Ý nghĩa của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2022 - 08:39 Đã xem: 6627

“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tác phẩm cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về chủ đề đạo đức cách mạng, được công bố trong dịp kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/1969), vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đang diễn ra quyết liệt để đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” có giá trị và ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nội dung tác phẩm là sự phát triển nhất quán dòng tư tưởng đạo đức học mácxít của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng về đạo đức cách mạng được thể hiện rõ nét. Đạo đức cách mạng của Người là đạo đức hoạt động chính trị, được đảm bảo bởi văn hóa chính trị với điểm cốt lõi là thực hành văn hóa đạo đức trong chính trị. Giá trị của tác phẩm là đã tổng kết lý luận và thực tiễn về đạo đức cách mạng, trong đó sức sống là sự gương mẫu thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên, là giá trị làm nên sự vĩ đại và cao quý của một Đảng cách mạng. Người chỉ rõ: thắng lợi của cách mạng là nhờ ở sức mạnh đạo đức trong sản xuất, chiến đấu, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tác phẩm cũng chỉ ra thực trạng một số ít cán bộ, đảng viên đạo đức phẩm chất thấp kém do mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Đó là những biểu hiện: không “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”, ngại gian khổ khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tự cao tự đại, coi khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền…, đồng thời nêu rõ: do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, mắc nhiều sai lầm.

Sau khi vạch rõ những thói xấu của chủ nghĩa cá nhân mà một số cán bộ, đảng viên mắc phải, Người đã chỉ ra cách sửa chữa hết sức cụ thể, rõ ràng: Trong Đảng, phải hết sức coi trọng giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ của đảng viên; Mỗi tổ chức đảng và đảng viên phải tự phê bình thường xuyên và nghiêm túc, đồng thời chú trọng việc quần chúng phê bình đảng viên, đòi hỏi công tác này phải thường xuyên, chặt chẽ. Lợi ích của cách mạng, của Đảng, của Nhân dân phải được đặt lên trên hết, trước hết, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Phải bồi dưỡng tinh thần tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật, tôn trọng quần chúng, gần gũi quần chúng.

Tác phẩm còn có ý nghĩa quan trọng trong thức tỉnh và cảnh báo trước về nguy cơ  của Đảng nếu cán bộ, đảng viên không kiên trì rèn luyện: một Đảng ngày hôm qua vĩ đại và anh hùng thì ngày hôm nay không nhất định và mãi mãi như vậy nếu không tiếp tục rèn luyện, không vượt qua được những yếu kém, sai lầm và thoái hóa. Phải ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng, khi lòng dạ không trong sáng nữa thì dễ dàng mắc phải những thói xấu, thoái hóa, biến chất, đặt lợi ích của cá nhân lên trên hết, trước hết, làm nguy hại đến phong trào cách mạng.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng giá trị và ý nghĩa của Tác phẩm vẫn còn phù hợp với hiện tại. Chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế không chỉ xuất hiện mà còn lây lan đến nhiều cán bộ, đảng viên. Những thói xấu của chủ nghĩa cá nhân mà Bác từng cảnh báo vẫn đang tồn tại với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Cơ hội chính trị và thoái hóa đạo đức đi đôi với nhau, bộc lộ sự nguy hại khôn lường của nó. Trước thực trạng ấy, chỉ có rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta mới quét sạch được chủ nghĩa cá nhân, tự chiến thắng bằng sức mạnh của đạo đức cách mạng./.

Nguyễn Nhung

Xem tin theo ngày:   / /