Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông lâm nghiệp hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi khâu đột phá

Thứ Năm, ngày 15 tháng 12 năm 2022 - 10:27 Đã xem: 2758

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 12 giải pháp chủ yếu, trong đó có khâu đột phá quan trọng: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, tập trung trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới”. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản để chỉ đạo và cụ thể hoá các nội dung của khâu đột phá quan trọng của nhiệm kỳ.

Thu hoạch búp chè tươi tại vùng chè hàng hóa ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: PA)

Tuyên Quang có diện tích đất nông nghiệp 540.232 ha [1], được đánh giá có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Một số mặt hàng nông lâm nghiệp chủ lực của tỉnh gồm: cam sành, chè đặc sản, gỗ rừng trồng, lạc, con trâu, con cá. Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông, lâm nghiệp, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ được xác định là nhiệm vụ quan trọng, quyết định thắng lợi trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông, lâm nghiệp hàng hoá.

Từ năm 2017-2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện 125 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trong đó, đội ngũ những người làm khoa học của tỉnh đã tập trung nghiên cứu sâu vào lĩnh vực nông lâm nghiệp của tỉnh, các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh là: nghiên cứu về cây cam, cây chè, cây gồ nguyên liệu giấy - gỗ rừng trồng, cây lạc, con trâu, con cá...

Việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp chủ lực, đặc sản nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh đồng thời hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt trong số các sản phẩm vươn ra ngoài nước có sản phẩm chè đen, chè xanh (có mặt trên thị trường khó tính của các nước lớn như Anh, Mỹ, Nga...).

Nghị quyết số 36-NQ/TU, ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 9%/năm; trồng rừng tập trung 48.500 ha, bình quân trồng trên 9.700 ha/năm; phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha; năng suất rừng trồng đạt bình quân 22m3/ha/năm; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo quy định trên 90.000 ha rừng sản xuất...

Nhờ có ứng dụng khoa học kỹ thuật, đến hết năm 2021, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đã đạt mức trên 1 triệu m3; năng suất rừng trồng bình quân đạt 16m3/ha/năm, tăng 6m3/năm so với năm 2015; độ che phủ rừng đạt trên 65%. Công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiện nay đã được cơ giới hoá, ứng dụng phần mềm cảnh báo sớm cháy rừng qua vệ tinh, qua điện thoại thông minh; diện tích rừng trồng được thâm canh, bón phân dần được nâng lên theo từng năm.

Về ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực cũng từng bước được quan tâm, triển khai thực hiện. Người nông dân, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị phát triển nông lâm nghiệp bền vững. Giá trị của sản phẩm nông lâm nghiệp gia tăng nhờ chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản. Hiện nay, tỉnh có trên 200 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được bảo hộ[2], có 03 chỉ dẫn địa lý (Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang, Bưởi Soi Hà - Yên Sơn); hết năm 2021, toàn tỉnh có 128 sản phẩm được cấp chứng nhận OCCOP (gồm 95 sản phẩm đạt 3 sao, 33 sản phẩm đạt 4 sao, trong đó có 02 sản phẩm đang đề nghị chứng nhận sản phẩm OCCOP đạt 5 sao gồm có: Chè Shan tuyết Hồng Thái một tôm một lá và chè xanh Ngọc Thuý (chè lạnh). Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 5/14 tỉnh miền núi phía Bắc và đứng thứ 20 trên toàn quốc về số lượng sản phẩm được chứng nhận OCCOP.

Để đạt được những kết quả nêu trên, có sự đóng góp của các ngành, các cấp và sự nỗ lực cố gắng của toàn thể Nhân dân trong toàn tỉnh. Với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Tuyên Quang đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII; quyết tâm xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hoàng Mai

 

[1] Niên giám thông kê tỉnh Tuyên Quang năm 2017, NXB.Thống kê, H.2018, tr. 33.

[2] Theo Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, tháng 11 năm 2022.

Xem tin theo ngày:   / /