Tuổi trẻ thị trấn Sơn Dương hưởng ứng Cuộc thi "Tìm hiểu tỉnh Tuyên Quang - 190 năm hình thành và phát triển"
Cụ thể hóa Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cấp ủy tỉnh đã ban hành 38 văn bản chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng trong tình hình mới. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã ban hành 79 văn bản chỉ đạo về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Ban tuyên giáo các cấp đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy hướng dẫn, đôn đốc, khảo sát, kiểm tra, sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng, từ năm 2018 đến nay Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức 02 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác cho gần 300 lượt cán bộ của ban tuyên giáo các cấp và các thành viên ban biên soạn lịch sử, truyền thống các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, đến nay công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới. Toàn tỉnh có 49 ấn phẩm được tái bản, xuất bản; 11 bản thảo đang hoàn thiện lần 1; 03 bản thảo hoàn thiện lần 2; 02 bản thảo hoàn thiện lần 3; 07 bản thảo đang sưu tầm bổ sung tài liệu; dự kiến đến năm 2025 có khoảng 65 ấn phẩm được xuất bản. Các ấn phẩm lịch sử, truyền thống được xuất bản với nhiều loại hình phong phú (Lịch sử Đảng bộ; truyền thống ngành, cơ quan, đơn vị; kỷ yếu hội thảo; sách ảnh; sách chuyên khảo...). Nhìn chung, các ấn phẩm đã xuất bản tái hiện một cách toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử phát triển của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo tính Đảng và tính khoa học, đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử đảng thấm sâu vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng Nhân dân.
Một số ấn phẩm nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tỉnh Tuyên Quang
Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm lịch sử Đảng, các cấp, các ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tuyên truyền lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ thông qua hoạt động tổ chức Lễ kỷ niệm 90 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2020) và 90 năm thành lập chi bộ Mỏ Than - Chi bộ đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang (20/3/1940 - 20/3/2020); Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 - 4/11/2021) và 30 năm tái lập tỉnh Tuyên Quang (1991 - 2021); Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (02/4/1947 - 02/4/2022). Tỉnh ủy Tuyên Quang phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyên Quang - 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ (1961 - 2021), cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về "Bác Hồ với Tuyên Quang, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến" nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu tỉnh Tuyên Quang - 190 năm hình thành và phát triển (1831 - 2021). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tỉnh đoàn thanh niên tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang"... Nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương cách mạng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện đề tài khoa học “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ tỉnh Tuyên Quang" nghiên cứu thực trạng, đề ra giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền lịch sử truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh; số hóa 15 ấn phẩm lịch sử đã xuất bản trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh. Ban tuyên giáo các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy cùng cấp xây dựng các chuyên mục tư liệu, sự kiện biên tập trong các tài liệu tuyên truyền dưới hình thức infographic đăng tải trên hệ thống trang thông tin điện tử, mạng intenet, mạng xã hội, sử dụng hệ thống truyền thanh không dây... phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Báo Tuyên Quang thực hiện trên 400 bài viết nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, trong đó có 100 chuyên đề nội dung tuyên truyền về những dấu ấn lịch sử gẳn liền với các sự kiện trọng đại của đất nước trên mảnh đất Tuyên Quang, 120 phóng sự, ghi chép viết về những dấu ấn thay đổi của vùng quê cách mạng, thực hiện trên 50 ký sự, video, phóng sự truyền hình giới thiệu các di tích lịch sử, địa danh lịch sử. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng về đề tài giáo dục truyền thống cách mạng trên sóng phát thanh, truyền hình và trang Thông tin điện tử tổng hợp, tuyên truyền đến Nhân dân, đặc biệt Nhân dân trong tỉnh.
Các chi bộ, đảng bộ cơ sở tích cực đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào các buổi sinh hoạt chi bộ dưới nhiều hình thức như: Tổ chức tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt theo chuyên đề (tuyên truyền ý nghĩa các sự kiện lớn của đất nước, của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử địa phương); viết bài thu hoạch theo chủ đề được cấp ủy cấp trên phát động...
Tổ chức Đoàn, Hội, Đội tích cực thực hiện công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong thanh thiếu nhi với nhiều phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, như: Tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm, tự luận, tìm hiểu trên mạng thông tin điện tử, mạng xã hội... Thông qua các hoạt động tuyên truyền lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về truyền thống cách mạng của Đảng, quê hương, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tin của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tôn tạo nhiều di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, như: Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018, 2019 gắn với Lễ hội Thành Tuyên; Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành hát Then người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Hoàn thành kiểm kê toàn diện 40 di sản văn hóa phi vật thể, lập 5 hồ sơ khoa học di tích quốc gia, 14 hồ sơ di tích cấp tỉnh, 06 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức hoạt động dâng hương báo công với Bác cho 25.000 đoàn khách, có 3,5 triệu lượt khách tham quan khu di tích Tân Trào. Toàn tỉnh tổ chức trên 1.500 Lễ báo công dâng Bác, trên 2.000 chương trình hành trình về nguồn, kết nạp Đảng, Đoàn, Hội, Đội tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình. Thường xuyên thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc cảnh quan môi trường và quan tâm bảo quản, sưu tầm, trưng bày bồ sung hiện vật các điểm di tích. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng tủ sách pháp luật, phòng truyền thống phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống của địa phương, cơ quan, đơn vị...
Công tác biên soạn đưa nội dung lịch sử Đảng, lịch sử địa phương tích hợp trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân tại các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố đã sử dụng tài liệu “Giảng dạy lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn vào giảng dạy các chương trình lý luận chính trị cho học sinh, sinh viên, thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử địa phương. Các trường phổ thông đã đổi mới công tác giáo dục lịch sử cho học sinh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng được phương pháp tự học, tự rèn luyện, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Tăng cường tổ chức các hội thi giáo viên lịch sử giỏi, tổ chức các hoạt động ngoại khóa “Rung chuông vàng”, thực hiện hành trình về nguồn, nhận chăm sóc di tích lịch sử, nhà bia tưởng niệm... qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của Nhân dân các dân tộc, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Nhìn chung đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trên địa bàn toàn tỉnh đều được đào tạo bài bản, nhiều cán bộ có thâm niên công tác, có kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, say mê, gắn bó, tâm huyết với công việc. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, chưa có quy định chung về chế độ chi tiêu tài chính cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, cấp ủy các cấp đã quan tâm giải quyết nhiều vấn đề kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Những kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng thấm sâu vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng Nhân dân, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức xây dựng địa phương, đơn vị ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Từ thực tiễn cho thấy, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh sau 05 năm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng có những vướng mặt đặt ra. Đứng trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển, đòi hỏi cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chăm lo tạo điều kiện để công tác lịch sử Đảng phát triên; đồng thời, đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng phải thường xuyên cập nhật, đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn để nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng. Công tác lịch sử Đảng phải đúc kết những kinh nghiệm và bài học lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ lịch sử, đóng góp hiệu quả vào công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận của Đảng; đóng góp quan trọng trong giáo dục truyền thống cách mạng, hình thành thái độ lao động mới, xây dựng ý thức trách nhiệm với hiện tại và tương lai của mỗi cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tô quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Văn Đức