
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Để nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nói chung, phát triển đội ngũ trí thức nói riêng, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm ban hành và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đã ban hành, như: Nghị quyết số 47/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 về chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ; Nghị quyết số 34/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 về cơ chế chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao và khuyến khích sinh viên cho Trường Đại học Tân Trào; Nghị quyết 09/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học, giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 Quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ; Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học giai đoạn 2017-2021 ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của Hội đồng nhân dân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND ngày 22/10/2007 về cơ chế hỗ trợ thu hút cán bộ khoa học - công nghệ về tỉnh công tác và cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, tham mưu, đề xuất giải quyết các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và trí thức trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhiều văn bản điều chỉnh, văn bản mới được ban hành, đồng thời bãi bỏ những chế độ, chính sách không còn hiệu lực, không phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Tỉnh luôn thực hiện đầy đủ các chính sách bảo đảm để trí thức được hưởng đầy đủ quyền lợi về vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình; động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ, năng lực và sức khỏe đã hết tuổi lao động để hoạt động trong các hội nghề nghiệp; quan tâm suy tôn các danh hiệu cao quý đối với các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích cống hiến, đóng góp trong quá trình công tác. Việc thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đã tạo động lực thúc đẩy cán bộ, trí thức say mê nghiên cứu, học tập góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức của tỉnh không ngừng lớn mạnh về số lượng, nâng cao về chất lượng, có mặt ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học - nghệ thuật... đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước. Toàn tỉnh hiện có 17.805 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (tăng 9.831 người so với năm 2008); trong đó, về trình độ chuyên môn: Tiến sĩ tăng 110 người, thạc sĩ tăng 1.289 người; đại học tăng 8.368 người; trí thức trẻ dưới 30 tuổi có 3.524 người, chiếm 19,8%, trí thức từ 30-50 tuổi có 11.306 người, chiếm 63,5%; trí thức trên 50 tuổi có 2.975 người, chiếm 16,7%; trí thức là nữ có 8.176 người, chiếm 45,9%; trí thức là người dân tộc thiểu số có 7.314 người, chiếm 41,1%; trí thức là đảng viên có 14815 người, chiếm 83,2%; có 151 trí thức được Nhà nước phong tặng các danh hiệu: 02 thầy thuốc nhân dân, 72 thầy thuốc ưu tú, 70 nhà giáo ưu tú, 07 nghệ sỹ ưu tú.
Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh vẫn còn có những vấn đề đặt ra trong thực tế, cụ thể: Cơ cấu đội ngũ trí thức của tỉnh phát triển chưa đồng đều, thiếu hợp lý về ngành nghề, tỷ lệ trí thức ở các ngành: Kỹ thuật và công nghệ, kiến trúc và xây dựng, kinh doanh và quản lý, khoa học tự nhiên còn thấp. Trí thức là giáo sư, phó giáo sư còn ít; thiếu chuyên gia đầu ngành và các nhà khoa học giỏi; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa nhiều; chưa có công trình nghiên cứu khoa học mang tính đột phá trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh; số lượng đề tài, dự án khoa học được nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất và đời sống chưa nhiều.
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển, trong thời gian tới, tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, và hệ thống chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức coi đây là nhiệm vụ quan trọng, từ đó tập hợp và phát huy khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và chương trình, đề án về xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh, trên cơ sở đó bổ sung giải pháp hiệu quả, phù hợp để đạt được các mục tiêu đề ra; chú trọng triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức và công tác đào tạo đội ngũ trí thức phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế của địa phương, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Xây dựng kế hoạch phát triển trí thức, trong đó chú trọng đào tạo nguồn lực cán bộ có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, phát triển trí thức một số ngành, lĩnh vực đặc thù (công nghệ thông tin, kỹ thuật và công nghệ, kiến trúc và xây dựng, kinh doanh và quản lý, khoa học tự nhiên); đào tạo đội ngũ trí thức phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ba là, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn với sử dụng đội ngũ trí thức theo vị trí, việc làm và chức danh nghề nghiệp, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu chức danh và vị trí việc làm; quan tâm bố trí, sử dụng, phát huy năng lực, sở trường của trí thức trẻ, tài năng, được đào tạo bài bản.
Bốn là, quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để trí thức phát huy năng lực sáng tạo. Tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đã ban hành; đồng thời đánh giá để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức; có cơ chế đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh phù hợp đối với từng đối tượng, nhất là trí thức có các công trình nghiên cứu được công bố, áp dụng hiệu quả trong thực tế, trí thức có các bằng sáng chế, giải pháp được công nhận, trí thức tiêu biểu trong hoạt động công vụ, ngành giáo dục, ngành y tế... Ban hành và thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, mở rộng doanh nghiệp nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Năm là, ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, tạo lập môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu để khuyến khích trí thức phát huy tối đa và toàn diện tài năng, trí tuệ, khả năng sáng tạo, cống hiến cho công việc; kích thích sự tham gia của lực lượng trí thức trẻ, đội ngũ kế cận vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục…; thu hút trí thức có trình độ cao về tỉnh công tác. Mở rộng, tăng cường trao đổi, hợp tác với trí thức trong nước, khu vực và trên thế giới.
Phan Thanh Bình