Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Thứ Hai, ngày 7 tháng 11 năm 2022 - 10:00 Đã xem: 4242

Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những công việc mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Với Người, thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Trong Di chúc thiêng liêng, Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết''. 

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa đến nay vẫn hoàn toàn đúng đắn. Với tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ vĩ đại, hết lòng vì dân, vì nước, Người luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, cho rằng họ có vai trò to lớn trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết đất nước. Ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới khai sinh, trong Thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Theo Người, để phát huy vai trò và sức mạnh của thế hệ trẻ thì phải tiến hành giáo dục thế hệ trẻ một cách toàn diện và chu đáo.

Tháng 1 năm 1946, trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội"(1). Theo Bác, thế hệ trẻ vai trò quan trọng đối với đất nước. Vì vậy, họ phải được quan tâm dìu dắt để trưởng thành, sẵn sàng gánh vác công việc của non sông. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”(2).

Trong giáo dục thế hệ trẻ nói chung, giáo dục truyền thống cách mạng là nội dung Người rất quan tâm chú ý. Theo Người, “Dân ta phải biết sử ta/  Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Người dạy thế hệ trẻ phải: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào"(3); "Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn" (4). Tinh thần yêu nước, như Bác đã khẳng định, là vốn quý, là sức mạnh tuyệt vời đã nhiều lần giúp dân tộc ta đứng vững trước những thử thách của lịch sử.

Trong bối cảnh hiện nay, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là việc hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần thức tỉnh một bộ phận thanh, thiếu niên sống thiếu lý tưởng, niềm tin, thiếu lòng tự hào dân tộc; đồng thời tiếp thêm nguồn sức mạnh cho hàng triệu thanh niên đang ngày đêm học tập, chiến đấu, lao động, cống hiến trên mọi lĩnh vực góp phần vào sự giàu mạnh của đất nước. Tương lai của dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ. Cần phải giáo dục họ ghi nhớ lời Bác: "Thanh niên ta có vinh dự to thì càng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân"(5).  Đồng thời, phải ra sức học tập kiến thức, rèn luyện đức tài sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển.

Thực hiện những chỉ dẫn của Bác và để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 đã đề ra mục tiêu đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa của quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến; Khơi dậy niềm tự hào, ý chí và khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Đề án nêu 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà thế hệ trẻ cần nắm vững để thực hiện, gồm:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng.

Hai là, đổi mới việc xác định các nội dung trọng tâm, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân Tuyên Quang về truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tỉnh Anh hùng; hiểu rõ, tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc, tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ba là, đổi mới về hình thức, phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Bốn là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng.

Năm là, xác định các nhóm đối tượng tuyên truyền phù hợp, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, sống có lý tưởng, hoài bão, có lòng tự hào, tự tôn, tự trọng sâu sắc, có ý chí khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Sáu là, tăng cường các nguồn lực đầu tư thực hiện các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng.

Thực hiện các giải pháp của Đề án sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tỉnh Tuyên Quang, giúp thế hệ trẻ có đủ hành trang xây dựng và bảo vệ quê hương, vững vàng đưa Tuyên Quang hội nhập và phát triển.

                                                                                    Nguyễn Nhung

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà nội, 2021, T4, tr194

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T15, tr 612

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T7, tr186

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T9, tr 265

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, T13, tr 299

 

TIN TtrChỉ thị số trrtertreong rtrcvb NHTuyết

Xem tin theo ngày:   / /