Phản bác quan điểm thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Thứ Sáu, ngày 21 tháng 10 năm 2022 - 16:43 Đã xem: 2892

Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”(1) Quá trình xây dựng xã hội mới đó là một sự nghiệp lâu dài, khó khăn, phức tạp, nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả to lớn, đặc biệt trong hơn 35 thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Ảnh minh họa. Tất Thắng

Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tuyên truyền luận điệu: "Chủ nghĩa xã hội là sai lầm lịch sử", "Chủ nghĩa xã hội đã cáo chung","Chủ nghĩa xã hội là ảo tưởng không thực hiện được". Đặc biệt, từ khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chúng cho rằng: "Việt Nam lựa chọn và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, đi theo vết xe đổ của Liên Xô"... và còn kêu gọi Đảng ta từ bỏ con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, vì trái với quy luật phát triển của xã hội loài người, là ảo tưởng và yêu cầu đất nước phải phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.

 Thực chất của những luận điệu sai trái trên đã bộc lộ mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, vì những lý do sau:

Trước hết, chủ nghĩa xã hội không phải là ảo tưởng mà là một chế độ tốt đẹp, là khát vọng không chỉ của Nhân dân Việt Nam mà còn của Nhân dân thế giới, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. CNXH hiện thực ra đời sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy các dân tộc, các quốc gia làm cách mạng, đánh đổ áp bức bóc lột, giành độc lập dân tộc và đi lên CNXH. Những thành tựu vĩ đại đó là một trong những nguyên nhân buộc chủ nghĩa tư bản hiện đại phải tìm cách điều chỉnh chế độ sở hữu, thực hiện an sinh xã hội để tiếp tục tồn tại. Từ sau năm 1991, chủ nghĩa xã hội hiện thực không còn tồn tại như một hệ thống, nhưng sức sống và giá trị thời đại của nó vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay như: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cu Ba. Mặc dù con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn khó khăn, song theo quy luật tất yếu, loài người sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Hai là, Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta, Nhân dân ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không phải là sai lầm, "đi theo vết xe đổ của Liên Xô" như các thế lực thù địch truyên truyền. Sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình đã lạc hậu, không đồng nghĩa với sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội với tính cách là một mục tiêu, một chế độ xã hội tốt đẹp mà Nhân dân hướng tới. Sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đã chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội vẫn là một xã hội tốt đẹp nhất trong lịch sử nhân loại.

Ba là, thực tế Việt Nam cho thấy: trước đổi mới (1986) nước ta là nước nghèo, bị chiến tranh tán phá nặng nề, kinh tế chậm phát triển. Nhờ kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế nước ta đã phát triển liên tục trong hơn 35 năm qua với tốc độ trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP năm 2020 đạt 342,7 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD, ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%, từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đời sống văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội đều có bước phát triển đáng kể. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có chỉ số HDI cao của thế giới, so với các nước có cùng trình độ phát triển. Trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 gây những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội đất nước, Việt Nam vẫn nỗ lực vươn lên, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đó là hiện thực sinh động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mọi người hãy cảnh giác trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, quyết tâm cùng nhau xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và toàn thể Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

Nguyễn Nhung

  1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, NXBCTQGST, Hà Nội, 2022, tr 24, 31

Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, NXB lý luận chính trị, Hà Nội, 2022

Xem tin theo ngày:   / /