Bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí cần theo sát thực tiễn

Thứ Hai, ngày 17 tháng 10 năm 2022 - 08:14 Đã xem: 2678

Sau 15 năm thực hiện Quyết định số 75-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí” (Quyết định 75), bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không theo kịp sự phát triển của đời sống báo chí và không đồng bộ với các văn bản mới được ban hành. Do đó, cần có một văn bản mới thay thế, điều chỉnh để phù hợp hơn trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo đơn vị báo chí, xuất bản ngày 13/4/2022.

KHÔNG CÒN THỰC SỰ PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH THỰC TẾ

Nhìn lại công tác tuyên truyền trên báo chí cả nước, bên cạnh những điểm tích cực, không ít cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cũng còn có những hạn chế, tồn tại trong hoạt động như để xảy ra tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, việc chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là đối với các tạp chí điện tử trực thuộc các Hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vẫn còn là vấn đề gây dư luận xấu trong xã hội và báo giới; sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản trong công tác báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời.

Một số cơ quan báo chí có những vi phạm nghiêm trọng, đã được nhắc nhở, phê bình, đề nghị cơ quan chủ quản làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan nhưng còn chưa quyết liệt chấn chỉnh, xử lý kỷ luật hoặc xử lý không nghiêm; một số đơn vị chưa nắm chắc các quy định để chỉ đạo, định hướng, quản lý cơ quan báo chí trực thuộc; chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chưa làm tốt công tác tư tưởng dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp trong cơ quan báo chí; vẫn để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; không kiểm tra, giám sát sinh hoạt Đảng, cá biệt có cơ quan chủ quản can thiệp trái quy định vào hoạt động của cơ quan báo chí; quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí của một số cơ quan chủ quản chưa bảo đảm đúng quy định...

Có thể nói, hiếm có một lĩnh vực trong đời sống xã hội nào có sự thay đổi nhanh như báo chí xét ở ba cấp độ: Một là, số lượng, quy mô các tờ báo tăng nhanh. Sau Luật Báo chí 2016, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo luật đã được cấp phép hàng loạt báo, tạp chí. Hai là, công nghệ làm báo và cơ chế tài chính thay đổi nhanh chóng. Trước năm 2007, đa số chỉ có loại hình báo in và hoạt động theo cơ chế bao cấp thì nay số lượng các loại hình báo chí phát triển đa dạng, phong phú với phương thức tác nghiệp, tổ chức sản xuất tin bài theo hướng hiện đại. Cùng với đó là cơ chế tài chính ngoài bao cấp còn có loại hình tự chủ một phần và tự chủ tài chính hoàn toàn. Ba là, do quy mô, số lượng và phương thức, tổ chức cơ quan báo chí thay đổi dẫn đến đòi hỏi có thay đổi đối với tiêu chí, tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm của nhân sự lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Những thay đổi nhanh chóng của đời sống báo chí dẫn đến một số hệ lụy: Một là, xu hướng "báo hóa" các tạp chỉ điện tử, trang thông tin điện tử; "thương mại hóa" báo chí, hoạt động như cơ quan kinh doanh, đặt lợi nhuận lên đầu mà xem nhẹ chức năng tuyên truyền. Hai là, xu hướng "tư nhân hóa" báo chí, núp bóng các tổ chức cơ quan báo chí để trục lợi. Ba là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí cũng không theo kịp sự phát triển dẫn đến công tác cán bộ, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn, đề bạt và bổ nhiệm chưa đúng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bốn là, các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý Nhà nước về báo chí cũng chưa theo kịp sự phát triển...

Về nguyên nhân khách quan, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thực tiễn đời sống báo chí đã làm cho quy định pháp luật về báo chí và pháp luật có liên quan chưa theo kịp với thực tế, nhiều hành vi mới phát sinh, nhiều loại hình truyền thông mới ra đời, khiến cho công tác chỉ đạo, quản lý báo chí gặp nhiều khó khăn. Về nguyên nhân chủ quan, Quyết định 75 đã có những điểm, những nội dung không còn thực sự phù hợp với tình hình thực tế vì sự vận động của đời sống báo chí đòi hỏi việc sửa, bổ sung Quyết định 75 mới cho phù hợp với những văn bản mới của Đảng và Nhà nước.

Thứ nhất, Quyết định 75 được ban hành dựa trên các căn cứ như: Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 4/7 /2007 của Bộ Chính trị về việc phân cấp quản lí cán bộ; Luật Báo chí ngày 28/12/1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999; Nghị định số 51/2002/NĐ-CP/26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Bảo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; Pháp lệnh cán bộ, công chức… Thực tế hiện nay, các văn bản quy định trên đã được thay thế bởi các văn bản khác của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Nhà nước như Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Luật Báo chí năm 2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019... Một số văn bản căn cứ để thực hiện Quyết định số 75 không có hiệu lực thực hiện nữa, dẫn đến bản thân Quyết định 75 cũng không còn hiệu lực, do đó cần ban hành văn bản mới phù hợp với những tiêu chuẩn, tiêu chí mới trong tình hình hiện nay.

Đối với quy định về bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí, Luật Báo chí năm 2016 chỉ yêu cầu hiệp y giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trong việc bổ nhiệm cấp trưởng (tổng biên tập, tổng giám đốc). Còn Quyết định 75 yêu cầu hiệp y giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trong việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí (tổng biên tập, tổng giám đốc, phó tổng biên tập, phó tổng giám đốc), dẫn đến tình trạng không thống nhất trong việc bổ nhiệm cấp phó ở một số cơ quan báo chí. Đây cũng là điểm cần nghiên cứu, thống nhất quy định về nội dung này.

Ngoài ra, đối với việc xử phạt, khen thưởng, kỷ luật, thực tế có một số lãnh đạo cơ quan báo chí trong quá trình triển khai nhiệm vụ, vì thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành, hạn chế trong thực hiện các quy định về công tác Đảng và quản lý kinh tế báo chí... dẫn đến hậu quả bị kỷ luật, cảnh cáo về công tác Đảng hoặc bị kỷ luật vì vi phạm quản lý tài chính, chứ không phải kỷ luật về nghiệp vụ, công tác chuyên môn báo chí.

Thứ hai, về độ tuổi bổ nhiệm lần đầu lãnh đạo cơ quan báo chí, Quyết định số 75 quy định cụ thể về độ tuổi bổ nhiệm: Bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi với nam và không quá 50 tuổi với nữ. Tuy nhiên, qua rà soát thì nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí Trung ương và địa phương sau sắp xếp, quy hoạch (Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025) có độ tuổi bổ nhiệm lần đầu không đáp ứng được các quy định này. Do đó, việc lựa chọn, bổ nhiệm các nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí đặc thù sau sắp xếp, sáp nhập phải đáp ứng các yêu cầu về độ tuổi theo Quyết định 75 cũng gặp khó khăn, khiến các cơ quan báo chí này cũng bị chậm tiến độ theo Đề án sáp nhập cơ quan báo chí của các địa phương và chưa được cấp phép hoạt động.

Thứ ba, về trình độ lý luận chính trị và các tiêu chuẩn bằng cấp khác, Quyết định 75 quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm. Tuy nhiên, tại các cơ quan báo chí hiện nay còn có nhiều đồng chí lãnh đạo chưa được đào tạo để đáp ứng đủ tiêu chuẩn trình độ, bằng cấp này. Do đó, có cơ quan quản lý báo chí chưa cấp giấy phép hoạt động vì đang rà soát và có ý kiến đối với việc bổ nhiệm người đứng đầu, điều này làm chậm tiến độ thực hiện Đề án quy hoạch báo chí của một số bộ, ngành, hội nghề nghiệp và các địa phương.

Thứ tư, về việc bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan báo chí của tổ chức tôn giáo, Quyết định 75 không có điều khoản quy định khác đối với các cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại 2 cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo là Báo Công giáo và Dân tộc thuộc Ủy ban đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Giác Ngộ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Do yếu tố đặc thù tôn giáo nên lãnh đạo các cơ quan báo chí này không đáp ứng một số tiêu chuẩn theo Quyết định 75. Do vậy, khi các tổ chức tôn giáo quản lý 2 tờ báo này làm thủ tục xin bổ nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo thì Thành phố Hồ Chí Minh phải đề nghị cơ quan chủ quản gửi hồ sơ lên các cơ quan chức năng ở Trung ương để thẩm định và làm quy trình bổ nhiệm, mất nhiều thời gian.

Với những vấn đề trên, cần thiết phải ban hành một văn bản mới thay thế Quyết định 75, trong đó áp dụng các quy định mới nhất của Đảng và Nhà nước trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí.

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG CHO VĂN BẢN MỚI

Từ thực tiễn nêu trên, Quyết định 75 cần được thay thế bằng một văn bản mới với quan điểm, nguyên tắc sau:

Một là, phải áp dụng các nguyên tắc theo những quy định mới nhất của Đảng và Nhà nước trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ trên cơ sở các nguyên tắc căn bản “Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp và toàn diện công tác báo chí, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với báo chí” và nhất là nội dung trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Phải luôn luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí và truyền thông; Cần nhận thức đầy đủ hơn và đúng đắn về vai trò to lớn, ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của báo chí, truyền thông đối với xã hội và sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Cần thường xuyên chăm lo phát triển hệ thống báo chí, truyền thông một cách khoa học, hợp lý, đồng bộ, hiện đại đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Cần đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí, truyền thông”.

Hai là, các điều quy định phải phù hợp, tương thích với Luật Báo chí năm 2016, các nghị định, thông tư hướng dẫn của Bộ Thông tin Truyền thông và các quy định khác của pháp luật.

Ba là, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của văn bản, tính đến những thuộc tính, đối tượng mới như người chịu trách nhiệm các trang tin điện tử của các bộ, ban, ngành và các địa phương.

Đặc biệt, văn bản mới phải cập nhật xu thế thời đại, ngoài các tiêu chí chính trị, bản lĩnh, kinh nghiệm... cần bổ sung đến khả năng làm báo hiện đại, kỹ năng làm báo mới, nhận diện vấn đề nhanh trong bối cảnh công nghệ 4.0. Bên cạnh kế thừa những giá trị của Quyết định số 75 cần bổ sung các tiêu chuẩn mới, phù hợp với các vị trí chức danh mà trong hai nhóm đối tượng mà Quyết định 75 chưa cụ thể. Thứ nhất, nhóm lãnh đạo các tờ báo, tạp chí ở nhóm nghiên cứu khoa học, bổ sung các tiêu chí học hàm, học vị (vì thực tế ở một số tờ tạp chí điện tử hiện nay, một số nhân sự chức danh chủ chốt được bổ nhiệm không có đề tài nghiên cứu, không phải là nhà khoa học). Thứ hai, quy định mức trần độ tuổi quản lý đối với nhóm các tờ báo thuộc các tổ chức  xã hội – nghề nghiệp, phải đảm bảo độ tuổi lao động, không thể có cơ chế làm ”tổng biên tập” suốt đời (phải quy định độ tuổi lao động của các chức danh chủ chốt để tính đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm) và không chấp nhận các tờ báo thuộc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp mà không có chi bộ Đảng, phải có tổ chức Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát...

Cần đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương tham dự Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII)_Ảnh: TTXVN

Bốn là, giao trách nhiệm cụ thể cho Ban Tuyên giáo các địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện văn bản mới. Ngoài ra, khi thực hiện việc tham mưu nội dung văn bản mới thay thế Quyết định 75, cần sửa đổi, thay thế, bổ sung một số điều, khoản của quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí như:

Bổ sung: Khoản 3, Điều 2: Chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, phóng viên cơ quan báo chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp tốt và có năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Bổ sung: Khoản 1, Điều 3: “Cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương” thành “Cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý báo chí ở Trung ương và địa phương”.

Điều 4 khoản 1 “Trách nhiệm”, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí trong công tác cán bộ như quy hoạch, đào tạo, thực hiện các quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật.

Điều 5 khoản 2 “Người đứng đầu cơ quan báo chí”, đề nghị bỏ Điểm a vì nội dung này không liên quan đến công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí. Thay vào đó cần nêu rõ vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc chỉ đạo, phối hợp cùng tập thể trong chủ trương quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ thuộc quyền

Điều 6 “Tiêu chuẩn bổ nhiệm” và Điều 7 “Điều kiện bổ nhiệm”: cần có các quy định riêng đối với các cơ quan báo chí đặc thù như khoa học, tôn giáo, cựu chiến binh…

Điều 10: Bổ sung: Lãnh đạo cơ quan báo chí yếu kém trong quản lý kinh tế báo chí, không đảm bảo nguồn thu tài chính cho hoạt động chuyên môn, không đảm bảo lương, nhuận bút cho cán bộ phóng viên, để nợ lương, nhuận bút, bảo hiểm xã hội kéo dài…; Vi phạm trong thực hiện chính sách quản lý tài chính, lương, bảo hiểm xã hội của cơ quan kéo dài; Không đảm bảo đời sống, thu nhập cho cán bộ, phóng viên dẫn đến để cán bộ, phóng viên vi phạm pháp luật...

Điều 12 khoản 1 “Xử lý vi phạm”, đề nghị thay thế các quy định có trích dẫn “Luật Báo chí, Nghị định 51/2002/NĐ-CP, Nghị định 56/2006/NĐ-CP” bằng các quy định mới nhất của Đảng và Nhà nước về xử lý vi phạm lãnh đạo cơ quan báo chí.

Điều 17 “Điều kiện miễn nhiệm”, đề nghị thay thế các quy định có trích dẫn “Luật Báo chí” bằng các quy định mới nhất của Đảng và Nhà nước về miễn nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí./.

Thời gian qua, Quyết định 75 đã góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; giúp cho sự phối hợp giữa ban, bộ, ngành và các hội hoạt động hiệu quả hơn, là cơ sở để các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện công tác cán bộ, nhất là trong quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí. Tuy nhiên, so với thực tiễn hiện nay, Quyết định 75 cần được thay thế bằng một văn bản mới với những quan điểm, nguyên tắc xác định.

Theo Phạm Quý Trọng/tuyengiao.vn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Xem tin theo ngày:   / /