Học tập phương pháp vận động Nhân dân trong tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, ngày 21 tháng 12 năm 2022 - 17:01 Đã xem: 3067

Tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực điển hình cho phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, trong đó nêu lên những quan điểm và phương pháp chỉ đạo công tác dân vận với tầm nhìn rộng lớn, khoáng đạt, cách nghĩ, cách làm dân vận hết sức mới mẻ, hiện đại. Đó là một trong những tác phẩm chứa đựng một lượng tối thiểu ngôn từ nhưng đã chuyển tải và biểu cảm một cách tối đa tư tưởng và triết lý của Người về phương pháp vận động Nhân dân.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Nội dung của tác phẩm trước hết thể hiện ở những luận đề về dân chủ và chế độ dân chủ, về vị thế người chủ của dân, về vai trò của dân trong việc xây dựng chế độ và thể chế, dân là lực lượng không thể thiếu để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Tác phẩm không những khẳng định bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn nói lên mục đích của công tác dân vận. Nói ngắn gọn là: vì dân mà làm dân vận, làm dân vận để phục vụ dân, đem lại lợi ích, quyền hành cho dân chứ không phải là khai thác dân, coi dân là phương tiện phục vụ bất kỳ ai. Tất cả các mối quan hệ với dân được giải quyết trên cơ sở “nước lấy dân làm gốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng công tác dân vận rất quan trọng nhưng vẫn có cán bộ, địa phương chưa hiểu, chưa làm đúng. Vì vậy, phải nhắc lại thực chất của công tác dân vận để cán bộ hiểu và thực hiện.

Theo Người, "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho"(1). Quan niệm của Người thể hiện rõ ý tưởng về phát huy nội lực, phát huy nguồn nhân lực, không để sót, không lãng phí bất cứ người nào. Dân vận là giải thích cho dân rõ, để dân tham gia vào công việc của Đảng, Chính phủ, Đoàn thể. Điều này mới mẻ ở chỗ đề cao dân, trọng dân, tin cậy, học hỏi dân. Để đạt công việc thiết thực, hiệu quả, cần bàn bạc, xin ý kiến dân, để dân thực hiện, kiểm tra, giám sát, khuyến khích dân rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Phương pháp vận động Nhân dân phải làm cho đúng, cho khéo.

Trong phương pháp vận động Nhân dân, Người chỉ ra 2 điều quan trọng nhất:

Một là, người phụ trách dân vận phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" chứ không nói suông, mệnh lệnh mà phải “thật thà nhúng tay vào việc”.

Hai là, phải khắc phục khuyết điểm, sai lầm là xem khinh việc dân vận, phó mặc công việc cho một vài người, thậm chí giao việc dân vận cho cán bộ yếu kém. Đó là những việc làm có hại.

Người kết luận: "Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"(2).

Nhưng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn mang tính thời sự, mới mẻ và hoàn toàn đúng đắn, cần thiết với mỗi chúng ta trong công tác dân vận. Để thực hiện dân vận thành công, cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng của Bác, đem trí tuệ, đạo đức, tâm huyết và nhiệt tình để làm tốt công tác vận động Nhân dân, cùng hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2011, tập 6, trang 132
  2. Sđd, tập 6, trang 234

Nguyễn Nhung

Xem tin theo ngày:   / /