Tôn sư trọng đạo - đạo lý nhân văn của dân tộc Việt Nam

Thứ Bảy, ngày 19 tháng 11 năm 2022 - 14:02 Đã xem: 13917

Đảng, Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nguồn lực và sức mạnh đối với sự phát triển của Đất nước. Vì vậy những người làm công tác giáo dục có vai trò rất quan trọng. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những người làm công tác giáo dục, Người đã khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”

Trong không khí hân hoan cả nước hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Là dịp để thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo" - đạo lý nhân văn của dân tộc Việt Nam đối với thầy, cô giáo, những người mang xứ mệnh "trồng người".

"Sư" trong "tôn sư" là người thầy, “tôn sư” chính là một lời khuyên, lời răn dạy mỗi người phải tôn trọng và kính yêu người thầy đã dạy cho ta biết chữ, biết cách làm người và biết cách sống cho đúng đạo nghĩa. "Trọng" trong "trọng đạo" cũng như “tôn” trong “tôn sư” đều chỉ sự tôn kính, tôn trọng dành cho một người nào đó mà mình kính yêu, quý mến. "Đạo" trong "trọng đạo" là đạo lý, đạo đức, “trọng đạo” nghĩa là phải tôn trọng người đã dạy cho chúng ta đạo đức, hiểu đạo lý làm người, đối nhân xử thế trong cuộc sống. "Trọng đạo" ở đây còn có nghĩa là tôn trọng đạo đức làm người. Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà người thầy đã dạy mình.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, vai trò của người thầy luôn được đề cao dù ở bất kỳ thời đại nào. Không phải ai cũng có thể làm thầy bởi người thầy không chỉ cần có tri thức mà còn cả đạo đức, phẩm hạnh. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy “đạo” - đạo làm người, thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức cho con người.

Trong xã hội phong kiến, người thầy đứng ở vị trí thứ 2 trong lòng xã hội (Quân- Sư- Phụ). Từ tư tưởng đề cao người thầy mà lịch sử dân tộc ta có những người thầy mẫu mực như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Khi đất nước bị xâm lăng, đô hộ, những người thầy chân chính, nặng lòng với đất nước như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu…, sẵn sàng đi theo cách mạng, xây dựng nền giáo dục từ những buổi đầu sơ khai tô đẹp thêm hình ảnh người thầy trong xã hội.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đứng trước những khó khăn, thách thức của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định 3 loại giặc cần phải loại bỏ: Giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Vì lẽ đó, Người hết mực quan tâm đến giáo dục, và những người làm giáo dục. Ngày 21-10-1964, khi đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong bài nói chuyện với các thầy, cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường Người khẳng định:  “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…”.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá  rất cao vai trò người thầy trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Theo Chủ tịch Hồ Chí  Minh, người thầy, người trí thức, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa có sứ mệnh quan trọng là hun đúc nguyên khí quốc gia, đào tạo lớp hiền tài để kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc và Nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao phó nhiệm vụ quan trọng, khó khăn cho đội ngũ nhà giáo. Đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng rất nặng nề của những người theo đuổi sự nghiệp trồng người.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy phải là những người lấy việc phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc làm mục tiêu phấn đấu suốt đời; người thầy phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phát huy dân chủ trong nhà trường. Phẩm chất đạo đức này được đề cập trong nhiều bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong buổi nói chuyện với thầy giáo, cô giáo lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường Đại học Nhân dân, Người căn dặn: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục chân lý”. “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Thầy giáo, cô giáo phải học ở quần chúng nhân dân, "không học nhân dân là một thiếu sót lớn”. Quan trọng hơn nữa, người thầy phải tâm huyết với nghề, giữ gìn về nhân cách đạo đức lối sống và thương yêu con người. Người cách mạng nói chung và nhà giáo nói riêng phải có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những phẩm chất không thể thiếu được đối với người làm thầy. Phẩm chất nhà giáo còn phải thể hiện ở tình yêu thương học trò và yêu nghề. Đối với nhà giáo, phẩm chất đạo đức thương yêu học trò tác động hỗ trợ nhau. Thương yêu học trò sẽ dẫn đến yêu nghề và ngược lại.

Ngày nay, tác động của những mặt trái kinh tế thị trường và cả do những áp lực xã hội lên ngành giáo dục trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển dẫn đến sự thay đổi vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội. Nhà giáo trong xã hội hiện đại không còn là người thầy duy nhất mà là những người thầy được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực. Mặt khác, bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì vấn đề người dạy luôn được đề cập đến khi người ta nhắc đến giáo dục. Đó là minh chứng cho vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội hiện đại.

Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm gần đây, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, chất lượng giáo dục được nâng lên mọi mặt trong tất cả các cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Học sinh đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo.

"Muốn sang thì bắc cầu Kiều,

muốn con hay chữ thì yêu kính thầy"

Vì lẽ đó, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức hằng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn vinh, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học./.

Yến Chi

------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 2, NXB Sự Thật, Hà Nội- 1980, tr.93.

2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 

3. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 

Xem tin theo ngày:   / /