Một số chiến thắng quân sự trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947

Thứ Năm, ngày 13 tháng 10 năm 2022 - 07:54 Đã xem: 11042

Cách đây 75 năm, thực hiện âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng; tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc; bịt kín, khóa chặt biên giới Việt-Trung loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài đối với cách mạng Việt Nam, thực dân Pháp mở một cuộc tiến công lớn, đánh thẳng vào trung tâm Việt Bắc. Với nhiều chiến thắng quân sự quan trọng, quân và dân Tuyên Quang đã anh dũng chiến đấu góp phần làm thất bại hoàn toàn cuộc tấn công của thực dân Pháp.

Đầu tháng 10-1947, thực dân Pháp huy động 12.000 quân tinh nhuệ gồm 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới với 800 xe cơ giới, 2 phi đội gồm 40 máy bay ném bom trinh sát, vận tải, 1 thủy đội gồm 40 tàu chiến, ca nô và một số đơn vị lính thủy đánh bộ thực hiện tiến công lên căn cứ Việt Bắc.

Ngày 7-10-1947, Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn và một số địa điểm xung quanh thị xã, mở đầu cuộc tấn công lên căn cứ Việt Bắc. Cùng ngày, cánh quân đường bộ xuất phát từ Lạng Sơn theo đường số 4 lên Cao Bằng rồi theo đường số 3 tiến xuống Bắc Kạn bao vây Việt Bắc từ phía Đông và phía Bắc. Ngày 9-10-1947, quân Pháp do trung tá Com muy nan (Commumal) chỉ huy từ Hà Nội ngược sông Hồng, sông Lô lên Tuyên Quang, bao vây Việt Bắc từ phía Tây. Lực lượng dự bị của địch nằm sẵn ở các sân bay sẵn sàng nhảy dù xuống những nơi phát hiện có cơ quan đầu não của ta. Với lực lượng hùng hậu như vậy, Bộ chỉ huy Pháp cho đây là “một kế hoạch hoàn hảo, có khả năng đi đến kết thúc chiến tranh”.

Trên cơ sở phán đoán âm mưu, hành động và tài liệu thu được của thực dân Pháp, ngày 8-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi chiến sỹ, đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Ngày 15-10-1947, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”, chỉ rõ “cuộc tiến công này của địch không tỏ ra chúng mạnh, có đủ sức đánh ta khắp các mặt trận, mà tỏ ra chúng yếu, phải mạo hiểm”. Do đó “chúng ta không sợ địch, nhưng cũng không được khinh địch”; “Chúng ta phải trấn tĩnh đối phó, vẫn phải giữ gìn chủ lực, nhưng đồng thời cũng phải nhè vào những chỗ yếu của địch mà đánh những trận vang dội, những trận tiêu diệt để nâng cao tinh thần bộ đội và củng cố lòng tin tưởng của nhân dân ở tiền đồ cuộc kháng chiến”; “phải làm cho địch thiệt hại nặng để không thể gượng dậy lại được sau chiến dịch mùa đông này”.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm “đánh mạnh ở mặt sông Lô và đường số 4, phá vận tải, tiếp tế của địch, phục kích các đường rừng, đánh đường sông; tại căn cứ của địch luôn quấy rối, đối với vị trí nhỏ bao vây tiêu diệt. Các Khu đánh mạnh để phối hợp với Việt Bắc”. Chỉ thị của Trung ương Đảng và quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch đã trở thành khẩu hiệu hành động và ý chí chiến đấu của quân và dân ta trên toàn chiến trường Việt Bắc.

Ở vị trí trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, nhiệm vụ của quân và dân Tuyên Quang là phối hợp với bộ đội chủ lực bẻ gẫy gọng kìm phía Tây bao vây Việt Bắc của Pháp, bảo toàn cơ quan đầu não chỉ đạo cuộc kháng chiến, giữ vững cơ sở vật chất của vùng An toàn khu tiến tới đánh bại cuộc tấn công Việt Bắc của thực dân Pháp. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Tuyên Quang đã tham gia đánh 48 trận (trong đó có 30 trận độc lập tác chiến, 18 trận phối hợp với bộ đội chủ lực), góp phần tiêu diệt 1.300 tên địch, bắn cháy và bắn hỏng 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay, với những chiến thắng lớn nhỏ từ Bình Ca đến Km 7, Bản Heng, Vật Nhèo, Hòn Lau... Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã góp phần bẻ gãy gọng kìm phía Tây của Pháp, bảo toàn được căn cứ địa Việt Bắc, Bác Hồ cùng các cơ quan đầu não kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947.

* Chiến thắng Bình Ca

Ngày 11-10-1947, dưới sự yểm trợ của máy bay, đoàn tàu địch do Com muy nan chỉ huy, sau khi vượt qua Việt Trì, Đoan Hùng vượt sông Lô tiến về Tuyên Quang. Ngày 12-10-1947, đoàn tàu chiến của quân Pháp đi vào khu vực Bình Ca (Tuyên Quang). Tổ Bazooka của tiểu đội trưởng Trần Chất do trung đội trưởng Vũ Phương chỉ huy nổ súng chính xác vào thân chiếc LCVP (là tàu đổ bộ loại nhỏ dài 11m, chở được một trung đội trang bị 01 pháo 20mm, trọng tải tối đa 15 tấn). Tàu của Pháp nghiêng ngả bốc cháy, đó là chiếc tàu địch đầu tiên bị bắn chìm trên sông Lô.

Ngày 13-10-1947, khi Pháp đổ bộ lên bến Bình Ca, lọt vào trận địa phục kích, quân ta giật bom mìn, đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn tiêu diệt 20 lính Pháp, đánh lui cuộc đổ bộ của quân Pháp vào Bình Ca. Chiến thắng Bình Ca là chiến thắng mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô, bước đầu bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía Tây của An toàn khu.

* Chiến thắng Bản Heng

Sau thất bại ở Bình Ca, ngày 13-10-1947, quân Pháp tiến công đánh chiếm thị xã Tuyên Quang. Để thực hiện hội quân theo kế hoạch, Com muy nan chia quân thành 2 mũi: một theo đường số 2 tiến sâu vào Việt Bắc; một theo đường sông Lô, sông Gâm tiến lên Đài Thị.

Sáng 15-10-1947, Pháp cho một đại đội vượt ghềnh Quýt tiến lên Yên Lĩnh, nhưng vừa ra khỏi thị xã, Pháp đã lọt vào trận địa phục kích, bộ đội Trung đoàn 112 đã tiêu diệt và làm bị thương gần 30 tên. Pháp buộc phải rút về đền Thượng. Mặc dù vậy, từ ngày 15-10 đến ngày 18-10-1947, theo đường bộ và đường thủy (sông Lô, sông Gâm), một bộ phận quân Pháp vẫn tới được Chiêm Hóa, định lên Đài Thị để hội quân với cánh quân phía đông từ Bắc Kạn kéo xuống.

Trước tình hình đó, sau khi để lại một bộ phận tiếp tục đánh địch xung quanh thị xã Tuyên Quang, một bộ phận lớn lực lượng của ta được điều gấp lên Chiêm Hóa phối hợp cùng Tiểu đoàn 718 (thuộc Trung đoàn 112) từ Hà Giang về đánh chặn địch. Ngày 18-10-1947, quân và dân Tuyên Quang đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực phục kích chặn đánh mũi tiến quân của quân Pháp từ huyện lỵ Chiêm Hóa để tiến lên Đài Thị tại Bản Heng. Cuộc chiến đấu diễn ra từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa ngày 18-10-1947, quân ta tiêu diệt 38 tên Pháp, trong đó có một đại úy và làm bị thương 42 tên khác, thu được một số vũ khí và trang bị quân sự của địch.

Trận phục kích tại Bản Heng diễn ra nhanh gọn và giành thắng lợi giòn giã, góp phần bẻ gẫy cuộc hành quân phía Tây của thực dân Pháp.

* Chiến thắng Km 7

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch hội quân ở Đài Thị, theo đường bộ quân Pháp điều quân từ thị xã Tuyên Quang lên ứng cứu cho Chiêm Hóa. Nắm được kế hoạch hành quân của địch, đội tự vệ Thành Tuyên đã bố trí một trận địa phục kích bằng địa lôi tại Km số 7 trên quốc lộ 2 đường Tuyên Quang - Hà Giang. Đây là tuyến đường độc đạo, quanh co, có nhiều dốc và cầu cống; hai bên đường là rừng cây rậm rạp gồm tre, nứa, giang và nhiều cây cổ thụ. Từ Km 6 lên là một con dốc khá cao. Trận địa phục kích được bố trí ở đoạn tiếp theo, ngay 2 bên vệ đường quốc lộ 2, đây là đoạn đường thẳng, phía trước có cầu Km 7. Theo kế hoạch phục kích, đội tự vệ Thành Tuyên đã vận chuyển 4 quả bom loại 100 kg tới làm địa lôi ở đoạn Km 7, mỗi quả địa lôi được chôn cách nhau 100m, bán kính sát thương của mỗi quả là 50m. Tham gia đánh địa lôi gồm 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Chi trực tiếp chỉ huy, mỗi đồng chí được trang bị 1 khẩu súng trường.

Di tích Quốc gia Chiến thắng Km số 7

Sáng 22-10-1947, 500 quân Pháp do tên quan tư Lơgiốt chỉ huy có khoảng 50 con lừa, ngựa chở theo vũ khí đạn dược và lương thực, thực phẩm từ thị xã Tuyên Quang hành quân lên Chiêm Hóa. Đến Km 6, vì cầu bị đánh sập, chúng phải lội qua suối. Khoảng 9 giờ 30 phút, lúc này sương sớm đã tan, quân địch đi đến cây cầu đã bị đánh sập, từng tên một phải dò dẫm đi qua cây cầu. Chớp thời cơ, đội tự vệ Tuyên Quang đã phục kích địch, tiêu diệt ngay 72 lính Pháp, làm chết hơn hai chục lừa ngựa, thu 1 đại liên, 1 súng cối và nhiều quân trang, quân dụng khác. Trên đường tháo chạy về thị xã, Pháp lại bị bộ đội thuộc Tiểu đoàn 508 phục kích ở Km 5 tiêu diệt gần 30 tên.

Chiến thắng ở Km 7 đã gây cho Pháp nỗi kinh hoàng. Quân Pháp hết sức kinh sợ, chúng gọi trận phục kích này bằng cái tên: “Tiếng nổ của hoả ngục”.

* Chiến thắng Vật Nhèo

Ở mặt trận sông Lô, mặc dù bị chặn đánh ở nhiều nơi, nhưng ngày 19-10-1947 cánh quân thủy của Pháp cũng tiến được vào huyện lỵ Chiêm Hóa. Tại Chiêm Hóa, Pháp liên tiếp bị quân ta tập kích, phục kích. Bị chậm 7 ngày so với dự kiến mà cánh quân hướng đông của Beaufre từ Bắc Kạn xuống vẫn chưa gặp được cánh quân hướng Tây. Cả hai gọng kìm của cuộc hành quân không khép lại được. Bị khốn quẫn giữa rừng núi Việt Bắc, cánh quân Com muy nan hầu như mất sức chiến đấu, tính kế rút lui.

Ngày 01-11-1947, quân Pháp từ Đầm Hồng gồm 2 ca nô, có lực lượng hộ tống trên bờ theo sông Gâm rút về Chiêm Hóa. Đoán được ý đồ của Pháp, ta phục kích tại Vật Nhèo (thuộc xã Ngọc Hội). Khi cánh quân bộ của Pháp tới nơi, ta chặn đánh quyết liệt, chúng buộc phải bỏ đường cái, men theo bờ sông Gâm để về thị trấn Chiêm Hóa. Cánh quân thuỷ của địch cũng bị chặn đánh quyết liệt, cả 2 ca nô đều bị bắn cháy. Kết quả, trong trận này ta tiêu diệt gần 200 lính Pháp, phá hủy 2 ca nô, thu 2 đại liên, 2 khẩu 30 ly và hàng trăm súng các loại khác.

Chiến thắng ở Vật Nhèo đẩy quân Pháp ở Chiêm Hóa lâm vào tình thế bị mắc kẹt: tổ chức chiếm đóng thì bị cô lập, không có lương thực tiếp tế, còn tiếp tục hành quân thì bị đánh ở mọi nơi, mọi lúc, tinh thần binh lính hoang mang, mệt mỏi.

* Chiến thắng Khe Lau

Từ ngày 3-11-1947, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Chiêm Hóa về thị xã Tuyên Quang bằng cả đường thủy lẫn đường bộ. Bộ đội Trung đoàn 112 cắt rừng vượt về Yên Nguyên phối hợp cùng dân quân, du kích địa phương lập một trận địa phục kích từ chân đèo Gà tới tận cầu Cả. Pháo binh được điều gấp từ Yên Bình về bố trí phục kích tàu chiến địch ở Hòn Lau (điểm hợp lưu giữa sông Lô và sông Gâm).

16 giờ ngày 4-11-1947, cánh quân bộ của Pháp lọt vào trận địa phục kích của ta tại cầu Cả, gần 100 lính Pháp bị ta tiêu diệt tại chỗ. Một số kéo ra đóng tại chợ Bợ, một số khác chạy tắt qua Bắc Nhũng xuống ca nô về Tuyên Quang. Đêm 7-11-1947, quân ta dùng súng cối và trung liên tập kích địch tại chợ Bợ. Sáng 8-11-1947, toán quân này rút về tới Km 24 (đường Tuyên Quang - Hà Giang) thì bị ta phục kích phải bỏ đường quốc lộ cắt rừng mà đi và mãi tới ngày 15-11-1947 mới về tới Lang Quán (Yên Sơn). Tại đây, Pháp lại bị đánh, bị tiêu hao nặng, phải rút chạy dọc theo đường sông Lô và ngày 19-11-1947 mới về tới thị xã Tuyên Quang.

14 giờ ngày 10-11-1947, đoàn tàu của địch gồm 2 chiếc LCT, 1 ca nô chở 200 lính Âu - Phi từ Chiêm Hóa chạy về tới Hòn Lau. Pháo binh của ta dồn dập nhả đạn. Cả 2 chiếc LCT của địch đều bị trúng đạn, bốc cháy. Chiếc ca nô địch tháo chạy nhưng cũng bị trúng đạn. Lính Pháp chạy lên bờ liền bị dân quân, du kích nổ súng tiêu diệt. Phần lớn quân Pháp bị thiệt mạng.

Di tích Chiến thắng Khe Lau (Ảnh: Internet)

Trận Khe Lau diễn ra hơn một giờ đồng hồ, đã tiêu diệt trên 200 tên lính địch, bắn chìm hai tầu chiến, 1 ca nô. Chiến thắng Khe Lau, được đánh giá là một trong mười trận đánh lớn trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947.

Không thực hiện âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và khóa chặt biên giới Việt - Trung, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Việt Bắc, trong quá trình rút chạy chúng bị quân ta trận đánh tiêu hao nhiều sinh lực. Giữa tháng 12-1947, Tuyên Quang sạch bóng quân xâm lược.

Di tích Chiến thắng Cầu Cả 

Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, giữ vững căn cứ địa kháng chiến của cả nước. Mặt khác, chiến thắng này còn làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài, đưa cuộc kháng chiến của Nhân dân ta bước sang giai đoạn mới. Trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947,  bằng sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, quân và dân Tuyên Quang góp phần quan trọng bẻ gẫy gọng kìm phía Tây, làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp khi tấn công lên Việt Bắc. Đặc biệt, với chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947 đã làm cục diện chiến tranh thay đổi hoàn toàn, quân ta đã từ thế bị động đối phó chuyển sang chủ động tiến công trên hầu khắp các chiến trường, mở đầu là chiến dịch biên giới năm 1950 và kết thúc bằng chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2000.

2. “Tuyên Quang với chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947 (Kỷ yếu Hội thảo khoa học)”, xuất bản năm 2017.

Xem tin theo ngày:   / /