Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Thứ Hai, ngày 21 tháng 11 năm 2022 - 14:30 Đã xem: 1038

Sinh ra trong một gia đình nhà nho trọng việc học, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng là một nhà giáo. Người luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, coi "giáo dục là cốt sách hàng đầu", đồng thời, có những tư duy mới mẻ, đi trước thời đại về giáo dục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của các thầy giáo, cô giáo

Đánh giá cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ngay những ngày đầu thành lập nước, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư tới các cháu học sinh nhân ngày khai trường, gửi gắm tình cảm, sự tin yêu và hy vọng vào thế hệ tương lai của đất nước “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tranh sơn dầu Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đang giảng bài tại Trường Dục Thanh. Ảnh tư liệu

Cũng trong suốt những năm tháng lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định “không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”, do đó giáo dục đào tạo là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Người chủ trương xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện bao gồm đức, trí, thể, mỹ, đồng thời nhấn mạnh “cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục”, giáo dục trước hết là giáo dục đạo đức, bởi theo Người, “người tài mà không có đức là người bỏ đi”.

Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của các thầy giáo, cô giáo, đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Bản thân Người đã từng là một nhà giáo. Năm 1910, sau khi thôi học tại trường Quốc học Huế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành không cùng cha trở về Huế mà quyết thực hiện ý định "Đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Người đã dạy học ở Trường Dục Thanh – Phan Thiết khoảng 4-5 tháng, sau đó mới vào Sài Gòn để thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Tại trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học một số môn, nhưng theo các nhà nghiên cứu, việc dạy học của Người ở đây không đơn thuần là dạy chữ mà lồng vào đó tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh giáo dục phải dạy cho người học cách tự học, học tập suốt đời, “lấy tự học làm cốt”, “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”(1). Không chỉ bằng lời nói, chính bản thân Người thông thạo 7 ngoại ngữ (Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) và nhiều ngoại ngữ, tiếng dân tộc khác bằng cách tự học. Sau này, khi trên cương vị cao nhất của Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, tuổi cao, sức khỏe giảm sút, Bác vẫn luôn không ngừng tự học tập, tìm hiểu tri thức, không ngừng truyền đạt, truyền bá tri thức tới cán bộ, nhân dân và những người xung quanh. Người chính là tấm gương sáng về tinh thần tự học và học tập suốt đời.

Trong khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ non trẻ, một phần đất nước còn trong vòng nô lệ, người dân “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, nhưng tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang tính đi trước, mở đường, mang tính thời đại. Việc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau khi đánh “giặc đói” là đánh “giặc dốt”, tức là nâng cao dân trí. Ngày nay, nhân loại đang bước vào một nền văn minh trí tuệ, một nền kinh tế tri thức thông qua việc đẩy mạnh xã hội học tập. Thực tế cũng chỉ ra rằng, xã hội càng phát triển, thì tri thức càng trở nên quan trọng và là thế mạnh của các quốc gia, nhiệm vụ của giáo dục là tạo nên những thế hệ công dân có tri thức, có đạo đức, biết tự học, tự trang bị kiến thức, kỹ năng. Và trong nền kinh tế tri thức, ưu thế không hoàn toàn lệ thuộc vào các nhân tố truyền thống như tài nguyên, đất đai, nhân công,… mà nhân tố có ý nghĩa quyết định là chất xám, là trí tuệ con người. Những nước giàu mạnh đều là những nước có nền giáo dục hiện đại, được đầu tư bài bản và có chiều sâu, là những nước có nền kinh tế tri thức phát triển. Việc cạnh tranh sự giàu mạnh của các nước cũng thể hiện ở nền kinh tế tri thức.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn tạo nên một xã hội văn minh, ở đó con người phải có tri thức, có đạo đức, văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Người đã thấy được bản chất của việc dạy và học là muốn hiệu quả, thực chất, phải tập trung phát triển năng lực sẵn có của người học đó là huấn luyện khả năng tư duy của con người, phát huy năng lực riêng có của mỗi người. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “một nền giáo dục đào tạo ra những công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của người học. Người phát hiện, khơi gợi và phát huy năng lực đó, không ai khác đó chính là ngành giáo dục. Ngày nay, ngành giáo dục Việt Nam cũng đang phải chuyển đổi các mô hình giáo dục linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người học, có những mô hình học chuyên biệt để người học lựa chọn cho phù hợp năng lực, sở thích, sở trường của mình; mô hình giáo dục chuyên sâu.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tặng Bằng khen cho các học sinh đoạt giải Olympic quốc tế năm 2020

Giáo dục Việt Nam chuyển đổi thích ứng với xu thế thời đại

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, thực hiện quan điểm “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” và có những chiến lược lớn để phát triển giáo dục. Hiện nay, cả nước có 24 triệu học sinh, sinh viên, gần 1,5 triệu cán bộ, giáo viên, mỗi năm, 20% ngân sách quốc gia được chi cho giáo dục; hệ thống quản trị và trình độ đội ngũ lãnh đạo của ngành giáo dục ngày càng được nâng lên để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời kỳ mới.  Ngành Giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ các thầy cô giáo ngày càng lớn mạnh và giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt. Học sinh Việt Nam khi đi thi đấu trên đấu trường quốc tế đã giành nhiều thành tích rất đáng tự hào: năm 2019, nằm ở tốp đầu tại kỳ thi Olympic Toán học và khoa học quốc tế với 15 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 7 huy chương đồng; năm 2020, 100% học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt giải, với 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Việt Nam cũng là nước trong top 10 thành tích thi Olympic quốc tế 2021 với 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích).

Báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương” của OEDC năm 2018 đánh giá, Việt Nam xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới; Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới thì cho rằng tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển..., học sinh tiểu học của Việt Nam thường đứng tốp đầu các nước ASEAN ở năng lực đọc, hiểu, viết và toán...

Đặc biệt, trong hơn 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, giáo dục Việt Nam chuyển đổi thích ứng, linh hoạt giúp cho việc dạy và học không bị gián đoạn, chất lượng giáo dục luôn được đảm bảo. Theo báo cáo PISA của OECD công bố ngày 29/9/2020: “Việc học trực tuyến để phòng chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác” bởi có tới gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn mức trung bình 67,15% của các nước OECD, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mục tiêu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta là “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc và “Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những quan điểm này vẫn in đậm tư tưởng Hồ Chí Minh trong đó.

Ảnh minh họa (Nguồn: vneconomy.vn)

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, hiện nay ngành giáo dục vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Để “giáo dục và đào tạo là động lực then chốt để phát triển đất nước”, không chỉ phụ thuộc vào ý chí, nỗ lực của ngành GD&ĐT mà cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, của cả xã hội, đặc biệt là những nhà giáo như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: “Ngành giáo dục cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua thách thức của quá trình đổi mới”. Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, các thầy cô giáo đã thực hiện sứ mệnh cao quý của mình, góp phần xây dựng nên nền giáo dục đổi mới như hiện nay. Giờ đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều giá trị xã hội thay đổi, nhưng giá trị của tri thức, của giáo dục vẫn còn nguyên, thậm chí được coi trọng hơn. Niềm hy vọng vẫn được đặt ở các thầy, các cô, các nhà quản lý giáo dục. Mong các thầy cô giáo tiếp tục phấn đấu và cống hiến, không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức, mà còn là tấm gương sáng về học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới chính mình để nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục./.

Theo Thương Huyền/hochiminh.vn

Xem tin theo ngày:   / /