Tuyên Quang trong chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947

Thứ Hai, ngày 28 tháng 11 năm 2022 - 08:53 Đã xem: 5597

Thực hiện kế hoạch nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tháng 10-1947, thực dân Pháp huy động 12.000 quân tinh nhuệ (gồm hải, lục, không quân) mở một cuộc tiến công lớn, thọc sâu vào hậu phương ta. Ở vị trí trung tâm căn cứ địa Việt Bắc Tuyên Quang là một trọng điểm hành quân càn quét của quân Pháp, Đảng bộ tỉnh đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo quân và dân trong tỉnh bẻ gẫy gọng kìm phía Tây của thực dân Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc – Thu Đông 1947.

Đài tưởng niệm Chiến thắng Bình Ca tại xã Vĩnh Lợi (Ảnh: Phùng Minh)

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc và các vùng căn cứ được xây dựng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang một lần nữa được trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô kháng chiến. Ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Cùng với Bác Hồ, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan Trung ương về đóng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Với thế núi sông hiểm yếu, suốt một dải từ Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Thị xã Tuyên Quang đã trở thành nơi đóng quân của 65 cơ quan Trung ương (trong đó có 13/14 bộ và cơ quan ngang bộ). Nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ tỉnh là: Tổ chức tốt việc đón, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Thị xã Tuyên Quang đã đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng vạn cây tre, nứa để vận chuyển tài liệu, máy móc, hàng hóa và xây dựng kho tàng, nhà ở cho các cơ quan Trung ương. Trước yêu cầu của cách mạng, đồng bào vùng Tân Trào, Minh Thanh (Sơn Dương), Trung Minh, Hùng Lợi, Đạo Viện (Yên Sơn), Vinh Quang, Kim Bình (Chiêm Hóa)… đã tự nguyện nhường nhà cho cán bộ kháng chiến ở, tích cực tham gia các đợt dân công. Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa nối liền thành một vùng an toàn khu thống nhất, rộng lớn, hành lang giao thông liên lạc giữa các vùng trong khu an toàn hình thành và được đảm bảo bí mật tuyệt đối. Công an tỉnh được phân công bố trí trinh sát nắm tình hình các hoạt động của địch, kịp thời báo cáo Ban chỉ huy chiến dịch những tin tức và hướng tấn công của địch, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng gian bảo mật, đề phòng nội gián. Ở những nơi có cơ quan, kho tàng, công xưởng… công an đã làm tốt công tác bảo vệ nhân dân, kho tàng, đường giao thông và kêu gọi toàn dân đoàn kết, tham gia kháng chiến, ủng hộ Chính phủ, ủng hộ bộ đội… Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã thành lập Ban đón tiếp đồng bào tản cư, sắp xếp nơi ăn chốn ở, tạo điều kiện cho đồng bào ổn định cuộc sống, bắt tay vào sản xuất. Truyền thống đoàn kết dân tộc, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân Tuyên Quang được phát huy tới cao độ. Trên địa bàn tỉnh, nhiều điểm dân cư mới theo kiểu “phố kháng chiến” ra đời.

Trước âm mưu tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, từ tháng 12/1946 đến tháng 9/1947 trong tỉnh đã dấy lên không khí chuẩn bị kháng chiến khẩn trương, sôi nổi. Đảng bộ tỉnh đã quyết định thành lập Ban huyện ủy lâm thời ở tất cả các huyện, tất các các xã đều có đảng viên tham gia các chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Đầu năm 1947, tỉnh tiến hành sáp nhập Ủy ban hành chính với Ủy ban kháng chiến thành Ủy ban kháng chiến hành chính, Đảng đoàn kháng chiến các cấp được thành lập chịu trách nhiệm chỉ đạo và giám sát công tác chuẩn bị kháng chiến. Tháng 4/1947, Tỉnh đội Tuyên Quang thành lập, tiếp đó là các Ban huyện đội ra đời do một đồng chí huyện ủy viên phụ trách. Phong trào phòng gian, bảo mật phát triển sâu rộng, mọi ngả đường vào vùng căn cứ địa đều được canh gác cẩn mật. Hệ thống giao thông liên lạc được tổ chức theo cách báo động dây chuyền xã nối xã, huyện nối huyện. Ngoài lực lượng cảnh vệ của tỉnh, mỗi huyện có một trung đội du kích thoát ly, mỗi xã có một trung đội dân quân chiến đấu. Vũ khí, hậu cần của dân quân, du kích một phần nhỏ được trang bị, phần lớn do nhân dân quyên góp, hỗ trợ. Thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến", tỉnh đã huy động 307.000 ngày công để phá 41.018 m2 nhà, 100 chiếc cầu lớn, nhỏ với tổng chiều dài hơn 1.000m, 22 km đường quốc lộ, 61 km đường nội tỉnh. Trên các trục đường bộ, nhân dân đã đào hàng ngàn hố nhỏ, hố chống tăng, đắp ụ, chặt cây làm chướng ngại vật cản đường hành quân của địch. Trên sông Lô, ta xây được 2 kè cản tàu chiến, ca nô. Các soi bãi rộng đều được cắm chông để tiêu diệt địch nếu chúng nhảy dù, đổ bộ. Tại cuộc họp giữa Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn 112 (Trung đoàn Hà Tuyên), một kế hoạch phối hợp tác chiến đã được soạn thảo, trong đó các đơn vị của Trung đoàn 112 chịu trách nhiệm vận động bám sát các hướng hành quân của địch, tổ chức những trận đánh lớn tiêu diệt chủ lực của chúng. Lực lượng cảnh vệ và dân quân, du kích của tỉnh phải bảo vệ cơ quan lãnh đạo địa phương, giúp nhân dân sơ tán, dẫn đường…

Khi thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc (ngày 7/10/1947), Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân Tuyên Quang phối hợp với bộ đội chủ lực chủ động tấn công địch trên mọi địa hình. Ngày 12 và 13/10/1947 quân và dân Tuyên Quang đã phối hợp với Tiểu đoàn 42 bắn chìm chiếc tàu LCVP tại Bìnhh Ca; ngày 22/10/1947, 500 quân Pháp từ Thị xã Tuyên Quang theo đường Quốc lộ 2 hành quân lên Chiêm Hóa. Chớp thời cơ, đội tự vệ Thành Tuyên đặt địa lôi phục kích địch tại km 7 (đường Tuyên Quang - Hà Giang) tiêu diệt 100 tên, làm bị thương nhiều tên khác, làm chết hơn 20 lừa, ngựa, thu được 1 đại liên, 1 súng cối và nhiều quân trang, quân dụng khác. Tại Chiêm Hóa, tuy chiếm được Đầm Hồng song quân Pháp bị ta đánh cầm chân tại đây 7 ngày không thể tiến lên Đài Thị được theo kế hoạch. Không đón được cánh quân Bắc Kạn xuống, ngày 01/11/1947 quân Pháp buộc phải tìm cách rút về thị trấn Chiêm Hóa. Đoán được ý đồ của địch, ta bố trí phục kích tại Vật Nhèo (xã Ngọc Hội), khi cánh quân bộ của địch tới nơi, ta chặn đánh quyết liệt buộc chúng phải bỏ đường cái, men theo bờ sông Gâm về thị trấn Chiêm Hóa. Cánh quân thủy của địch cũng bị đánh trả quyết liệt, cả hai ca nô đều bị bắn cháy. Kết quả, trong trận này ta tiêu diệt gần 200 tên, phá hủy 2 ca nô, thu 2 đại liên, 2 khẩu 30 ly 2 và hàng trăm súng trường, tiểu liên.

Tháng 11/1947, chiến dịch tấn công Việt Bắc của giặc Pháp đứng trước nguy cơ thất bại. Ở Tuyên Quang, binh đoàn Commuynan đi tới đâu cũng gặp cảnh vườn không nhà trống, chúng bị đánh và gặp khó khăn lớn về sự tiếp tế. Bọn địch không những không tiêu diệt được quan chủ lực và không phát hiện được cơ quan đầu não kháng chiến của ta mà ngược lại còn bị tiêu hao nặng, chúng phải vừa xin tiếp viện vừa tính cách rút quân khỏi Chiêm Hóa. Ngày 3/11/1947 hai ca nô chở 200 quân Pháp từ Tuyên Quang xuống Bình Ca định tiến vào Sơn Dương bị ta chặn đánh diệt hơn 100 tên. Cùng ngày ta gài thủy lôi ở bến đò Văn Yên (Thắng Quân - Yên Sơn) gây hư hỏng nặng 2 ca nô, tiêu diệt mấy chục tên Pháp. Ngày 4/11/1947 trong quá trình rút quân từ Chiêm Hóa về Hà Nội, cánh quân của Pháp lọt vào trận địa phục kích của ta tại Cầu Cả, gần 1 trăm tên bị diệt tại chỗ, số còn lại kéo ra đóng quân tại Chợ Bợ, còn một số tắt qua Bắc Nhũng xuống ca nô chạy về Tuyên Quang. Đêm 7/11 quân ta dùng súng cối và trung liên tập kích quân địch tại chợ Bợ. Sáng 8/11 toán quân này rút về tới km24 (đường Tuyên Quang - Hà Giang) lại bị ta phục kích phải bỏ đường quốc lộ cắt rừng mà chạy, mãi tới ngày 15/11 mới về tới Lang Quán (Yên Sơn), tại đây chúng lại bị chặn đánh, tiêu hao nặng, phải rút dọc theo sông Lô, ngày 19/11 mới rút về tới thị xã Tuyên Quang.

 14 giờ ngày 10/11/1947, đoàn tàu địch gồm 2 chiếc LCT, 1 ca nô chở 200 lính Âu - Phi từ Chiêm Hóa chạy về tới Khe Lau. Pháo binh của ta dồn dập nhả đạn, cả 2 chiếc LCT của địch đều bị trúng đạn, bốc cháy ngùn ngụt. Bọn lính sống sót chạy vào bờ liền bị dân quân, du kích nổ súng tiêu diệt, hầu hết quân Pháp đều bị thiệt mạng. Cả một đoạn sông dài vang động tiếng hò reo chiến thắng của quân ta.

Không thực hiện được ý đồ chiến dịch, từ ngày 21/11/1947 quân Pháp bắt đầu rút khỏi thị xã Tuyên Quang, đồng thời tăng cường quân từ phía nam Vĩnh Phúc lên hợp sức với binh đoàn Commuynan từ Tuyên Quang xuống và cánh quân từ Thái Nguyên sang càn quét vùng Sơn Dương, lùng sục cơ quan lãnh đạo và kho tàng của ta. Các trận đánh thắng ròn rã của quân dân Tuyên Quang lại liên tiếp diễn ra ở Bến Hiên, Bình Ca, Đèo Khế, Thiện Kế… làm cho địch hết sức lúng túng, bị động. Ngày 23/11 quân Pháp bị chặn đánh ở Bình Ca khi chúng tiến vào Sơn Dương; ngày 26/11, ta bắn cháy 2 ca nô ở bến Cốc, gài địa lôi diệt 50 tên; ngày 02/12 ta phục kích ở Bắc Lũng, Đèo Khế (Sơn Dương). Những cố gắng cuối cùng của địch trong việc thiết lập gọng kìm càn quét vùng Sơn Dương và các địa phương giáp ranh thuộc Vĩnh Phúc, Thái Nguyên bị phá sản hoàn toàn.

Trước tình thế bất lợi, có thể bị tiêu diệt, quân Pháp vội vã rút khỏi mặt trận sông Lô. Từ ngày 4 đến ngày 15/12/1947, địch chia làm 2 đường rút khỏi Sơn Dương, một cánh quân  qua Đèo Khế sang Thái Nguyên, số còn lại qua Thiện Kế về Việt Trì, Vĩnh Yên, Tuyên Quang sạch bóng quân xâm lược.

Cuối tháng 12/1947, chiến dịch tấn công Việt Bắc của quân Pháp hoàn toàn thất bại. Việt Bắc trở thành mồ chôn giặc Pháp, là nỗi kinh hoàng của chúng và là niềm tự hào của quân dân cả nước. Trong chiến dịch này, quân dân Việt Bắc đã tiêu diệt 3.300 tên địch, làm bị thương 1.300 tên, bắt sống 270 tên, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 51 ca nô và tàu chiến, phá huỷ 255 xe cơ giới và hơn 100 khẩu pháo... Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Tuyên Quang đã tham gia chiến đấu 48 trận, trong đó có 30 trận đánh độc lập, 18 trận hợp đồng tác chiến với bộ đội chủ lực, bắn chìm, bắn cháy 10 ca nô, tàu chiến và nhiều phương tiện chiến tranh khác của Pháp. Binh lính Pháp đã kinh hoàng gọi Tuyên Quang là "nghĩa địa khổng lồ", Bình Ca, Km 7, Đầm Hồng, Cầu Cả, Khe Lau...trở thành mồ chôn giặc Pháp, là nỗi khiếp sợ của quân xâm lược, là niềm tự hào chiến thắng của quân và dân Tuyên Quang.

Tác chiến trên địa bàn trọng yếu, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ tỉnh, quân và dân Tuyên Quang phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đã có những trận đánh xuất sắc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần quan trọng bẻ gãy gọng kìm phía Tây của quân Pháp. Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Việt Bắc, một chiến dịch lớn đầu tiên của dân tộc ta sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm thất bại chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh - chiến lược đầu tiên của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lựợc nước ta lần thứ hai. Chúng ta đã đập tan âm mưu của địch; bảo vệ an toàn căn cứ địa kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Văn Đức

Xem tin theo ngày:   / /