Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Son Dương luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng.

Ảnh minh họa: Tất Thắng
Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh thực hiện với nhiều hình thức phong phú: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống loa truyền thanh cơ sở; qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; bản tin của một số cơ quan, đơn vị; qua các hội nghị, hội thảo… Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo các cơ quan, phòng ban chuyên môn thuộc huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức phối hợp vừa triển khai tuyên truyền vừa rà soát nhu cầu học nghề, đăng ký chỉ tiêu đào tạo nghề của lao động nông thôn trên địa bàn quản lý. Sau khi xác định được nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, triển khai các lớp đào tạo nghề bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tiễn, từ đào tạo tập trung đến tổ chức ngay tại các xã, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất, lý thuyết với thực hành. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho 4.644 lao động nông thôn, sau học nghề, hầu hết lao động nông thôn đã tìm được việc làm phù hợp; một số lao động nông thôn đã áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật đã học để phát triển kinh tế, tự tạo việc làm nâng cao thu nhập với những mô hình như: Mô hình hộ gia đình phát triển chăn nuôi ở các xã: Ninh Lai, Đại Phú, Đông Thọ, Tam Đa, Phúc Ứng, Tuân Lộ...mô hình trồng nấm sạch ở xã Bình Yên; Đồng Quý, Chi Thiết, Sầm Dương, Thượng Ấm... mô hình phát triển cây công nghiệp ở xã Minh Thanh, Phúc Ứng, Vân Sơn, Văn Phú….từ đó, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.
Giai đoạn từ năm 2011-2022, bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện với tổng kinh phí đầu tư: 12.000.000.000 đồng. Hằng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện ban hành chương trình, giáo trình bảo đảm theo kế hoạch được cơ quan chuyên môn cấp trên phê duyệt. Chú trọng phát triển đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Sơn Dương còn những khó khăn nhất định, như: Cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề còn hạn chế; số công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau khi học nghề trên địa bàn huyện còn ít.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới huyện Sơn Dương xác định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; gắn công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng huyện Sơn Dương ngày càng phát triển xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.
Phan Thanh Bình