Phong tục đón Tết của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang

Thứ Năm, ngày 19 tháng 1 năm 2023 - 14:03 Đã xem: 2467

Dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang dân tộc Pà Thẻn có trên một nghìn người. Cư trú tập trung chủ yếu ở huyện Chiêm Hoá, Sơn Dương. Người Pà Thẻn thường ở cư trú ở vùng núi cao, không tập trung thành một làng riêng, mà thường quần cư với các dân tộc khác như Mông, Dao, Mèo nước, Tày. Họ cư trú ở rải rác ở chân các quả đồi vài ba nhà thành một xóm nhỏ.

Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn (Ảnh: Nam Sương, TTXVN)

Cùng với các dân tộc khác, mỗi dịp Tết đến, Xuân về người Pà Thẻn ở Tuyên Quang lại nô nức chuẩn bị cái Tết Nguyên đán, Tết to nhất trong năm được các gia đình, cộng đồng hết sức quan tâm và đặc biệt coi trọng. Ngay từ sáng ngày 30 tết, các gia đình trong làng vệ sinh, quét dọn sạch sẽ  nhà cửa với ý nghĩa đón năm mới nhiều tốt lành. Để quét nhà, họ dùng chổi rơm lúa, bắt đầu quét từ chỗ bàn thờ tổ tiên đến chỗ sàn, gác bếp, các buồng, góc nhà… sau đó dán giấy đỏ ở bàn thờ, cửa nhà, cột nhà, bếp, chuồng gà, chuồng lợn, bể nước, dụng cụ lao động…với mong muốn cầu mong một năm mới “người yên vật thịnh”, mưa thuận, gió hòa. Cũng trong ngày 30 tết, những thành viên nào đã được thầy cúng làm lễ cấp sắc sẽ phải chuẩn bị một số lễ vật gồm một con gà trống lông đỏ, một ống gạo, một chai rượu, hai nén hương, hai mảnh giấy tiền vàng mang đến nhà thầy trước hết là để cảm ơn thầy, sau là chúc tết thầy và gia đình. Thầy nhận lễ và thắp hương báo với tổ tiên rồi, sau cùng nhau quây quần bên mâm cơm.

Đêm 30 Tết, người phụ nữ trong nhà sẽ bí mật đi nấu một nồi cháo gà để cả gia đình thưởng thức. Ăn cháo gà xong, chủ nhà sẽ làm lễ xin nước mới để đổ thêm vào bát nước thờ. Lưu ý là hành động sẽ phải được giữ kín, không được để lộ ra ngoài. Theo tín ngưỡng của người dân tộc Pà Thẻn thì nếu việc làm trên bị lộ thì cả năm tới gia đình khó làm ăn, con cái ốm đau.

Cũng vào buổi sáng ngày mồng 1 Tết, khác với các dân tộc thiểu số khác, dân tộc Pà Thẻn có một phong tục độc đáo là thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên của gia đình, bên trên bát nước lã này được úp một chiếc đĩa. Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn: Bát nước đó tượng trưng cho biển, bát nước chứa đựng hồn tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Bát nước này không bao giờ được cạn vì nếu để cạn thì gia đình sẽ có người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp điều không may. Cùng với tục thờ nước, Người Pà Thẻn còn có tục lệ “cân nước” hay còn gọi là lễ xin nước đầu năm để đoán biết xem năm mới làm ăn có tốt hơn năm cũ hay không. Ngay từ sáng sớm hôm trước, tức 30 tết, mỗi gia đình chuẩn bị một ống nứa để đi múc nước ở khe suối đem về nhà cân để biết khối lượng sau đó lại đổ nước đó vào chum. Khi đi xin nước, gia chủ phải mang theo một nén hương cắm ở cạnh nguồn nước để xin thần nước phù hộ cho dân làng năm mới “Mưa thuận gió hoà”. Sáng mồng một Tết, chủ gia đình lại lấy ống đựng nước đó đến khe hứng đầy nước rồi đem về cân xem năm mới hay năm cũ nặng hơn. Nếu như ống đựng nước của năm mới nặng hơn năm cũ thì có nghĩa là năm đó trời mưa nhiều và sẽ được mùa. Nều nước năm mới ít hơn thì năm đó ít mưa, sẽ mất mùa. 

Ngày Tết đầu tiên, người ta thường lựa chọn mời những người hợp tuổi để xông nhà cầu cho năm mới làm ăn phát triển tốt. Người được chọn là những người có lộc, ví dụ tuổi chủ nhà là tuổi Ngọ thì chọn người tuổi Hợi đến xông nhà, người tuổi Thân thì chọn người tuổi Tuất, tuổi Sửu chọn tuổi Tuất. Lựa chọn kỹ càng nhất là những người vừa mới làm nhà ra ở riêng. Lễ vật trong ngày Tết này không thể thiếu 7 chiếc bánh dày (một đôi bánh to và năm chiếc bánh nhỏ).

Tết Nguyên Đán là thời gian để người dân nghỉ ngơi ăn tết vui vẻ. Đặc biệt trong dịp Tết người dân Pà Thẻn còn duy trì được phong tục chúc tết cha mẹ, người thân, họ hàng, làng xóm để thắt chặt tình đoàn kết, thể hiện được sự trọng đạo nghĩa của mình. Ngày xuân năm mới cũng là là dịp trai gái tìm bạn đời để kết duyên xây dựng cuộc mới ấm no, hạnh phúc.

Gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của dân tộc trong cuộc sống của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang nói chung và phong tục đón Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc Pà Thẻn nói riêng là kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn.
Khám phá những nét văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc thiểu số trong ngày Tết  đơn sơ, giản dị những ấm cúng, chan chứa yêu thương đó khiến chúng ta càng thêm yêu quý vốn văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Thúy Quang

Xem tin theo ngày:   / /