Độc đáo trong âm nhạc dân gian người Tày xứ Tuyên!

Thứ Hai, ngày 16 tháng 1 năm 2023 - 09:43 Đã xem: 4356

Trong quá trình sinh sống, người Tày đã hình thành nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo. Nổi trội trong các tầng văn hóa đó là những làn điệu dân ca, những nhạc cụ hình dạng cấu trúc đơn sơ làm nên âm thanh của núi rừng luôn rộn ràng sức sống.

Hát Then trên dòng sông Gâm, xã Yên Lập, Chiêm Hóa, Tuyên Quang (Báo Đại đoàn kết)

Hát then.

Hát then là một loại hình văn hóa tín ngưỡng. Về nội dung có then kỳ yên và then lễ hội. Then kỳ yên có nội dung trang trọng, dùng trong các lễ cầu yên, chữa bệnh… Then lễ hội có nội dung ca ngợi, phóng khoáng, dùng trong lễ cầu mùa, vào nhà mới.

Về hình thức thể hiện, có then quạt và then tính.

Khi hát then quạt, người hát dùng quạt làm đạo cụ, trang phục màu thuần đỏ, không có nhạc đệm. Then tính dùng đàn tính và chùm xóc làm nhạc đệm. Then Tày Tuyên Quang lời hát thường mở đầu bằng Ới la, âm vực cao, rất đặc trưng.

Hát then có giai điệu, tiết tấu, nhịp phách rõ ràng và có nhạc đệm. Nhạc cụ không thể thiếu là đàn tính (tính tẩu) cùng với chùm xóc. Đàn tính lúc trầm, lúc bổng; chùm xóc lúc chậm rãi, khi dồn dập diễn tả nội dung mà bài then nói đến.

Hát then là cả một không gian văn hóa vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ tư tưởng, tình cảm của cộng đồng dân tộc Tày.

Với những giá trị nhiều mặt, hát then đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại dựa trên những minh chứng rất rõ nét, cụ thể: “Then là di sản trí tuệ được con người cổ xưa sáng tạo ra, phản ánh phong tục tập quán, đời sống tinh thần phong phú giàu chất nhân văn của con người - thế giới - vũ trụ. Then hàm chứa tính nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc, đặc trưng riêng có của đồng bào Tày, Thái, Nùng ở Việt Nam. Then thể hiện tính cộng đồng, bác ái, tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO”.

Hát lượn.

Hát lượn là hình thức đối đáp giữa từng đôi trai gái hoặc bè trai, bè gái để bày tỏ tình cảm của mình. Tùy theo nội dung mà giai điệu biến tấu có sức biểu cảm riêng. Có lượn cọi, lượn nàng ới… Lời ca thể hiện tình yêu tha thiết.

Hát lượn có nhiều làn điệu, thường là thể thơ lục bát, xong cũng có thể là thơ tự do, một câu hỏi hoặc một câu trả lời ngắt đoạn tới 6-7 lần. Mỗi người cần phải có một “vốn” lượn phong phú để sẵn sàng ứng xử một cách khéo léo mới mong chiếm được cảm tình người mình muốn làm quen. Trong những ngày lễ hội, đặc biệt là lễ hội Lồng Tông (xuống đồng) ngày đầu xuân, hát lượn là dịp để trai thanh nữ tú hát đối đáp nhau rồi vương lại bao nỗi nhớ nhung. Trong lời hát họ thường mượn cỏ cây hoa lá để gửi tình gửi cảnh, diễn tả nỗi nhớ bạn lúc buồn da diết, lúc vui náo nức như tiếng vọng của núi non; mượn chim khảm khắc lẻ bạn tâm tình với người mình thương nhớ. Đây là cách thay cho lời chào hỏi, ước hẹn lòng mình muốn kết nên tình yêu đôi lứa bền chặt.

Phong slư.

Là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, nơi tái hiện không gian văn hóa đặc trưng, trở thành sợi dây gắn kết tình yêu đôi lứa không thể thiếu trong tình yêu đôi lứa của người Tày xứ Tuyên.

Truyền thuyết trong sử thi vẫn lưu truyền trong sử thi của người Tày về một câu chuyện tình yêu trắc trở vẫn mãi vang vọng khắp rừng sâu con suối. Tình yêu của họ dạt dào như mặt suối nguồn, ngày đêm thương nhớ, nhưng lại ít có điều kiện để tâm tình. Chàng trai gửi vào mỗi bức phong thư nỗi niềm với người thương của mình. Khi nhận được bức phong thư ấy, người ta hát lên với một điệu riêng biệt, gọi là Phong slư.

Với đồng bào Tày, mỗi Phong slư là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tác ra nó. Bụng nghĩ sao, trái tim mách bảo thế nào thì viết ra thế ấy. Từng nét chữ chân phương, nắn nót thể hiện tấm chân tình của người viết. Phong slư được viết theo thể thơ thất ngôn, bằng chữ Nôm Tày, trên mảnh lụa mỏng, thường là giấy hồng điều. Khi viết xong, Phong slư được trang trí tỉ mỉ bằng slư hoa văn thổ cẩm như con nhạn, con én, chim bồ câu… thể hiện tâm ý của người viết.

Dù không ghi tên nhưng có thể thấy tác giả phong slư có nội dung phong phú, tình cảm sâu đậm. Lời phong slư thường ví von, ẩn dụ, mượn cảnh tả tình, nhún nhường, khiêm tốn. Người hát phong slư cũng đồng cảm với sự rung động ấy.

Hát quan làng.

Hát quan làng là hát đối đáp trong đám cưới. Âm điệu vui, phóng khoáng. Lời hát ở mỗi vùng lại có sáng tạo riêng. Mọi trao đổi giữa nhà trai và nhà giá đều được thể hiện qua lời hát.

Quan làng là đại diện cao nhất của họ nhà trai, thay mặt bố mẹ chú rể và cả họ ứng xử với nhà gái. Vì thế, quan làng phải hiểu biết phong tục, nói năng lịch thiệp, thuộc lời các chương hát, đặc biệt là có tài ứng đối. Từng bước trong trình tự của một đám cưới đều mở đầu và kết thúc bằng một chương hát.

Những khúc hát ở nhà gái, gồm: Hát đỡ dây, hát mở cửa, hát trải chiếu, hát mời trầu, hát lễ trình tổ và nộp gánh, hát dâng tấm vải tạ ơn, hát xin đón dâu.

Những khúc hát ở nhà trai gồm: Hát trình tổ, hát trao dâu, hát trao chăn gối, hát căn dặn, hát then, hát ru.

Hòa cùng vẻ đẹp yên bình nơi núi rừng xứ Tuyên, dưới những mái ngói máng cổ kính, thanh âm của tiếng hát then, hát cọi, hát Phong slư…như gợi lại tình yêu, niềm cảm xúc trong mỗi con người. Dù cuộc sống có hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa, thì những làn điệu dân ca người Tày vẫn là cầu nối gắn kết những tâm hồn lại với nhau, là mạch nguồn chảy mãi tạo nên nét văn hóa độc đáo của dân Tày xứ Tuyên./.

Mộc Miên

Xem tin theo ngày:   / /