phòng lụt” (16/7/1953); “Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão” (10/6/1957), v.v… một mặt, Người chỉ rõ tác hại của thiên tai, mặt khác, thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, động viên nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các tỉnh có hệ thống đê điều nói riêng khi bão lụt, thì việc chống bão, chống lụt phải đặt lên trên hết, hãy quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai, để giảm thiểu lũ lụt, hạn hán.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, thiên tai là một loại giặc, giặc “tiên phong của đói và nghèo”, nên phòng, chống thiên tai còn phải chống nạn phá rừng, là tăng cường trồng cây gây rừng, vì “nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”, v.v... Theo Người, một phương án phòng, chống thiên tai tốt không chỉ là sản phẩm trí tuệ của người cán bộ chuyên trách, đó còn là sự vận dụng kinh nghiệm thực tiễn, nên nó sẽ hoàn chỉnh hơn, hiệu quả hơn khi tranh thủ được ý kiến của nhân dân, được bàn bạc kĩ với nhân dân trước khi thực hiện, vì thế “cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân”, đồng thời “cán bộ phải đi xuống cơ sở cùng với đồng bào bàn kế hoạch và thực hiện kế hoạch phòng và chống lụt, bão cho tốt”.

Tỉnh Tuyên Quang với đặc điểm địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối, có nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các sông. Tiềm ẩm rất nhiều nguy cơ bị lũ ống, lũ quét khi mùa mưa đến.

Từ quan điểm, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng chống thiên tai, có thể thấy rằng: không chỉ coi thiên tai là một loại giặc, không chỉ quyết tâm phòng, chống và chiến thắng loại giặc đó, chúng ta còn phải biết vận dụng, kết hợp những tri thức của khoa học kỹ thuật tiên tiến với những kinh nghiệm về dự báo, về phòng chống lũ, lụt và tiến hành chống thiên tai khi mùa mưa, lũ, bão đến. Đồng thời trong mọi thời điểm, đều phải hết sức tránh lối làm việc kinh nghiệm chủ nghĩa và trong công tác phòng chống thiên tai, phải “phòng” hơn “chống’, “phải tính toán cho tốt”, và làm cho tinh thần chủ động đó thấm sâu trong mọi cấp, mọi ngành và trong quần chúng nhân dân.

Bác Hồ đã đi xa, nhưng những lời nói giản dị của Người về các giải pháp phòng, chống thiên tai sẽ mãi là kim chỉ nam cho các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các thế hệ mai sau học tập và làm theo. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự góp sức của toàn dân, toàn quân, sự quan tâm của toàn xã hội, công tác phòng, chống thiên tai thời gian tới sẽ được triển khai hiệu quả, hạn chế tối đa những tác động của thiên tai đến cuộc sống, tính mạng của người dân; góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Hồng Hải

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 293 | Trang: 1 trên tổng số 30 trang  
Xem tin theo ngày:   / /