Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Ba, ngày 22 tháng 11 năm 2022 - 11:26 Đã xem: 3064

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của toàn thể dân tộc Việt Nam là biểu tượng của khát vọng giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc, đưa dân tộc từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ nước nhà, gắn liền độc lập dân tộc với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội là đường lối chủ đạo, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là điểm cốt yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển của lịch sử. Thực tiễn đó được kiểm nghiệm trong hơn 90 năm qua, nhất là sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Nhìn lại lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi đất nước dưới ách đô hộ của Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con đường đúng đắn nhất được Đảng ta và Nhân dân ta lựa chọn là làm cách mạng vô sản. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1). Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chỉ rõ: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(2). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng 8 năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: nước độc lập mà dân không được hưởng cuộc sống hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng có nghĩa lý gì. Dân chỉ biết đến giá trị của tự do độc lập khi được ăn no, mặc ấm. Do đó phải làm cho dân có ăn, có mặc, được học hành. Dân chúng chỉ cảm nhận được giá trị thực sự của độc lập tự do khi họ được ăn no mặc ấm, được học hành, được thực hiện quyền dân chủ. Nghĩa là phải xây dựng chủ nghĩa xã hội để dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chỉ có gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, thực hiện đánh thắng đế quốc, thực dân, phong kiến tiến tới đánh thắng nghèo nàn lạc hậu, ra sức phát triển sản xuất, đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, đánh thắng cả giặc nội xâm và ngoại xâm thì mới có sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và xã hội. Đó là một cuộc chiến đấu lâu dài, khó khăn, để xóa bỏ cái xấu xa, lỗi thời, hư hỏng, xây dựng xã hội mới, tươi đẹp.

Đi lên chủ nghĩa xã hội là lựa chọn của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa. Đó là người có đạo đức cách mạng: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư, xứng đáng là công bộc của dân, được dân tin, dân yêu, dân mến phục. Chủ nghĩa xã hội, dưới ánh sáng của tiến bộ và phát triển, là một chế độ xã hội mà ở đó, đời sống sản xuất ngày càng tăng, đời sống tinh thần ngày một tốt, xã hội ngày càng văn minh tiến bộ. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, thực hiện đoàn kết, đại đoàn kết để tập hợp lực lượng, phải dựa vào dân, đem tài dân, sức dân để mưu lợi cho dân.

Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”(3), cũng là xu thế tất yếu của loài người. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngày càng tiến nhanh, mạnh, vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định.

Nguyễn Nhung

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG ST, Hà Nội, 2011, tập 1, trang 9

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG ST, Hà Nội, 2011, tập 3, trang 8

(3) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, NXBCTQGST, Hà Nội, 2022, tr 22

 

 

Xem tin theo ngày:   / /