Xây dựng đời sống mới dưới góc nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Thứ Ba, ngày 22 tháng 11 năm 2022 - 14:43 Đã xem: 2262

Năm 1947, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Đời sống mới" dưới dạng hỏi đáp. Trong tác phẩm này, khi nói đến đời sống mới, Bác Hồ đề cập nhiều bình diện được trình bày một cách thiết thực, dễ hiểu.

Bác Hồ chăm sóc vườn rau tại thôn Lũng Tẩu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Một là, Bác coi con người là trung tâm của văn hóa nếp sống mới: “Người là gốc của làng, nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra mấy phương châm của cuộc vận động Đời sống mới: Kiên trì, thuyết phục, tránh phô trương và tự nguyện. Người viết: “Lúc số đông quốc dân chưa hiểu, chưa làm đời sống mới thì tuyệt đối không nên bắt buộc. Đến khi đại đa số đồng bào theo đời sống mới, chỉ còn số ít không theo khuyên mãi cũng không được, lúc đó có thể dùng cưỡng bức, bắt họ phải theo”. Ở đây đòi hỏi sự tự nguyện tối đa của đối tượng vận động, phong trào mới được lâu dài, vững chắc.

Nội dung của đời sống mới và quy luật kế thừa di sản văn hóa được Người tổng kết giản dị mà vô cùng sâu sắc: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm… Làm thế nào cho đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới”.

Với tác phong thiết thực, cụ thể, Bác còn chỉ rõ một cách tỉ mỉ việc xây dựng đời sống mới ở trong một nhà, một làng, một trường học, đơn vị bộ đội, công sở hoặc xưởng máy.

Đối với trong một nhà, Bác nêu rõ: Phải trên thuận, dưới hòa, bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng; ăn tiêu có kế hoạch, cưới hỏi, giỗ tết nên tiết kiệm, ăn ở sạch sẽ, thân mật và sẵn lòng giúp đỡ xóm giềng, gia đình hăng hái tham gia việc nước, ai ai cũng phải biết chữ. Bác kết luận: “Trong một nhà như thế thì nhất định phát đạt”.

Đối với một làng thì nhà giàu, nhà vừa giúp nhà nghèo; người tốt, người vừa giúp người kém, người học thông giúp người dốt. Phải làm cho cả làng biết chữ, biết đạo đức và biết trách nhiệm của công dân. Phải cấm hẳn tệ say sưa, cờ bạc, hút sách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách hòa giải không xảy ra chuyện đánh chửi nhau, kiện cáo nhau, xây dựng làng trở thành làng “phong thuần tục mỹ”. Làng phải vệ sinh sạch sẽ. Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bằng, thạo việc, làm gương cho mọi người, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung.

Đối với trường học thì phải thi đua dạy tốt và học tốt, dạy cho học trò biết yêu nước, dạy cho họ có ý chí tự lập, tự cường, trong chương trình học phải thận trọng về môn tinh thần và đạo đức.

Đối với bộ đội, phải có kỷ luật nghiêm, siêng năng luyện tập, bộ đội ai ai cũng biết chữ, phải hiểu chính trị, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, vệ sinh, ăn ở cho được dân tin, dân phục, dân yêu, đánh giặc giỏi.

Đối với các công sở, cán bộ từ chủ tịch Chính phủ đến người quét dọn trong cơ quan đều phải được dân tin. Vì vậy, phải làm gương trong việc xây dựng và hiện thực đời sống mới, phải giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính, nếu không làm được như vậy thì “dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Bác phân tích thấu tình đạt lý những điều đó như sau:

Cần: Làm việc đúng giờ, chớ đến trễ về sớm; làm cho chóng, chu đáo; việc ngày nào nên làm xong ngày ấy; phải nhớ rằng dân đã lấy tiền và mồ hôi nước mắt để trả lương cho cán bộ trong những thì giờ đó, ai lười biếng tức là lừa dân.

Kiệm: Giấy bút, vật liệu đều là tiền của dân cho nên phải tiết kiệm. Công sở nào cũng tiết kiệm được một ít thì làm lợi cho dân được rất nhiều.

Liêm: Những người làm ở các công sở đều dễ tìm dịp phát tài hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét của dân. Đến khi lộ ra, bị phạt thì mất hết cả danh giá mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người làm trong công sở phải lấy chữ “liêm” làm đầu.

Chính: Phải công tâm, công đức. Chớ đem người tư làm việc công. Không nên tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài, chớ vì quan hệ  bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia; chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những người có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Tổ quốc, chớ lên mặt làm quan cách mạng.

Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người điển hình thống nhất giữa nói và làm. Bác đã nêu gương về đời sống mới, về thực hành đạo đức cách mạng. Đó là một con người của hành động vươn tới chân, thiện, mỹ và lôi cuốn mọi người cùng làm theo.

Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng Người chọn cho mình một cuộc sống bình dị như đại đa số người dân bình thường, không cách biệt, không vương giả. Trên ngực không có một tấm huân, huy chương.

Người từ chối dinh thự của Toàn quyền Đông Dương cũ, Người chọn nơi ở và làm việc cho mình là một ngôi nhà chật hẹp vốn của người thợ điện phục vụ trong khu vực Phủ Toàn quyền Đông Dương. Mặc dù các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mời Người ra ở tại toà nhà lớn để cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng Người từ chối. Cuối cùng, Người đã chọn ngôi nhà sàn, giống kiểu nhà sàn của đồng bào nơi vùng cao của chiến khu Việt Bắc.

Bữa ăn hàng ngày của Người thường chỉ có canh cua, tương cà, dưa muối, cá kho với lá gừng… Đó là những món ăn quen thuộc mà Người ưa thích.

Trang phục của Người cũng hết sức giản dị. Trong những lúc làm việc ở nhà, Người thường mặc bộ quần áo bà ba lụa Hà Đông màu nâu, đi đôi guốc gỗ. Khi tiếp khách, đi công tác, Người thường mặc bộ quần áo ka ki bốn túi và đi đôi dép cao su.

Trong những năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích và cùng anh em trong cơ quan tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hàng ngày, tập võ hay chơi bóng chuyền để nâng cao thể lực và sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, ốm đau. Những năm tháng sống ở trong khu Phủ Chủ tịch, Người thường luyện gân tay bằng cách nắm hai hòn cuội, luyện đôi chân bằng cách đi bách bộ. Ngoài giờ làm việc, một trong những công việc Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu thích đó là tăng gia sản xuất. Hình ảnh một Hồ Chí Minh giản dị cuốc đất trồng rau, thực hiện khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!” trong những năm tháng kháng chiến đã in đậm trong ký ức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới” không chỉ có giá trị to lớn trong việc xây dựng con người, xã hội Việt Nam mới, góp phần kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, mà còn có ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là kim chỉ nam đối với phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mộc Miên

Xem tin theo ngày:   / /