Văn học, nghệ thuật quảng bá, giới thiệu về Đất và Người Tuyên Quang

Thứ Năm, ngày 29 tháng 12 năm 2022 - 10:14 Đã xem: 7599

Với lợi thế là vùng đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng; miền đất trù phú và tươi đẹp, nơi tụ cư lâu đời của 22 dân tộc anh em Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Mông, Nùng, Sán Dìu, Hoa, Pà Thẻn,… Những năm qua, các văn nghệ sĩ của tỉnh đã đã dày công tâm huyết khai thác các mảng đề tài về lịch sử cách mạng, đề tài nông thôn, về vẻ đẹp con người và mảnh đất Tuyên Quang để sáng tạo nên các tác phẩm văn học và nghệ thuật có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu với độc giả trong và ngoài nước.

Đêm hội Thành Tuyên (Ảnh: Quang Minh)

Đầu tiên, phải kể đến các tác phẩm viết về đề tài lịch sử, trong đó tiêu biểu là nhà văn Phù Ninh với các tác phẩm tiểu thuyết, kịch nói, ký sự: “Tân Trào rạng ngày Độc lập", “Tân Trào năm Ất Dậu”, “Về Tân Trào”, “Chuyến xuất ngoại của Cụ Hồ ở Tân Trào”; nhà văn Trịnh Thanh Phong với truyện ngắn: “Dưới gốc cây thị Làng Chương”; Tác giả Cao Xuân Thái với Bút ký “Tân Trào, nơi đến để trở lại”; Tác giả Trần Huy với truyện ký: “Sống theo lời Bác dạy",…Dựa trên các tư liệu của các bậc tiền bối từng hoạt động, gần gũi với Bác Hồ, qua những nhân chứng lịch sử, các tác giả đã tái hiện được thời gian sống và làm việc những ngày gian khổ của Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước tại Tuyên Quang để lãnh đạo thành công cuộc Tổng khời nghĩa giành chính quyền trong cả nước và chỉ đạo thắng lợi chiến dịch Thu- Đông năm 1947, chiến dịch Biên giới 1950,…Đồng thời, qua đó cũng thấy được tình cảm, sự che chở, giúp đỡ, bảo vệ của đồng bào Tuyên Quang đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với cách mạng. Có thể nói, các tác giả đã giúp người đọc tiếp cận, hiểu biết thêm về lịch sử của vùng đất anh hùng, đã từng là Thủ đô khu giải phóng- Thủ đô kháng chiến. Các tác phẩm của các văn nghệ sĩ đã có tác dụng quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 Bên cạnh đề tài viết về lịch sử cách mạng, đề tài dân tộc, miền núi, nông thôn được nhiều nhà văn khai thác thành công, tiêu biểu nhà văn Trịnh Thanh Phong, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị: “Ma Làng”, “Đất cánh đồng chum”, “Đồng làng đom đóm”, “Cổ tích đời người”, “Ngày thơ dại”, “Kẻ sống sót”…trong đó tiểu thuyết “Đất cánh đồng chum” được Giải thưởng văn học Sông Mecong; tiểu thuyết “Ma làng” một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc viết về đề tài nông thôn miền núi, thể hiện sâu sắc những biến chuyển quy luật của hiện thực làng quê Việt Nam; khắc họa thành công chân dung của người dân miền núi trước và sau đổi mới với những lề thói, tập tục xưa cũ cùng sự tiếp nhận cái mới một cách thực dụng và hồn nhiên, tạo nên một bức tranh nông thôn rất đời, rất thực, nhưng sâu sắc, đã được chuyển thể thành phim truyện Việt Nam dài tập trình chiếu rộng rãi và được công chúng đón nhận. Cố nhà văn Đinh Diệp với truyện ngắn “Rừng có tiếng người”, tiểu thuyết được Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam trao Giải xuất sắc về đề tài miền núi. Nhà văn Vũ Xuân Tửu với chùm truyện ngắn “Chuyện ở Bản Piát”, “Cỏng hò”, “Bí mật cuốn gia phả” Giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội;  tác giả Đỗ Anh Mỹ với các truyện ngắn “Rễ rừng”, “Chiếc chìa khóa vàng”, “Hương rừng”, “Nẻo đường”; tác giả Trần Quang Khánh với truyện ngắn “Yêu muộn”; ký sự “Đường thêu bản Lục”…

Bắt nhịp với hơi thở của cuộc sống hiện tại, cùng với lịch sử, cách mạng, kháng chiến và ký ức lịch sử đã làm nên một Tuyên Quang với vẻ đẹp hào hùng, thơ mộng và mới mẻ trong quá trình phát triển, hiện đại hóa đất nước. Qua các vần thơ của các tác giả như: Nguyễn Ngọc Hiệp với tác phẩm Thơ Lời ru giăng mắc”, “Tua rua trên núi”, “ Đợi trăng”, “Tiếng lá rừng”, “Hoa lòng”;  Đinh Công Thủy với tác phẩm thơ “Nghe con hát bài như có Bác”, “Giấc mơ hạt thóc”; Nguyễn Tuấn với “Lời sông hát”; Tạ Bá Hương với “Quê mẹ”, “Đôi mắt đợi”, “Sông chảy qua thành phố”; Cao Xuân Thái với “Mưa về Thành Tuyên”, “Nắng sông Lô”…Mỗi nhà thơ có một cách cảm nhận riêng nhưng đều hướng vào ca ngợi truyền thống cách mạng và vẻ đẹp của quê hương. Nhà thơ Tạ Bá Hương luôn có thời gian đi cơ sở, gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc, anh cho ra đời những tác phẩm say đắm lòng người, bịn rịn bởi điệu Then, đàn tính, tiếng kèn Pí lè của người Dao… thơ anh đều toát lên một tình yêu nồng nàn, phảng phất bóng dáng của người con gái xứ Tuyên có “khuôn mặt hồng đôi mắt biếc”, có “miệng cười dịu mát trăng suông”; “Em so dây trầm bổng/Bất chợt gặp rì rầm sông Phó Đáy/Hương trời đất quyện vào đêm thơm ngậy/Tôi bồng bềnh chín bậc mây trôi”. Nhà thơ (Cao Xuân Thái) lấy hình ảnh dòng Lô với người con gái Xứ Tuyên “Sông Lô đẹp như là thơ và em vậy/ Đẹp như năm tháng đợi chờ nhau”,… Những vần thơ đẹp cứ còn mãi ngấm dần, bồi đắp tâm hồn, tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, con người xứ Tuyên, hướng đến những giá trị chân- thiện-mỹ.  

Nói về những người quảng bá văn hóa xứ Tuyên không thể thiếu lĩnh vực hội họa và âm nhạc, sân khấu của các nghệ sĩ, trong đó tiêu biểu họa sĩ Mai Hùng với tác phẩm “Trâu vàng”, “Thợ khâu giầy, “Tiêu bản năm 20xx”; “Đứa bé chăn dê”; Lê Cù Thuần với tác phẩm “Phía sau thung lũng 2”; Lê Ngọc Tuấn với “Mộng vọng ngư”; Nguyễn Ngọc Điền với “Mùa yêu”; Nguyễn Ngọc Anh với “Mùa yêu con”; nhạc sĩ Tân Điều với “Đường về Tân Trào”; Tăng Thình với Tiếng đàn Then”; nhà nhiếp ảnh Quang Chính, Quang Minh, Nguyễn Cường,…nhà viết kịch ngắn, kịch vui Nguyễn Vũ Phan, Phạm Xuân Đặng…đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm có chất lượng, góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Đất và Người Tuyên Quang trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh nhà.

  Bên cạnh đó, xuất phát từ nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh luôn được quan tâm. Hằng năm, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn trung bình gần 500 buổi nghệ thuật phục vụ Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; 138/138 xã, phường, thị trấn có đội văn nghệ quần chúng; hơn 2.600 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang. Hiện toàn tỉnh có hơn 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hoá dân tộc; hơn 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính; 06 câu lạc bộ hát Páo Dung của dân tộc Dao; 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... Hoạt động của các câu lạc bộ chính là nơi truyền thụ những nét đẹp văn hóa truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ về các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Ngoài ra, các hoạt động Chiếu bóng lưu động là một kênh thông tin hiệu quả tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân. Toàn tỉnh có 7 đội chiếu bóng lưu động với gần một trăm cán bộ tuyên truyền viên, không quản khó khăn, gian khổ đến tận các xã vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con đồng bào các dân tộc, trung bình mỗi năm phục vụ hàng nghìn buổi chiếu phim phục vụ hằng trăm nghìn lượt người xem, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong Nhân dân hăng hái thi đua, lao động, sản xuất, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, phát triển.  

Hoạt động tuyên truyền các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh và của đất nước được chú trọng. Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch như: Tổ chức long trọng Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh di sản văn hoá phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng Thái ở Việt Nam” vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022; Cuộc thi “Người đẹp Xứ Tuyên”; Liên hoan văn hoá các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; tổ chức Triển lãm với chủ đề “Bác Hồ và các vị tiền bối cách mạng tại Tuyên Quang”, “Sắc xuân trên quê hương Tuyên Quang”; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất năm 2022, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng du khách và Nhân dân trong tỉnh. Ban Tổ chức Lễ hội khinh khí cầu quốc tế tổ chức tại Tuyên Quang đã được nhận Bằng kỷ lục Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lớn nhất tại Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng…

Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, vốn văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng của 22 dân tộc trong tỉnh, Tuyên Quang luôn là mảnh đất màu mỡ, là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị tuyên truyền, quảng bá về mảnh đất và con người xứ Tuyên, góp phần xây dựng Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn  minh.

Thúy Quang

 

Xem tin theo ngày:   / /